Những thuận lợi, lợi thế trong xây dựng nông thôn mới đã dần qua đi, hiện nay, nhiều khó khăn, bất cập, hạn chế xuất hiện khiến cho mục tiêu về đích nông thôn mới ở những địa phương còn lại của tỉnh Yên Bái là một thách thức không nhỏ.
Sau nhiều nỗ lực với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, tỉnh Yên Bái có 3/8 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 88/150 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 58,7% tổng số xã; 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Năm 2022, toàn tỉnh Yên Bái phấn đấu có thêm 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, với số tiêu chí bình quân chung một xã đạt 15,35 tiêu chí.
Tuy nhiên, đến nay có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn tới những hạn chế, bất lợi khi thực hiện xây dựng nông thôn mới. Điều nhận thấy rõ nhất là do các địa phương còn lại phần lớn thuộc vùng đặc biệt khó khăn, xuất phát điểm rất thấp, kinh tế chậm phát triển, nhu cầu đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng lại rất lớn, nhưng nguồn lực hạn chế, khả năng đóng góp của người dân và của các tổ chức rất thấp.
Là một trong những xã được lựa chọn, phấn đấu đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong năm 2022, ông Lý Văn Minh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đại Sơn, huyện Văn Yên cho biết, mặc dù đã tìm mọi giải pháp để phấn đấu hoàn thành tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, tình trạng môi trường sống đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do tập quán sống của người dân đồng bào dân tộc thiểu số. Phần lớn chất thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi được thải bừa bãi, trong khi chưa có hệ thống thu gom và xử lý chất thải, rác thải.
Đây là tiêu chí đáng báo động đối với tất cả các xã đã và đang hoàn thành xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Tuy nhiên, tiêu chí này cần phải có thời gian, sự kiên trì vận động người dân từng bước thay đổi nhận thức, thói quen cũ, tập quán sinh sống, đồng thời cần có đầu tư từ Nhà nước đối với hệ thống xử lý rác thải, nên không thể nóng vội.
Cùng với đó, tiêu chí về thu nhập khiến nhiều xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Yên Bái vẫn có nguy cơ "rớt hạng". Nhất là trong thời điểm kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 và thu nhập bình quân đầu người theo chuẩn mới tăng lên 39 triệu đồng/người/năm.
Theo ông Lã Tuấn Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình cho biết, đây là tiêu chí khó, có nhiều biến động, thiếu sự bền vững. Nguyên nhân là do đời sống của người dân vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn, chậm được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo cao, chịu nhiều rủi ro, thiên tai, dịch bệnh, biến động giá cả thị trường tác động trực tiếp, thường xuyên.
Hiện nay, tỉnh Yên Bái còn 62 xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới, phần lớn các xã đều vướng mắc vì tiêu chí về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hệ thống đường giao thông nông thôn luôn là rào cản lớn. Do các cụm dân cư, bản làng sinh sống xa nhau, các tuyến đường nối từ trung tâm xã đến các bản làng rất dài, địa hình phức tạp, thường xuyên bị sạt lở, cần suất đầu tư lớn, trong khi khả năng huy động và lồng ghép các nguồn lực ở những khu vực này rất khó.
Ông Nhâm Xuân Trường, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, trở ngại lớn nhất cho các xã còn lại trong quá trình xây dựng hạ tầng giao thông là khả năng huy động, lồng ghép nguồn lực còn rất hạn chế, trong khi nhu cầu về vốn cho giao thông rất lớn. Giải pháp trước mắt là giảm tiêu chuẩn đường, suất đầu tư ở những đoạn đường nhánh, đường chưa thực sự chịu tải trọng lớn để tập trung cho cứng hóa, đảm bảo người dân đi lại được bốn mùa.
Bên cạnh hạ tầng giao thông, hạ tầng về điện nông thôn là điều đáng lo ngại, theo tiêu chí thì số hộ được sử dụng điện thường xuyên đạt từ 95- 98% là việc không dễ dàng đối với nhiều xã vùng cao. Tại một số thôn, bản của phần lớn các xã vùng cao của tỉnh Yên Bái vẫn còn tình trạng dùng điện nước tự chế, nhiều thôn bản chưa có điện.
Cùng với thách thức về chất lượng hạ tầng cơ sở đối với vùng đặc biệt khó khăn, tỉnh Yên Bái đang đối mặt với thách thức trong việc quy hoạch, bố trí, sắp xếp lại dân cư gắn với phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu để giảm thiểu tình trạng di dân tự do, xâm lấn và phá rừng. Đây là vấn đề rất lớn, cần sự hỗ trợ của Nhà nước và sớm hoàn thành trước một bước, tạo tiền đề xây dựng nông thôn mới bền vững.
Ngoài khó khăn do yếu tố khách quan, tỉnh Yên Bái cũng nhìn nhận còn hạn chế từ nguyên nhân chủ quan. Theo ông Đinh Đăng Luận, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, vẫn còn một số ít cấp ủy, chính quyền chưa nỗ lực, quyết liệt thực hiện nhiệm vụ, trông chờ vào sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước. Cá biệt còn có địa phương không muốn về đích nông thôn mới nhằm giữ nguồn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Việc huy động người dân tham gia chủ yếu mới chỉ dừng lại ở việc hiến đất giải phóng mặt bằng, tham gia ngày công lao động.
Ngoài ra, một số xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Yên Bái nhưng chưa thực sự bền vững, dễ bị rớt tiêu chí, chưa có nhiều điểm nổi bật so với các xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới. Thực tế cho thấy, bốn tiêu chí khó khăn trong quá trình thực hiện, bị giảm nhiều nhất tại các xã nông thôn mới của tỉnh Yên Bái là quốc phòng và an ninh; tổ chức sản xuất; trường học; hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật.
Tiến Khánh