Cán bộ thú y kiểm tra nguồn gốc xuất sứ, hoạt động giết mổ và đóng dấu kiểm dịch tại khu giết mổ tập trung phường Phú Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Danh Lam – TTXVN |
Yên Định là huyện đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi. Sau gần 2 tháng xuất hiện ổ dịch đầu tiền tại xã Định Long (ngày 23/2) đến nay, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc khoanh vùng, dập dịch, địa phương đã có 3 xã, thị trấn công bố hết dịch gồm xã Định Thành, Định Liên và thị trấn Quán Lào. Tại huyện Thiệu Hóa, tính đến ngày 18/4/2019, sau 30 ngày kể từ ngày ổ dịch cuối cùng xuất hiện, tại các xã Thiệu Tiến, Thiệu Trung, Thiệu Long, Thiệu Vũ, Thiệu Phúc không phát sinh thêm ổ dịch mới. UBND huyện Thiệu Hóa đã ra các quyết định công bố hết dịch tả lợn châu Phi tại 5 xã nêu trên. Bên cạnh đó, UBND huyện Thiệu Hóa cũng công bố hết vùng bị dịch uy hiếp gồm các xã Thiệu Đô, Thiệu Châu, Thiệu Vận, Thiệu Lý, Thiệu Minh, Thiệu Giang. Tại thành phố Thanh Hóa, có duy nhất 1ổ dịch được phát hiện vào ngày 15/3 tại xã Đông Lĩnh. Để khống chế, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, bùng phát, cấp ủy chính quyền và các ngành chức năng và các hộ chăn nuôi đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, nên tình hình dịch đã được khống chế, không để lây lan ra các hộ trong xã và vùng lân cận. Đến nay, sau 30 ngày kể từ ngày ổ dịch xuất hiện, tại xã Đông Lĩnh không phát sinh thêm ổ dịch mới. Theo quy định, xã Đông Lĩnh được công bố hết dịch, đồng thời các xã, phường gồm Đông Cương, Đông Thọ, Phú Sơn và Đông Tân công bố hết vùng bị dịch uy hiếp. Hiện nay, tại các huyện, thị, thành phố có xã, phường, thị trấn công bố hết dịch tả lợn châu Phi sẽ được phép giết mổ, mua, bán, vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn sang các nơi khác và được nhập lợn và các sản phẩm từ lợn từ nơi khác về địa bàn. Điều này sẽ có tác động tích cực đến tình hình chăn nuôi và sử dụng thịt lợn của người dân. Bên cạnh đó, các địa phương cũng chỉ đạo các xã, phường, thị trấn sau khi hết dịch vẫn phải tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, tiêu độc, khử trùng, kiểm soát giết mổ, quản lý chặt chẽ đàn lợn và xử lý kịp thời trong trường hợp lợn tái phát bệnh. Đồng thời, các địa phương thực hiện đầy đủ, đúng quy định các chế độ, chính sách hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi. Theo báo cáo của Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 104 hộ của 43 thôn, 26 xã của 6 huyện của tỉnh Thanh Hóa. Cơ quan chức năng buộc phải tiêu hủy 2.355 con lợn với tổng trọng lượng 134.665,5 kg. Sau gần 2 tháng xuất hiện ổ dịch đầu tiên, nhờ đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tuyên truyền nên việc tiêu thụ thịt lợn trên địa bàn tỉnh những tuần qua đã tăng lên đáng kể, nhất là tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm an toàn. Theo khảo sát số lượng thịt lợn được tiêu thụ tại các chợ, cửa hàng an toàn thực phẩm đạt 70%, tăng 40 đến 50% so với thời điểm vừa xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi. Giá lợn hơi cũng đã đạt 40.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg so với thời điểm xuất hiện dịch tả lợn châu Phi…
Khiếu Tư