Nhân dân các dân tộc anh em tại Đắk Lắk tưng bừng chào đón Giáng sinh

Nhân dân các dân tộc anh em tại Đắk Lắk tưng bừng chào đón Giáng sinh

Tối 24/12, trong tiết trời se lạnh của Cao nguyên Đắk Lắk, đông đảo nhân dân các dân tộc anh em tỉnh Đắk Lắk tập trung đến các Nhà thờ, giáo xứ, giáo họ, điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo để cùng nhau chào đón Giáng sinh 2023 và năm mới 2024 với kỳ vọng về sự phát triển ổn định, thịnh vượng hơn.

Nhân dân các dân tộc anh em tại Đắk Lắk tưng bừng chào đón Giáng sinh ảnh 1Đông đảo nhân dân tham gia chào mừng Giáng sinh tại Nhà thờ Giáo xứ Chi Lăng, thành phố Buôn Ma Thuột. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Ghi nhận tại thành phố Buôn Ma Thuột, từ 18 giờ, dòng người ở các huyện đã di chuyển về Nhà thờ Chính Tòa tại Ngã 6 thành phố để cùng nhau dự Lễ và chào đón Giáng sinh 2023. Trên các tuyến đường trung tâm thành phố, các Nhà thờ, khu vực đồng bào có đạo sinh sống được trang trí đèn nháy, cây thông, hệ thống hang đá lộng lẫy và đều ngân vang các khúc nhạc chào mừng Noel.

Có mặt khá sớm ở Nhà thờ Chính Tòa, anh Y Jin Êban, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk vui mừng chia sẻ: Gia đình vừa kết thúc thu hoạch niên vụ cà phê, năm nay giá cà phê tăng cao kỷ lục nên bà con buôn làng rất phấn khởi. Trước thời khắc Giáng sinh, gia đình đến Nhà thờ sớm để cùng nhau lưu lại những khoảnh khắc ấm áp, hạnh phúc. Trong tiết trời se lạnh, không có mưa càng làm không khí Giáng sinh thêm phần đặc biệt và tạo điều kiện để người người, nhà nhà tham gia các hoạt động ngoài trời, chào đón mùa Noel an lành.

Cùng tâm trạng, chị Hoàng Khánh Nhi, xã Ea Na, huyện Krông Ana cho biết: Dù tất bật với hoạt động thu hoạch niên vụ cà phê nhưng cả gia đình vẫn cố gắng hoàn thành sớm công việc trong ngày để đến Nhà thờ Giáo xứ Chi Lăng, thành phố Buôn Ma Thuột tham gia các hoạt động chào đón Giáng sinh. Ngày nay, Giáng sinh không chỉ là ngày lễ lớn của đồng bào có đạo mà cũng là dịp để nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk cùng tham gia các hoạt động chào mừng Giáng sinh và năm mới đang tới gần. Kỳ vọng năm 2024 tình hình kinh tế - xã hội ổn định, các loại nông sản duy trì đà tăng giá để nhân dân trong và ngoài tỉnh có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc, đất nước ngày càng giàu mạnh.

Thời khắc Giáng sinh cận kề, từ thành thị đến các giáo xứ, họ đạo, điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Lắk đều lung linh sắc màu và ngập tràn trong sự hân hoan, phấn khởi.

Nhân dân các dân tộc anh em tại Đắk Lắk tưng bừng chào đón Giáng sinh ảnh 2Người dân chụp ảnh kỷ niệm tại Nhà thờ Giáo xứ Chi Lăng, thành phố Buôn Ma Thuột. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN

Mục sư Y Blơh Niê, Chi hội Tinh lành buôn ADrơng Prong, xã Cư Pơng, huyện Krông Búk vui mừng chia sẻ: Chi hội có hơn 600 tín đồ Tin lành với 100% tín đồ là đồng bào dân tộc thiểu số. Những ngày trước Giáng sinh, đồng bào tín đồ tập trung hoàn thiện khâu trang trí ở Chi hội, các điểm, nhóm sinh hoạt cùng nhau chào đón Giáng sinh năm 2023. Để tham dự các hoạt động nghi lễ và chào đón Giáng sinh, từ chiều 24/12, tín đồ của Chi hội tập trung về điểm sinh hoạt trong niềm vui mừng, phấn khởi khi đời sống kinh tế năm nay có nhiều tín hiệu tích cực. Bà con tín đồ trong buôn làng gửi đến nhau những lời chúc tốt đẹp nhất và chờ đợi thời khắc Giáng sinh 2023 trong không khí đầm ấm và hồ hởi.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Đắk Lắk Dương Văn Tuệ: Đã trở thành truyền thống, mùa Giáng sinh năm nay khắp các Nhà thờ, giáo xứ, họ đạo đều trang hoàng lộng lẫy, lung linh sắc màu từ thành thị đến các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếng chuông từ các Nhà thờ đang vang vọng, đồng bào Công giáo vui mừng, phấn khởi cùng nhau chào đón Giáng sinh.

“Trước thời khắc Đức Chúa Giáng sinh, nhân dân các dân tộc anh em trên Cao nguyên Đắk Lắk cũng tập trung ở các Nhà thờ để cùng nhau tận hưởng và chào đón Giáng sinh 2023 ấp áp, an lành. Đây là dịp để mọi người bày tỏ yêu thương, tinh thần đoàn kết, cầu chúc những điều tốt đẹp nhất trong mùa Giáng sinh 2023 và năm mới 2024”. Ông Dương Văn Tuệ bày tỏ.

Đắk Lắk có 49 dân tộc anh em cùng sinh sống, là tỉnh có đông đảo đồng bào theo đạo Công giáo (217.026 người, trong đó 56.000 đồng bào dân tộc thiểu số) và Tin lành (199.831 người, trong đó 195.183 đồng bào dân tộc thiểu số).

Tuấn Anh


(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm