Nhân dân vùng đất cực Nam thành kính hướng về Quốc Tổ

Nhân dân vùng đất cực Nam thành kính hướng về Quốc Tổ

Cùng với người dân cả nước, sáng 10/4 (mùng 10/3 âm lịch) tại ấp Giao Khẩu, xã Tân Phú, huyện Thới Bình, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cà Mau đã trang trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2022 và khánh thành công trình trùng tu, tôn tạo đền thờ Vua Hùng.

Đền thờ Vua Hùng ở ấp Giao Khẩu, xã Tân Phú, huyện Thới Bình được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh vào năm 2011. Nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tưởng nhớ về nguồn cội, UBND tỉnh Cà Mau chấp thuận phê duyệt dự án tu bổ, chỉnh trang nâng cấp Đền thờ Vua Hùng và giao cho UBND huyện Thới Bình làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước. Dự án gồm 2 khu: khu đền chính (khu 1) tại vị trí di tích hiện hữu, với tổng diện tích là 2.057 m2; khu 2 tại vị trí phía Đông Quốc lộ 63 (đối diện vị trí hiện hữu) với diện tích là 6.805 m2.

Nhân dân vùng đất cực Nam thành kính hướng về Quốc Tổ ảnh 1Các đại biểu cắt băng khánh thành công trình trùng tu, tôn tạo đền thờ Vua Hùng. Ảnh: Huỳnh Anh - TTXVN

Đến nay, sau 14 tháng thi công, Đền thờ Vua Hùng mới đã hoàn thành, là mong mỏi và vinh dự của người dân tại xã Tân Phú nói riêng, người dân tỉnh Cà Mau nói chung.

Nhân dân vùng đất cực Nam thành kính hướng về Quốc Tổ ảnh 2Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải (phải) và Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt thành kính dâng hương tại Đền thờ. Ảnh: Huỳnh Anh - TTXVN

Theo Ban quản lý Đền thờ Vua Hùng, từ khi ngôi đền mới được khởi công xây dựng cho đến nay, bà con địa phương đều rất phấn khởi. Bởi, kể từ năm nay, bà con đã có nơi rộng rãi, khang trang hơn để thờ cúng, tưởng nhớ đến các bậc Quốc Tổ và tham gia các hoạt động của lễ Giỗ Tổ Hùng Vương.

Nhân dân vùng đất cực Nam thành kính hướng về Quốc Tổ ảnh 3Công trình đền thờ Vua Hùng ở ấp Giao Khẩu, xã Tân Phú, huyện Thới Bình. Ảnh: Huỳnh Anh - TTXVN

Chứng kiến nhiều thay đổi từ việc cất lại Miếu Ông Vua thành Đền thờ Vua Hùng, rồi qua bao lần trùng tu, sửa chữa, cụ Trần Thị Sang, 72 tuổi, vui mừng bày tỏ, Đền thờ được xây khang trang hơn cũng là để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, tín ngưỡng của bà con được tốt hơn, nhất là trong dịp lễ Giỗ Tổ. “Đây cũng là minh chứng cho tấm lòng của người dân Cà Mau đối với các bậc Quốc Tổ”, cụ Trần Thị Sang chia sẻ.

Nhân dân vùng đất cực Nam thành kính hướng về Quốc Tổ ảnh 4Người dân vùng đất cực Nam thành kính dâng hương tại đền thờ Vua Hùng, ấp Giao Khẩu, xã Tân Phú, huyện Thới Bình, Cà Mau. Ảnh: Huỳnh Anh - TTXVN

Trong không khí thiêng liêng của đất trời, sau phần nghi thức khánh thành công trình thì các nghi thức truyền thống của Lễ Giỗ Tổ được tiến hành lần lượt như: Lễ dâng hương, dâng kiệu vật phẩm, dâng bánh dân gian được lựa chọn tại ngày hội “Bánh dân gian Nam Bộ” năm 2022… để bày tỏ lòng tri ân của nhân dân tỉnh Cà Mau với Quốc Tổ Hùng Vương và các bậc tiền nhân.

Nhân dân vùng đất cực Nam thành kính hướng về Quốc Tổ ảnh 5Nghi lễ dâng kiệu vật phẩm, Lễ dâng bánh dân gian được lựa chọn tại ngày hội “Bánh dân gian Nam Bộ” năm 2022… để bày tỏ lòng tri ân của Nhân dân tỉnh Cà Mau với Quốc Tổ Hùng Vương và các bậc tiền nhân. Ảnh: Huỳnh Anh - TTXVN

Ông Lý Minh Vững, Chủ tịch UBND huyện Thới Bình chia sẻ, lễ Giỗ Quốc Tổ là dịp quan trọng nhắc nhở con cháu về truyền thống tốt đẹp, quý báu của tổ tiên. “Bởi đây không chỉ là dịp để các dân tộc trong đại gia đình dân tộc Việt Nam nhắc nhau về lòng yêu nước, tình đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau mà còn giúp chúng ta hiểu sâu sắc thêm lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Ngày xưa, các vua Hùng đã có công dựng nước. Ngày nay, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lời dạy của Người đã thấm sâu trong trái tim, khối óc của triệu triệu người con nước Việt, từ đó ra sức bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, góp phần làm rạng rỡ thêm lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam anh hùng.

Huỳnh Anh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm