Nhiều khó khăn trong phát triển du lịch ở vùng cao Thanh Hóa

Một khu dân cư huyện Bá Thước làm phát triển du lịch. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN
Một khu dân cư huyện Bá Thước làm phát triển du lịch. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Nhiều hộ dân ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, huyện Bá Thước (Thanh Hóa) đã khai thác tiềm năng, lợi thế cảnh quan thiên nhiên và truyền thống văn hóa bản địa để đầu tư phát triển loại hình du lịch cộng đồng homestay. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch của các hộ dân còn gặp nhiều khó khăn, chưa tạo ra sản phẩm du lịch chất lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Nhiều khó khăn trong phát triển du lịch ở vùng cao Thanh Hóa ảnh 1Một khu dân cư huyện Bá Thước làm phát triển du lịch. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Bá Thước là huyện miền núi nghèo, cuộc sống người dân nơi đây còn nhiều khó khăn. Để giúp người dân nâng cao thu nhập, huyện Bá Thước đã xây dựng chương trình phát triển du lịch đến năm 2020 và đề án phát triển du lịch cộng đồng đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Đến nay, huyện đã được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt quy hoạch Khu Du lịch Son Bá Mười, thác Hiêu, thác Muốn và đang hoàn thiện quy hoạch hai điểm du lịch ở bản Đôn, xã Thành Lâm và bản Kho Mường, xã Thành Sơn.

Đặc biệt, trong năm 2019, Khu Du lịch sinh thái Pù Luông thuộc bản Đôn, bản Kho Mường được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận là Khu du lịch sinh thái cộng đồng và trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Nhiều hộ dân thoát nghèo nhờ du lịch, tuy nhiên, nguồn lực đầu tư đang còn hạn chế.

Nhiều khó khăn trong phát triển du lịch ở vùng cao Thanh Hóa ảnh 2Bảng chỉ dẫn vào địa điểm du lịch tại huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa đã bị hư hỏng. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Kho Mường là bản nằm trong khu vực Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông có 60 hộ dân/228 khẩu, bản này có cảnh quan thiên nhiên hoang sơ với những cánh rừng nguyên sinh, những nếp nhà sàn truyền thống, khí hậu mát mẻ. Bản Kho Mường còn có hang Dơi nằm trong quần thể hang động là một điểm đến của khách du lịch trong và ngoài nước.

Với tiềm năng lợi thế do thiên nhiên ban tặng, những năm gần đây, 13 hộ gia đình bản Kho Mường đã đăng ký làm dịch vụ du lịch homestay. Trung bình hàng năm, mỗi hộ đón trên 300 lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, lưu trú nghỉ dưỡng với thu nhập khoảng 70 triệu đồng/hộ. Tuy nhiên, các hộ gặp nhiều khó khăn trong đầu tư, phát triển loại hình du lịch này.

Chị Bùi Thị Dung, bản Kho Mường, Thành Sơn cho biết: Cách đây 2 năm, chị vay vốn đầu tư làm ngôi nhà sàn trị giá khoảng 200 triệu đồng để làm dịch vụ du lịch homestay. Do thiếu vốn mua sắm thêm các trang thiết bị và vật dụng công trình vệ sinh, công trình phụ trợ khác, du khách lưu trú tại gia đình rất ít nên nguồn thu chưa được cải thiện.

Nhiều khó khăn trong phát triển du lịch ở vùng cao Thanh Hóa ảnh 3Cơ sở, vật chất phục vụ du lịch tại huyện Bá Thước còn thiếu. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Anh Lò Văn Tăng, Bí thư kiêm trưởng bản Kho Mường, xã Thành Sơn cho hay: Hiện nay, dịch vụ du lịch các hộ đăng ký gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, khâu phục vụ. Khi du khách đến tham quan nghỉ dưỡng, một số nhà nghỉ không đáp ứng nhu cầu của khách.

Xã vùng cao cổ Lũng có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, thu hút đông đảo khách du lịch đến thăm quan. Đến bản Ấm Hiêu, du khách được ngắm nhìn những ngôi nhà sàn còn giữ nguyên vẹn nét truyền thống của đồng bào dân tộc Thái ẩn hiện lưng chừng núi, được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thác nước dưới chân núi đá vôi. Những ngày hè nóng bức, du khách đến đây như xua tan đi mọi mệt nhọc, thay vào đó là một cảm giác thư thái dễ chịu khi được thả mình dưới làn nước mát lạnh.

Hiện bản Ấm Hiêu đang có 8 nhà nghỉ phục vụ du lịch sinh thái homestay. Trung bình mỗi tháng có hơn 3.200 lượt khách đến tham quan du lịch. Theo đó, mỗi hộ gia đình thu nhập trên 7 triệu đồng/tháng, có hộ cho thu nhập cao từ 15-25 triệu đồng/tháng.

Chị Trương Thị Tâm, bản Ấm Hiêu, xã Cổ Lũng cho biết: “Hiện tại tôi và các hộ khác làm du lịch đang rất thiếu kinh nghiệm trong phát triển du lịch. Vì vậy, mong các cấp các ngành quan tâm về vấn đề mở các lớp tập huấn về du lịch bài bản, chuyên nghiệp nhằm thu hút khách du lịch và phục vụ tốt hơn, qua đó nâng cao thêm thu nhập, xóa đói giảm nghèo”.

Nhiều khó khăn trong phát triển du lịch ở vùng cao Thanh Hóa ảnh 4 Đường giao thông chưa được đầu tư xây lại làm ảnh hưởng đến phát triển du lịch. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Ngoài ra, xã Thành Lâm còn có bản Đôn được thiên nhiên ưu đãi có khí hậu quanh năm mát mẻ với những ruộng bậc thang trải dài và những nếp nhà sàn truyền thống, với nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của đồng bào dân tộc Thái. Phát huy tiềm năng này, 29 hộ dân ở bản Đôn đầu tư làm du lịch cộng đồng homestay cho doanh thu mỗi năm khoảng 4 tỷ đồng. Thế nhưng, kết cấu hạ tầng nơi đây còn thiếu, đường giao thông từ trung tâm xã vào bản chưa được mở rộng.

Ông Lương Văn Thuân, Chủ tịch UBND xã Thành Lâm cho biết, xã có chủ trương phát triển du lịch cộng đồng và bước đầu đã mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, xã vẫn còn một số khó khăn như tuyến đường của xã đang còn 10 km bị xuống cấp, bà con chưa có nhiều kinh nghiệm. Đặc biệt là họ chưa chú trọng đầu tư sửa chữa nhà cửa khuôn viên cho đẹp để đón khách.

Hiện nay, để phát triển du lịch mạnh hơn nữa, UBND huyện Bá Thước đang hoàn thiện việc lập quy hoạch các điểm du lịch trọng điểm, đầu tư xây dựng hạ tầng, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống nhằm thu hút các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch, đồng thời tổ chức hoạt động quảng bá du lịch, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp cho người dân, thuyết minh và nhân viên phục vụ tại các thôn, bản để phục vụ phát triển du lịch. Huyện Bá Thước đặt mục tiêu hết năm 2020, đón được 30.700 lượt khách du lịch, tổng doanh thu từ du lịch đạt 27,8 tỷ đồng và sẽ có 500 lao động phục vụ trong du lịch.

Nguyễn Nam

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm