Nhận diện phát huy bản sắc văn hóa Huế

Nhận diện phát huy bản sắc văn hóa Huế

Hội thảo khoa học “Lễ hội ở Thừa Thiên - Huế: nhận diện giá trị và hướng bảo vệ” diễn ra chiều 15/12.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học, quản lý văn hóa, chuyên gia thảo luận, đánh giá công tác quản lý, thực trạng hoạt động lễ hội hiện nay; khảo sát, đề xuất danh mục lễ hội tiêu biểu. Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp, đề xuất giải pháp quản lý, bảo vệ và phát huy lễ hội ở Thừa Thiên - Huế trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm.

Nhận diện phát huy bản sắc văn hóa Huế ảnh 1Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Tường Vi - TTXVN

Thừa Thiên - Huế là một trong những địa phương có hệ thống lễ hội phong phú, đa dạng và đặc sắc với hơn 500 lễ hội. Tỉnh có những biện pháp thiết thực để triển khai hiệu quả công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống lễ hội trong bối cảnh xã hội đương đại. Hiện nay, nhiều lễ hội trở thành những sản phẩm du lịch tiềm năng để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Không chỉ chú trọng bảo tồn, phát huy các lễ hội truyền thống, tỉnh còn nâng tầm sự kiện lễ hội thông qua các kỳ Festival Huế và Festival Nghề truyền thống Huế nhằm tôn vinh văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam, từng bước xây dựng thương hiệu thành phố Festival của Việt Nam.

Nhận diện phát huy bản sắc văn hóa Huế ảnh 2Chủ trì Hội thảo. Ảnh: Tường Vi - TTXVN

Tuy nhiên, công tác tổ chức, quản lý lễ hội gặp nhiều khó khăn. Một số điểm di tích gắn với lễ hội bị xuống cấp, mai một, được sửa chữa nhưng thiếu giám sát của cơ quan chức năng làm biến dạng kiến trúc cổ của di tích. Công tác quản lý của các cấp chính quyền, một số ngành trong hoạt động lễ hội ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức...

Nhận diện phát huy bản sắc văn hóa Huế ảnh 3Đại biểu tham luận. Ảnh: Tường Vi - TTXVN

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Thanh Hải cho rằng, nhằm đưa lễ hội vào nền nếp, phát huy giá trị văn hóa của các lễ hội, địa phương cần tích cực triển khai kiểm kê lễ hội trên địa bàn tỉnh; thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học về bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội, từ đó đề xuất giải pháp quản lý nhà nước về lễ hội; thường xuyên đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ, nhận thức công tác quản lý và tổ chức lễ hội cho cán bộ quản lý các cấp. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn biểu hiện biến tướng, chấn chỉnh trường hợp vi phạm, đảm bảo thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội.

Tường Vi

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm