Tình trạng khô hạn kéo dài khiến hàng trăm giếng đào ở Phú Yên bị cạn kiệt. Ảnh: Phạm Cường-TTXVN |
Sau hơn 3 tháng triển khai thi công, ngày 11/5, công trình nước sạch tập trung với nguồn kinh phí hơn 340 triệu đồng do Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Phú Yên phối hợp với Công ty Cổ phần Việt Thành, Ủy ban nhân dân xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân đã hoàn thành. Các hạng mục gồm 3 bể lọc nước, ống dẫn nước, 2 tụ điểm lấy nước được đưa vào sử dụng cấp nước sạch cho hơn 107 hộ đồng bào Chăm ở làng Bà Đẩu, thôn Phú Tâm, xã Xuân Quang 1.
Năm nay đã 78 tuổi, bà Ma Bem sống ở làng Bà Đẩu vui mừng nói: “Khu vực gia đình tôi sinh sống khan hiếm nguồn nước, nhiều lần đào giếng để tìm kiếm nước nhưng không được do địa chất tầng đá dày. Nguồn nước duy nhất của cả làng là con suối cách nhà hơn 1 km. Trong nhiều năm liền, gia đình tôi và các hộ dân trong làng phải bỏ tiền mua đường ống dẫn nước trực tiếp từ trên suối về để sinh hoạt. Để kéo một đường ống nước từ suối về đến làng, mỗi hộ phải góp 5 triệu đồng. Hộ nào không có điều kiện đóng một nửa, dùng chung với hộ dân khác. Hộ không có tiền phải tự đi lấy nước. Mùa khô năm nay, làng tôi đã được đầu tư một công trình nước sạch tập trung ngay tại nơi sinh sống, chỉ việc đến lấy nước về sử dụng, không còn tốn tiền như trước nữa. Bà con ai cũng rất vui”.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Xuân Quang 1 Nguyễn Duy Luân cho biết, năm 2008, từ nguồn vốn của Chương trình 135, xã đã đầu tư xây dựng một công trình nước sạch tại thôn Phú Tâm. Tuy nhiên, chỉ sau một năm sử dụng, do trận lụt năm 2009, công trình đã bị hư hỏng, không thể cấp nước cho bà con được. Người dân trong làng đã phải tốn nhiều tiền mua đường ống dẫn nước từ suối Cây Cau về sử dụng. Mặc dù vậy, do kinh phí ít, đường ống của người dân thường xuyên hư hỏng nặng. Bà con phải lặn lội từ mờ sáng lên núi lấy nước về cho gia đình sinh hoạt. Công trình nước sạch lần này được đầu tư ngay tại làng đã giải cơn khát, đáp ứng niềm mong mỏi của bà con từ nhiều năm nay, đồng thời giúp địa phương đảm bảo được tiêu chí vệ sinh, nước sạch nông thôn.
Cách trung tâm thành phố Tuy Hòa hơn 40 km về phía Tây, huyện miền núi Sơn Hòa được ví như “chảo lửa” của tỉnh, bởi vào mùa khô, nền nhiệt độ nơi đây luôn cao hơn so với các địa phương khác. Tình trạng nắng hạn kéo dài khiến nguồn nước từ các giếng đào, sông suối trên địa bàn huyện đang dần cạn kiệt. Ngoài việc phải "gồng mình" tìm kiếm nguồn nước, đối phó với nắng hạn cứu cây trồng, người dân còn đang phải đối mặt với việc thiếu nước để sinh hoạt.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sơn Hòa Phạm Đình Phụng cho biết, nếu đến cuối tháng 5, trời không mưa, dự kiến sẽ có hơn 1.000 hộ dân thuộc các xã Sơn Định, Phước Tân, Cà Lúi, Sơn Hội thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Trước mắt, huyện chủ động trích kinh phí gần 30 tỷ đồng khoan 30 giếng tại các địa phương thiếu nước; lắp đặt máy bơm đưa nước vào bể lắng lọc để cấp nước sinh hoạt cho người dân. Theo ông Phụng, khi chưa có điều kiện để xây dựng các công trình cấp nước tập trung, khoan giếng là giải pháp cấp bách mà huyện đề ra nhằm "giải cơn khát" cho người dân ở thời điểm hiện tại.
Công trình nước sạch cho người dân làng Bà Đẩu, thôn Phú Tâm, xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân. Ảnh: Phạm Cường-TTXVN |
Mùa khô năm nay đang diễn ra gay gắt. Nguy cơ thiếu nước tưới, nước sinh hoạt tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Yên đang ngày một rõ rệt. Nhằm giải quyết bài toán thiếu nước sinh hoạt cho người dân, tỉnh Phú Yên đã đưa ra phương án đầu tư 129 giếng, 52 túi dự trữ nước tại những vùng thiếu nước.
Ngày 11/5/2020, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế đã ký Quyết định phê duyệt Phương án phòng, chống hạn và nhiễm mặn gây ra thiếu nước sinh hoạt năm 2020 của tỉnh Phú Yên. Theo đó, phương án được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 dự kiến thực hiện trong tháng 5/2020 sẽ khoan mới 16 giếng nước, 8 túi dự trữ nước và 11 bồn dự trữ nước tại các khu vực thường xuyên thiếu nước sinh hoạt cho nhiều hộ dân. Giai đoạn 2 thực hiện khoan mới 13 giếng, đào thêm 11 giếng, 6 túi dự trữ nước và 5 bồn chứa nước tại các khu vực thiếu nước do khô hạn kéo dài, hỗ trợ kinh phí vận chuyển nước đối với các khu vực thiếu nước nhưng không thể khoan hoặc đào giếng, dự kiến thực hiện trong tháng 6. Giai đoạn 3 thực hiện khoan 32 giếng, đào thêm 57 giếng, 30 túi dự trữ nước và 6 bồn dự trữ.
Cùng với việc xây dựng giếng nước, túi dự trữ nước, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên yêu cầu chính quyền các địa phương theo dõi diễn biến nguồn nước, khuyến cáo người dân sử dụng nước tiết kiệm. Các địa phương tập trung nạo vét, khơi sâu thêm giếng đào, có thể kết hợp giếng khoan bên trong lòng giếng đào để tận dụng nguồn nước ngầm; đẩy nhanh tiến độ các công trình cấp nước tập trung, chia sẻ nguồn nước. Cùng với đó, các địa phương chủ động có phương án vận chuyển nước hỗ trợ người dân vùng gặp khó khăn, không để người dân thiếu nước sinh hoạt.
Phạm Cường