Chặng đường gieo con chữ ở vùng cao gặp nhiều khó khăn vất vả, gian nan nhưng tình yêu nghề và mong muốn một tương lai tươi sáng hơn cho các em nhỏ vùng cao đã thôi thú các cô giáo ở vùng cao Hà Giang vượt lên tất cả.
Lên vùng cao gieo chữ
Những ngày này, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên địa bàn, các em học sinh phải nghỉ học ở nhà, cô Vũ Thị Ý, sinh năm 1970, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Xín Cái (xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc, Hà Giang) mới có thời gian để ngồi ôn lại những ngày tháng bước chân vào nghề giáo, công hiến cho sự nghiệp “trồng người” ở huyện nghèo vùng cao.
Những năm 1980 – 1990, cuộc sống còn nhiều khó khăn vất vả, gia đình cô Vũ Thị Ý ở xã Bạch Ngọc (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) có 7 anh chị em nhưng chỉ có mình cô được theo học hết cấp 3 rồi theo học hệ sư phạm 12 +2 tại Trường Sư phạm Hà Giang. Năm 1990 Vũ Thị Ý nhận quyết định lên dạy học trên huyện vùng cao Mèo Vạc. “Ngày nhận quyết định lên Mèo Vạc, cả đêm tôi không ngủ. Mẹ và chị thương tôi, không muốn cho đi lên nơi xa vắng và khó khăn ấy. Mẹ tôi còn dặn tôi, nếu khổ quá thì về với mẹ. Khi đó đường đi Mèo Vạc rất khó khăn, hiểm trở. Từ thị xã Hà Giang lên Mèo Vạc phải đi mất 2 ngày. Hai ngày say xe không ăn được, lịm trong giấc ngủ, cho tới khi đến Mèo Vạc tôi mới nghĩ mình còn sống” - cô Ý nhớ lại.
Cô Ý cho biết, hơn 13 năm dạy ở Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Mèo Vạc, cô cùng một số giáo viên khác được phân công đi vào các xã vùng sâu, vùng xa, giáp biên giới để dạy lớp xóa mù chữ. Những lần đầu chưa quen, lạ nước, lạ nhà đêm không ngủ được, bọ gà, bọ chó, muỗi và dĩn đốt sưng, ngứa khắp người. Bù lại, đồng bào các dân tộc vùng cao sống tình cảm. Sau khi lớp xóa mù chữ kết thúc, các cô lại di chuyển đi xã khác, bà con lưu luyến, giữ không cho về.
Năm 2010, cô Vũ Thị Ý xung phong vào Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Xín Cái. Xín Cái là một trong 3 xã biên giới của huyện Mèo Vạc, nơi nổi tiếng với gió rít rợn người vào mùa Đông, với cái lạnh cắt da, cắt thịt, có những hôm sương mù dày đặc cả ban trưa. Đường từ trung tâm huyện vào đến xã Xín Cái dài gần 30 km, rất khó đi lại vào mùa mưa. Mùa Đông, có những sáng thức dậy, các cô giáo ngỡ ngàng nhìn vườn bắp cải, cây bắp cải như những bông hoa thủy tinh, do sương xuống bám vào bị đóng băng.
“Vào mùa Đông, có những hôm trời lạnh, bọn trẻ cóng tay không đưa nổi bút. Tôi lại đi xin quần áo, ủng, tất, giấy vở, bút… cho các em. Bọn trẻ thiếu cái gì là tôi đi xin cái đó, cũ mới không quan trọng, miễn là có. Hằng ngày chứng kiến những hình ảnh học trò nghèo, quần áo mỏng, gầy gò trong buốt giá mà lòng tôi tê tái, thương các em lắm” - mắt cô Ý ngấn lệ khi chia sẻ điều này.
"Chỉ cần mỗi sáng tới trường được nhìn thấy các em học sinh đến lớp đầy đủ, chăm ngoan, chăm chỉ và khôn lớn từng ngày, là hành phúc, động lực để vượt qua mọi khó khăn vất vả"- cô Vũ Thị Ý tâm sự.
Việc dạy học tại một trường ở khu vực biên giới có muôn vàn khó khăn, lực học của các em học sinh không đồng đều, song cô Ý luôn kiên trì, tìm tòi phương pháp mới phù hợp hiệu quả, sau đó chia sẻ cho đồng nghiệp vận dụng để học sinh tiếp thu bài nhanh nhất, hiệu quả nhất. Thầy Đỗ Phi Long, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Xín Cái (xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc), cho biết: “Cô Ý là tổ trưởng tổ chuyên môn, rất tâm huyết, trách nhiệm, chuyên môn rất giỏi. Cô có nhiều sáng kiến trong phương pháp dạy, luôn chia sẻ kinh nghiệm cho đồng nghiệp, sống thân thiện, chấp hành tốt quy định nghề nghiệp, hằng năm luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.
Nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh; có nhiều sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học, phương pháp dạy được áp dụng vào thực tiến. Với những cống hiến thầm lặng vì sự nghiệp “trồng người” của mình, năm 2021 cô Vũ Thị Ý đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý Nhà giáo Ưu tú.
Nhiều “bông hoa” đẹp ở vùng cao
Vào ngành giáo dục trước cô Ý, cô Lê Thị Thanh (sinh năm 1966, quê ở huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang), đã có 33 năm cống hiến, gắn bó với học sinh nghèo vùng cao. Vào nghề từ năm 1988, cô tình nguyện lên công tác tại huyện Mèo Vạc - mảnh đất đầy gian khó nơi cực Bắc. Cô được phân công giảng dạy tại xã Lũng Chinh rồi chuyển qua xã Nậm Ban. Năm 1991, cô về trường Tiểu học thị trấn Mèo Vạc. Cô Thanh cho biết: “Năm 1991 tôi hết nghĩa vụ đi vùng sâu, được chuyển vùng nhưng vì đã trót yêu mảnh đất Mèo Vạc và thương các em học sinh đang thiếu thầy, cô giáo dạy bảo nên tôi quyết định ở lại đây”.
Những năm gắn bó với vùng cao, cuộc sống của cô Thanh cũng như nhiều giáo viên khác gặp rất nhiều khó khăn. Khi còn ở điểm trường xã Nậm Ban, hàng ngày cô phải vượt chặng đường hơn 20 km, đường xá đi lại vất vả, cơ sở vật còn thiếu thốn mọi mặt. Không điện, không nước sạch,.. bản thân cô một mình một điểm trường, không biết ngôn ngữ bản địa, một số đồng nghiệp đã bỏ nghề về quê, học sinh thì không đi học,... Đã có lúc cô nghĩ đến chuyện bỏ cuộc, nhưng tình yêu thương các em lại giúp cô Thanh vượt lên tất cả.
“Buổi sáng tôi dạy các em lớp 1. Trẻ nhỏ chưa có ý thức, không thích đi học. Giữ được em này ở lớp thì em khác bỏ về. Có những hôm tôi không gọi được em nào đến lớp vì các em đã theo bố mẹ đi nương. Nhiều lúc bật lực, tôi đứng khóc trên bục giảng như một đứa trẻ. Buổi tối, tôi dạy lớp xóa mù chữ còn khó khăn hơn, lớp học nhiều lứa tuổi, người có vợ, có chồng, người nuôi con nhỏ nên họ ngại đi học” - cô Thanh chia sẻ.
Ngoài kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ thì điều quan trọng nhất mà một giáo viên tiểu học phải có là tình thương yêu, lòng nhân ái, tính chịu khó, kiên trì… Bởi lẽ, học sinh ở lứa tuổi tiểu học còn nhỏ, hiếu động và chưa hiểu ý nghĩa của việc học. Trình độ tiếp cận bài học các em vùng cao cũng chậm hơn so với học sinh ở dưới xuôi.
Hơn 33 năm trong công tác giảng dạy, cô Thanh luôn nhiệt huyết với công việc, từng bước nâng cao kỹ năng giảng dạy, hiệu quả đào tạo được nâng cao qua từng năm. Năm 2017, cô Lê Thị Thanh đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý Nhà giáo Ưu tú.
Đánh giá về những cống hiến của các thầy, cô giáo nói chung và của hai Nhà giáo Ưu tú Vũ Thị Ý và cô Lê Thị Thanh nói riêng, ông Bùi Văn Thư, Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mèo Vạc, nêu rõ, những cống hiến của các thầy, các cô đã được ghi nhận trong tâm khảm ở lớp lớp các thế hệ học sinh đã được các cô đào tạo và nay đã trưởng thành, hiện một số đang giữ cương vị quan trọng trong các cơ quan, ban, ngành và các địa phương.
Nguyễn Chiến