Ngày 8/8, tại thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), Bộ Công an tổ chức Hội nghị biểu dương, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên, giai đoạn 2018 - 2024. Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc dự và phát biểu tại hội nghị.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng biểu dương thành tích, kết quả của các đơn vị, địa phương, tập thể, cá nhân đã đạt được trong công tác xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên. Thứ trưởng nhấn mạnh, Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Do đó, việc xây dựng nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc cần xuất phát từ đặc điểm, tình hình và yêu cầu nhiệm vụ công tác đảm bảo an ninh trật tự của từng địa bàn. Khi xây dựng, nhân rộng mô hình cụ thể cần tuyên truyền để người dân được biết, được bàn, tổ chức cho dân làm, có cơ chế để dân kiểm tra, giám sát. Mô hình phải vừa sức, hợp lòng dân và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng yêu cầu, lực lượng Công an các cấp trong quá trình xây dựng mô hình, điển hình phải đặt ra chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện. Đồng thời kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, nhân rộng mô hình hay, cách làm sáng tạo để nâng cao hiệu quả việc xây dựng nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Những năm qua, công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục; sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể. Các mô hình được xây dựng đa dạng, phong phú, phù hợp với đặc điểm tình hình, điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng lĩnh vực, địa bàn, đối tượng vùng đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên.
Đến tháng 12/2023, các tỉnh Tây Nguyên đã xây dựng, duy trì hoạt động 478 mô hình, 50 điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Thông qua đó, quần chúng nhân dân ở khu vực này đã cung cấp cho lực lượng Công an gần 45.000 tin báo; tham gia vận động đầu thú và truy bắt gần 1.900 đối tượng truy nã; tham gia hòa giải 2.250 vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng... Tiêu biểu là các mô hình: “Trở về đức tin, giữ bình yên buôn làng”, “Công tác quản lý, giáo dục đối tượng FULRO tại cộng đồng” của tỉnh Gia Lai; mô hình “Giáo xứ bình yên - đảm bảo an ninh trật tự”, “Tổ tự quản về an ninh trật tự và giáo dục thanh niên vi phạm pháp luật” của tỉnh Kon Tum...
Trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến tiêu biểu, xuất sắc, gương mẫu thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương. Họ rất tích cực giúp đỡ Công an nắm tình hình, tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác trước âm mưu, hoạt động chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo vệ đường biên, mốc giới, bảo vệ môi trường...
Tại hội nghị, Bộ Công an trao Bằng khen và quà cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên.
Anh Dũng - Tuấn Anh