Ông Thái Anh Tuấn, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ia Grai (Gia Lai) thông tin: UBND huyện đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính 32,5 triệu đồng đối với hộ kinh doanh Trần Thị Ái Liên (làng O Gia, xã Ia Pếch) do vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Dù không có giấy phép môi trường theo quy định, hộ kinh doanh này đã chăn nuôi 600 con lợn thịt.
Đây là một trong hàng chục trường hợp trang trại chăn nuôi lớn, nhỏ trên địa bàn tỉnh Gia Lai bị phạt do vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Thực tế cho thấy, hàng loạt dự án chưa đảm bảo quy định về môi trường, khiến đời sống của dân cư xung quanh bị ảnh hưởng nặng nề. Tình trạng này đã được phát hiện trong thời gian dài, nhưng chưa được xử lý triệt để.
Hơn một năm nay, công trình giọt nước của làng O Gia, xã Ia Pếch phải bỏ hoang, cỏ dại phủ đầy. Bởi hàng ngày, hàng đêm, nước giọt bị bốc mùi hôi thối của phân lợn từ các dự án chăn nuôi lợn từ trên cao chảy xuống. Ông Anh Siu Xuân (làng O Gia), bức xúc, từ trước đến nay, dân làng dùng nước giọt để uống và giặt giũ quần áo. Từ ngày ba trang trại lợn phía trên kia xả nước, xả phân xuống hôi thối quá, dân làng không dùng được phải bỏ nguồn nước.
Theo tìm hiểu của phòng viên, ba cơ sở chăn nuôi mà người dân nhắc đến là của ông Ngô Văn Tuấn, Nguyễn Hữu Hạnh và bà Trần Thị Ái Liên đứng tên đăng ký kinh doanh với quy mô, số lượng 2.000 con lợn. Cả ba hộ này đang lập hồ sơ xin cấp phép môi trường, nhưng chưa được địa phương chấp nhận. Chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo quy định, ba hộ này vẫn ngang nhiên hoạt động. Cuối năm 2022, các cơ sở này đã bị địa phương xử phạt hành chính và yêu cầu ngưng hoạt động do việc gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, đến nay, các cơ sở này không những không khắc phục mà vẫn ngang nhiên hoạt động và xả thải gây bức xúc cho người dân.
Anh Siu Kiu, Phó thôn của làng O Gia cho hay, trang trại lợn xả nước đen sì, mùi hôi thì nồng nặc, người dân rất bức xúc. Nước sinh hoạt, nước uống từ nguồn nước giọt bị làm ô nhiễm không dùng được nữa. Giờ người dân muốn có nước, phải sang làng khác ở xa để xin.
Cùng chung tình trạng ô nhiễm môi trường do các trang trại chăn nuôi, huyện Chư Prông hiện có tổng số 61 dự án chăn nuôi lợn xin chủ trương đầu tư và đã đi vào hoạt động, chiếm 29% số dự án chăn nuôi tại tỉnh Gia Lai. Riêng xã Ia Piơr có 19 dự án, xã Ia Lâu có 16 dự án. Đây cũng là nơi người dân bức xúc trong thời gian dài vì chịu cảnh hôi thối suốt ngày đêm vì các trang trại chăn nuôi. Các quyết định xử phạt vi phạm hành chính vẫn được chính quyền ban hành, đóng phạt xong, các trang trại vẫn ngang nhiên hoạt động khiến người dân vẫn liên tục chịu cảnh sống cùng ô nhiễm.
Qua quá trình đi kiểm tra, giám sát các trang trại chăn nuôi trên địa bàn ông Ra Lan Song Linh, Phó Trưởng Ban Văn hóa Xã hội của HĐND tỉnh Gia Lai, nhận định, qua tìm hiểu, cơ sở chăn nuôi nay chăn nuôi số lượng lớn, nhưng báo cáo với chính quyền số lượng thấp. Không có giấy phép xây dựng, xây dựng trên cao, đầu nguồn nước, khi đầy thải tràn ra môi trường, thấm vào đất, chảy đến nguồn nước của dân. Có trang trại bị xử phạt nhiều lần nhưng vẫn hoạt động, vậy chính quyền cơ sở đã làm hết trách nhiệm chưa?
Để một dự án chăn nuôi đi vào hoạt động phải trải qua nhiều khâu từ xin chấp thuận chủ trương đầu tư, đánh giá tác động môi trường và cấp phép đủ điều kiện chăn nuôi. Trong các khâu này, đều có sự tham gia ý kiến của chính quyền cấp xã, huyện và ba ngành: Kế hoạch Đầu tư, Tài nguyên Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của tỉnh. Điều này đảm bảo các dự án chăn nuôi phải phù hợp với các quy hoạch về đầu tư, xây dựng, kế hoạch sử dụng đất, khoảng cách với khu dân cư và các điều kiện về môi trường. Đặc biệt, đối với vấn đề môi trường, các dự án đều phải được đánh giá tác động môi trường, cấp phép về môi trường tùy vào quy mô. Nhưng thực tế, có nhiều doanh nghiệp "lách" không làm thủ tục về cấp phép môi trường, chấp nhận vi phạm để xử phạt vì chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe.
Ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Gia Lai cho rằng, hiện nay chế tài xử phạt cấp huyện quy mô dự án vừa và nhỏ cấp huyện quản lý chỉ xử phạt 10 - 15 triệu; trang trại lớn, xử phạt 15 - 20 triệu. Rất thấp so với vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng của doanh nghiệp.
Theo thống kê của ngành Tài nguyên và Môi trường Gia Lai, hiện nay, địa bàn tỉnh có tổng số 209 dự án chăn nuôi được cấp chủ trương và đang xin cấp chủ trương, tuy nhiên chỉ một phần rất nhỏ thực hiện nghiêm túc việc xin cấp phép về môi trường. Từ đầu năm tới nay, qua kiểm tra của ngành chức năng, UBND tỉnh Gia Lai đã xử phạt 7 doanh nghiệp lớn trong ngành Chăn nuôi tại địa phương vì không có giấy phép môi trường.
Hồng Điệp