Hiện tượng bất thường đó còn đang tiềm ẩn nguy cơ cao, có thể xảy ra bất cứ lúc nào gây thiệt hại nặng nề tài sản và tính mạng của nhân dân nếu mất cảnh giác.
Một ngôi nhà dân bị đổ sập do hiện tượng sạt lở, sụt lún nghiêm trọng trên tỉnh lộ 965 (Kiên Giang) |
Đứng bên đoạn sạt lở, sụt lún gần hết mặt đường lộ thuộc địa bàn ấp Công Sự, xã An Minh Bắc vừa xảy ra ngày 5/5, ông Bùi Văn Thắng ngụ tại địa chỉ trên cho biết: “Lúc 7 giờ 30 phút sáng hôm qua, tôi đưa cháu ngoại đi học thì đoạn đường này vẫn còn nguyên vẹn, nhưng khoảng 30 phút sau trở về nhà thì nó sạt lở, sụt lún một đoạn dài gần hết mặt lộ gây tắt đường. Xe không chạy được do lề lộ bên cao, bên thấp nên tôi vào nhà lấy xà beng ra xủi cho bằng phẳng, xúc đất đá rải lên cho xe qua tạm, sau đó rào chắn đoạn sạt lở, hố sâu nguy hiểm để cảnh báo cho người và xe lưu thông trên đường.”
Ghi nhận tại hiện trường, đoạn sạt lở, sụt lún dài hơn 50m, gần như toàn bộ mặt lộ nhựa nằm dưới hố, nơi sâu nhất khoảng 2m so với mặt đường, đất đá, cây cỏ đổ giạt xuống kênh chỉ còn lem lém ít nước dưới đáy. Xe hai bánh lưu thông trên đường qua lại từng chiếc một hết sức khó khăn, nguy hiểm.
Theo ông Thắng, đây là hiện tượng bất thường bởi từ trước đến nay, ở đây chưa bao giờ xảy ra sạt lở, sụt lún nghiêm trọng như vậy. Nguyên nhân có thể do con kênh chạy cặp theo tuyến lộ quá sâu nhưng lại không có nước, đất dưới chân yếu mất khả năng chịu lực nên sụp lở.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trung Nam , Phó Chủ tịch UBND xã Minh Thuận, huyện U Minh Thượng nói: “Do ảnh hưởng của hạn hán kéo dài, trong khu vực vùng đệm rừng U Minh Thượng, các kênh mương hầu như không còn nước. Điều kiện thời tiết bất lợi đó không những gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp, thiếu nước sinh hoạt cho nhân dân, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao mà còn ảnh hưởng, gây sụt lún tuyến tỉnh lộ 965, lộ giao thông nông thôn trên địa bàn nghiêm trọng”.
Sạt lở, sụt lún nghiêm trọng trên tỉnh lộ 965 (Kiên Giang) |
Ông Nguyễn Trung Nam cho biết thêm, đến thời điểm này, trên tuyến tỉnh lộ 965 xảy ra hơn 10 điểm sạt lở, sụt lún với tổng chiều dài khoảng 270 m, trong đó thiệt hại 5 nhà dân, làm hư hỏng nhiều vật dụng, tài sản của nhân dân, nhưng may mắn không gây thương vong về người; lộ giao thông nông thôn sạt lở 3 điểm. Những điểm sạt lở, sụt lún thuộc địa bàn các ấp Minh Thành, Minh Kiên, Minh Dũng, Minh Tiến, Minh Tiến A, Minh Thượng B (xã Minh Thuận) và ấp Công Sự (xã An Minh Bắc). Hiện tại, tình hình sạt lở, sụt lún này còn đang tiềm ẩn nguy cơ cao, có thể xảy ra bất cứ lúc nào, khó lường trước được do khô hạn tiếp rục kéo dài, diễn biến phức tạp.
Thật không khỏi chạnh lòng khi nhìn căn nhà xây kiên cố, khang trang của vợ chồng chị Phan Thị Phượng ở ấp Công Sự, xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) sụp đổ hoàn toàn xuống kênh, không còn khắc phục, sửa chữa được. Khó khăn, làm lụng vất vả nhiều năm qua, vợ chồng chị Phượng mới dành dụm được hơn 190 triệu đồng xây lên căn nhà và mua sắm đồ đạc sinh hoạt trong gia đình.
Chị Phượng ngậm ngùi: “Năm 2014, vợ chồng tôi rất vui mừng vì xây cất được nhà mới. Tưởng rằng vợ chồng an cư, lạc nghiệp nhưng nào ngờ, nhà ở chưa đầy 2 năm giờ thì đổ sụp, mất trắng hết, chưa biết đến khi nào mới có tiền để cất nhà nữa.”
Chị Phượng kể thêm: “Khoảng 6 giờ chiều ngày 1/5, khi chồng tôi và mấy anh em đi làm về, đang ăn cơm, tôi ngồi ở ngoài võng đưa con, nhìn lên thấy vách tường bỗng dưng tét ra. Tôi gọi chồng thì thấy đất nền nhà từ từ sạt lở xuống kênh. Mọi người vừa chạy thoát ra ngoài thì toàn bộ căn nhà đổ sụp xuống kênh”.
Theo ông Nguyễn Trung Nam, ngoài nhà cửa của hộ dân bị đổ sụp thiệt hại hàng trăm triệu đồng, việc sạt lở, sụt lún tuyến tỉnh lộ 965, lộ giao thông nông thôn trên địa bàn đã gây khó khăn cho bà con trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa nông sản.
Ông Nam nói: “Khu vực vùng đệm, các kênh đã khô cạn nên vận chuyển hàng hóa chủ yếu là đường bộ. Do sạt lở, các xe tải chở hàng không lưu thông được, ảnh hưởng rất lớn đến việc tiêu thụ nông sản hàng hóa của nhân dân và cung cấp những hàng hóa khác cho các điểm chợ trên địa bàn, phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của bà con.”
Ông Bùi Văn Thắng cũng cho hay: Nhiều bà con hiện đang còn mía cây đứng trên liếp mà giờ đốn vận chuyển ra không được, còn gừng và chuối đến kỳ thu hoạch không phương cách nào mà chuyển ra tới ngoài lộ lớn để bán. Đợt chuối của gia đình ông Thắng sắp tới thu hoạch phải gánh gồng ra đường lớn mới có thương lái mua. Đường cấm xe chạy rồi, kênh rạch cạn kiệt nước, họ không thể vào tận nơi để thu mua như trước nữa.
Tuy nhiên, điều mà không ít người lo ngại là trên tỉnh lộ 965 nơi vùng rừng U Minh Thượng còn khá nhiều những vết nứt đất ven tuyến đường và trên mặt lộ đã xuất hiện. Đó là dấu hiệu của sự sạt lở, sụt lún có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhất là khi có những cơn mưa lớn trút nước xuống. Ngoài ra, còn nhiều hộ dân đã xây dựng nhà ở kiên cố ven đường trên nền đất yếu, chênh vênh trên dòng kênh cạn kiệt nước, không đảm bảo an toàn, tiềm ẩn nhiều rủi ro bất ngờ.
|
Tỉnh lộ 965 dài hơn 63 km, bao quanh vùng đệm rừng U Minh Thượng nằm trên địa bàn hai xã An Minh Bắc và Minh Thuận của huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang. Đây là con đường huyết mạch phục vụ giao thông đi lại, vận chuyển hàng hóa nông sản của cư dân trong vùng, kết nối với Quốc lộ 63, góp phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương vùng bán đảo Cà Mau.
Hiện nay, cách ngành chức năng tỉnh Kiên Giang đang tìm nguyên nhân xảy ra tình trạng sạt lở, sụt lún trên tuyến tỉnh lộ 965 và lộ giao thông nông thôn trong vùng để có giải pháp khắc phục, đồng thời phối hợp với địa phương tuyên truyền trong nhân dân không chủ quan và hết sức cảnh giác với hiện tượng bất thường này.
Cùng với đó, triển khai công tác khắc phục, duy tu, sửa chữa những điểm sạt lở, sụt lún và xây kè những đoạn rạn nứt đất trên tuyến 965 để sớm đưa vào lưu thông, vận chuyển hàng hóa, đảm bảo giao thông an toàn cho người và phương tiện./.