Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Thượng Phùng, xã Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) được sửa chữa khang trang. Ảnh: Nguyễn Chiến – TTXVN |
Với mong muốn mang con chữ đến với các em học sinh vùng cao, sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm, cô Trần Thị Nga lên nhận nhiệm vụ tại xã biên giới Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, nơi cực Bắc của Tổ quốc. Từ những ngày đầu được phân công về Trường Tiểu học Thượng Phùng (nay là Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Thượng Phùng), sự bỡ ngỡ của một nữ giáo viên trẻ cũng như những khó khăn về điều kiện ăn ở, đi lại khi đó đôi lúc đã khiến cô xao lòng. Thế nhưng, chính niềm đam mê, yêu nghề và tình thương dành cho các em học sinh vùng cao đã giúp cô Nga vượt qua khó khăn, gắn bó với nghề, bám bản, bám lớp.
Sau 25 năm gắn bó với nghề, nhớ lại những ngày tháng khó khăn cực nhọc, cô giáo Trần Thị Nga cho biết, từ điểm trường chính đến các điểm trường cách nhau vài tiếng đi bộ, các cô phải ở lại trường cả tháng với điều kiện thiếu nước, không điện. Năm 1994, khi đó, cả trường chỉ có 8 giáo viên, trong đó có 3 nữ giáo viên đều là giáo viên mới, mọi cái đều vất vả khó khăn, các điểm trường đều là nhà tạm, những bức tường được dựng lên từ các thân cây ngô, mái nhà bằng cỏ tranh. Khi khó khăn tưởng như không vượt qua, đôi lúc, các cô cũng cảm thấy nản lòng.
“Ngoài khó khăn về điều kiện kinh tế và cơ sở vật chất, chúng tôi còn gặp khó khăn về ngôn ngữ giữa cô và trò, đặc biệt các phụ huynh khi đó chưa ý thức được việc học của con em mình. Chúng tôi phải đi từng nhà vận động để phụ huynh cho con em mình đến lớp. Sau một thời gian ở, sinh hoạt cùng người dân và các em học sinh, dần dần chúng tôi đã thu hẹp khoảng cách về ngôn ngữ, giữa thầy cô và trò đã nghe, hiểu được tiếng nói của nhau, các bậc phụ huynh dần ý thức được việc học tập của con em mình, từ đó họ cho con đi học đều, công việc giảng dạy và chất lượng dạy, học được nâng lên” - cô Nga cho biết.
Cô Trần Thị Tuyển, quê ở huyện Bắc Quang (Hà Giang), công tác tại Trường Tiểu học Thượng Phùng được 10 năm. Cô cho biết, những ngày đầu tiên lên công tác vùng cao, lúc đó cô Tuyển 24 tuổi, giảng dạy ở một điểm trường khó khăn, nhà tạm, không điện, không nước, giao thông đi lại khó khăn.
“Ngày mới nhận nhiệm vụ, tôi phải đi bộ vài giờ đồng hồ mới đến điểm trường. Sống trong cảnh không điện, không nước, chúng tôi phải đi bộ hàng chục km lấy từng can nước về sinh hoạt. Đến nay, chúng tôi rất mừng khi được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các ban ngành, cuộc sống đã thay đổi rất nhiều, đường giao thông thuận tiện, cơ sở vật chất khang trang hơn” - cô Tuyển chia sẻ.
Thầy Đỗ Văn Thương, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Thượng Phùng cho biết, những năm trước đây, điều kiện kinh tế - xã hội rất khó khăn, để yên các thầy cô tâm công tác, nhà trường luôn động viên tinh thần; khuyến khích các thầy cô đùm bọc lẫn nhau, người đi trước chia sẻ, giúp đỡ người đi sau, động viên nhau để hoàn thành công việc. đặc biệt là với những nữ giáo viên, những người vượt qua khó khăn vì sự nghiệp trồng người, họ thật sự là những bông hoa đẹp của ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Giang.
Quyết Chiến