Được triển khai từ tháng 10/2017 ở xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên (Yên Bái), mô hình “bản người Mông tự quản” chia thành 3 nhóm: thôn Khe Táu, thôn Khe Dẹt và thôn Bản Lùng với 127 hộ đồng bào dân tộc Mông.
Mô hình còn có Ban tự quản là các trưởng thôn, bí thư chi bộ, trưởng nhóm, công an viên và già làng, có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động đồng bào tham gia mô hình và hòa giải những vấn đề khúc mắc, mâu thuẫn tranh chấp đất đai…
Theo ông Lù A Dờ, Bí thư Chi bộ thôn Khe Táu: sau 3 năm triển khai, mô hình “bản người Mông tự quản” đã giúp đồng bào trong thôn đoàn kết, gắn bó hơn, không còn tình trạng tranh chấp đất đai và trộm cắp tài sản. Trong thôn chỉ còn 3 - 4 trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và sinh con thứ 3; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 68 hộ xuống còn hơn 20 hộ; học sinh được đến lớp theo đúng độ tuổi…
Mô hình “bản người Mông tự quản” ở xã Phong Dụ Thượng là một trong những mô hình dân vận khéo mang lại hiệu quả cao, hiện đang được nhân rộng ra toàn tỉnh Yên Bái.
Đinh Thùy