Nhân 74 năm Quốc khánh: Những nốt nhạc vui ở vùng nông thôn mới kiểu mẫu

Nhân 74 năm Quốc khánh: Những nốt nhạc vui ở vùng nông thôn mới kiểu mẫu
Tuyến đường giao thông của xã Kim Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An) được đầu tư xây dựng sạch đẹp. Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN
Tuyến đường giao thông của xã Kim Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An) được đầu tư xây dựng sạch đẹp. Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN

Những ngày thu Tháng Tám này, phóng viên TTXVN tại địa bàn đã về  phản ánh, ghi nhận những đổi mới, phát triển tại ba trong số các huyện nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của cả nước: Hải Hậu (Nam Định),  Nam Đàn (Nghệ An) và Xuân Lộc (Đồng Nai). Cảm nhận rõ nét về những nỗ lực phấn đấu và thành quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân những nơi này, như những nốt nhạc vui hòa chung không khí phấn khởi, tự hào cùng nhân dân cả nước đón mừng 74 năm Quốc khánh.

Nam Đàn phát triển văn hóa gắn với du lịch

Để thực hiện mục tiêu “Xây dựng huyện Nam Đàn trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch giai đoạn 2018 – 2025”, huyện đã và đang tập trung nâng cao chất lượng toàn diện các nội dung, tiêu chí nông thôn mới cấp xã, cấp huyện, đồng thời thực hiện các tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu theo Quyết định số 691/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Nam Đàn đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2020 có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3 xã đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch và đến năm 2025 có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch.

Trước mắt, huyện cùng các xã tiếp tục rà soát các nội dung, tiêu chí để từng bước củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới một cách bền vững; tập trung chỉ đạo thực hiện một số nội dung mang tính kiểu mẫu và bước đầu hình thành các mô hình xã nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch. Huyện đã phân bổ nguồn lực, có các chính sách phù hợp như hỗ trợ xi măng để các xã chỉnh trang, nâng cấp hệ thống đường giao thông, mương thoát nước dân sinh; hỗ trợ kinh phí để xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thành lập mới hợp tác xã liên doanh, liên kết, hỗ trợ kinh phí để thực hiện một số mô hình về cải tạo và bảo vệ môi trường, trồng hoa, cây xanh, xây dựng thùng rác để thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật…

Cùng với đó, huyện ban hành bộ tiêu chí về xóm, khối sáng – xanh – sạch – đẹp, nội dung chính là xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn sạch đẹp, thoáng mát, có hệ thống mương thoát nước, có cây xanh, hoa hai bên đường được trồng theo quy hoạch; xây dựng hệ thống điện chiếu sáng công cộng đồng bộ, có hệ thống đóng ngắt tự động, chỉnh trang hệ thống điện, cáp viễn thông gọn gàng, đảm bảo mỹ quan...

Đến nay, trên địa bàn huyện có trên 145 km đường hoa, 100% số xóm lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng công cộng, trong đó có trên 70% số xóm có hệ thống đóng, ngắt tự động; bước đầu hình thành một số vườn chuẩn, vườn mẫu nông thôn mới. Nhiều hộ dân đã có ý thức chỉnh trang nhà ở, sân vườn, tường rào, cổng ngõ sạch, đẹp, thường xuyên trồng và chăm sóc hoa, quét dọn vệ sinh môi trường khu vực trước mỗi nhà.

Ông Bùi Đình Long, Bí thư Huyện ủy Nam Đàn cho biết: Trước mắt, huyện quy hoạch một số điểm dân cư kiểu mẫu, khu vườn mẫu, đường mẫu, hoàn thành và triển khai có hiệu quả Đề án mỗi xã một sản phẩm, quy hoạch và xây dựng các trung tâm văn hóa – thể thao xóm kiểu mẫu, hoàn thành xây dựng nhà truyền thống của huyện… Huyện tiếp tục kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình đã cam kết đầu tư, đặc biệt là các công trình, dự án phục vụ lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh; xây dựng một số mô hình du lịch trải nghiệm nông thôn để từng bước xây dựng một số mô hình xã nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch.

Mỗi xã một sản phẩm

Thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh Nghệ An hỗ trợ Hợp tác xã nông nghiệp Sen quê Bác xây dựng sản phẩm chế biến từ sen. Đây là sản phẩm đặc trưng và chủ đạo mà xã Kim Liên đang hướng đến nhằm phục vụ du khách mỗi khi đến thăm quê Bác.

Được hỗ trợ tiền thuê đất trồng sen trong 3 năm, Hợp tác xã nông nghiệp Sen quê Bác đã đầu tư máy móc, giống, thuê nhân công để trồng sen.

Từ đầu năm 2019, Hợp tác xã nông nghiệp Sen quê Bác đã trồng 30 giống hoa sen khác nhau với diện tích 6ha. Mùa sen nở bắt đầu từ tháng 4 đến hết tháng 9 hàng năm, những ao sen quê Bác vừa là điểm check in chụp ảnh cho du khách, vừa tạo ra nhiều sản phẩm được chế biến từ sen như trà tâm sen, trà lá sen, trà hoa sen, hạt sen (tươi, khô, sấy giòn), ngó sen, vòng hạt sen… Các sản phẩm sen đều được giữ nguyên chất, sấy thăng hoa, giữ nguyên màu sắc, hương vị…

Thạc sĩ Phạm Kim Tiến, Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã nông nghiệp Sen quê Bác cho biết: “Chúng tôi đang hướng tới xây dựng thương hiệu Sen quê Bác, phấn đấu đến năm 2020 mở rộng thêm diện tích trồng sen lên đến 20 ha mới đủ nguyên liệu sản xuất. Sau khi mở rộng diện tích, Hợp tác xã sẽ kết hợp làm du lịch một cách bài bản hơn, trở thành điểm đến tham quan trải nghiệm cho du khách, vừa bán hàng tại các điểm ao sen để quảng bá du lịch”.

Mới đây, Hợp tác xã cũng đã kết hợp với trường Đại học Vinh để cho ra sản phẩm mới như bột hạt sen, bột lá sen; chuyển giao công nghệ từ Thành phố Hồ Chí Minh làm ra sản phẩm nhang sen (nguyên liệu từ đài và lá sen). Hiện, củ sen cũng đang được Hợp tác xã trồng thử nghiệm để cho ra sản phẩm chế biến thức ăn…

Cùng với sản phẩm Sen quê Bác, sản phẩm bột sắn dây Nam Anh cũng được huyện Nam Đàn chọn làm đặc sản phục vụ khách du lịch.

Bà Hồ Thị Thuận, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và chế biến tinh bột sắn dây xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, cho biết: “Được dự án Jica hỗ trợ, sản phẩm bột sắn dây của Hợp tác xã đảm bảo sạch và an toàn, được khách du lịch đón nhận, nhiều cơ quan, địa phương chọn làm quà biếu, được bày bán tại các siêu thị trong và ngoài tỉnh. Hợp tác xã sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, từ khâu sản xuất đến đóng gói bao bì bằng giấy sạch… để sản phẩm ngày một tốt hơn”.

Tận dụng thế mạnh của địa phương, những năm qua, huyện Nam Đàn đã tập trung phát triển các sản phẩm đặc trưng gắn với du lịch. Trong quá trình xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu, huyện Nam Đàn đang hình thành mô hình mỗi xã một sản phẩm. Trong đó, huyện chú trọng vào các sản phẩm nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp mang đặc trưng của địa phương. Những mô hình này đều ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản theo hướng an toàn và bền vững. Cùng với đó, huyện tranh thủ sự hỗ trợ của các dự án đầu tư về máy móc thiết bị nhằm giảm sức lao động, tăng năng suất, cũng như cải thiện thu nhập cho người dân trong vùng.

Xuân Lộc – Vùng chuyên canh trù phú

Xuân Lộc, một huyện vùng sâu của tỉnh Đồng Nai, nằm ở cửa ngõ phía Đông của Sài Gòn. Năm 1975, ngụy quân đã chọn Xuân Lộc làm nơi “tử thủ”, là “cánh cửa thép” để bảo vệ Sài Gòn. Tuy nhiên, sau 12 ngày đêm chiến đấu vô cùng anh dũng của quân và dân ta, “cánh cửa thép” Xuân Lộc đã bị mở tung để bộ đội ta tiến vào Sài Gòn, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Từ một vùng đất nghèo nàn, lạc hậu mang đầy thương tích bom đạn, đến nay Xuân Lộc đã trở thành vùng đất trù phú, với nhiều vùng chuyên canh nông sản nổi tiếng của cả nước. Năm 2014, huyện Xuân Lộc đã trở thành huyện đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện nay, Xuân Lộc là một trong 4 huyện của cả nước được Trung ương chọn thực hiện thí điểm xây dựng “nông thôn mới kiểu mẫu”.

Trước đây, với 10 ha đất rẫy, gia đình ông Thái Văn Nam, xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc, chỉ trồng tràm vì không có đường vào, canh tác khó khăn. Từ khi chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai mạnh tại địa phương, một tuyến đường bê tông khang trang được mở vào tận rẫy của ông Nam. Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, gia đình ông Nam đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển 10 ha trồng tràm sang trồng cây thanh long ruột đỏ.

Đến nay, vườn thanh long của ông Nam cho thu nhập khoảng 8 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 30 lao động. “Hiện nay, đường điện đã được chính quyền địa phương cùng với người dân kéo đến tận rẫy. Nhờ có đường giao thông thuận lợi và nguồn điện đến tận nơi giúp người dân canh tác và thu hoạch thanh long rất thuận lợi”, ông Nam chia sẻ.

Nếu như trước đây trên các cánh đồng xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc, chỉ canh tác lúa thì nay đã áp dụng mô hình xen canh lúa - ngô với cơ cấu 1 vụ lúa 2 vụ ngô. Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng và mùa vụ, các cánh đồng ngô của xã Lang Minh đã cho năng suất cao nhất, nhì cả nước, có những vùng đạt ngưỡng 12 tấn/ha.  Ông Lý Phát Sinh (xã Lang Minh) cho biết, gia đình ông hiện có 8 ha ngô lai, sau khi trừ hết các chi phí đầu vào, mỗi năm thu lãi khoảng 400 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Văn Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc cho biết, sau khi hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Xuân Lộc tiếp tục được Trung ương chọn thí điểm xây dựng "nông thôn mới kiểu mẫu". Cái khó của việc xây dựng "nông thôn mới kiểu mẫu" là cả nước chưa có mô hình tương tự, do đó địa phương phải vừa mày mò thực hiện vừa đúc rút kinh nghiệm. “Chúng tôi luôn xác định chủ thể của chương trình xây dựng nông thôn mới chính là người dân, người dân thụ hưởng, người dân cùng thực hiện, còn chính quyền địa phương chỉ đóng vai trò hỗ trợ”, ông Linh cho biết.

Theo ông Linh, đối với chương trình xây dựng "nông thôn mới kiểu mẫu", huyện vẫn xác định và ưu tiên phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững, vì thế mạnh của vùng đất Xuân Lộc chính là nông nghiệp.

Hiện nay, huyện Xuân Lộc đã hình thành nhiều vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, có thể đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Trong đó, điển hình như vùng chuyên canh xoài với diện tích 1.400 ha, vùng chuyên canh hồ tiêu 2.200 ha, vùng chuyên canh chôm chôm 1.400 ha, vùng chuyên canh thanh long ruột đỏ với diện tích trên 500 ha. Các vùng chuyên canh nông nghiệp này đều áp dụng mô hình tưới nước và bón phân tự động.

Theo Ủy ban nhân dân huyện Xuân Lộc, từ năm 2010 đến nay, tổng nguồn vốn huy động đầu tư xây dựng nông thôn mới là trên 23.000 tỷ đồng, trong đó nguồn đóng góp từ nhân dân và xã hội hóa là 21.000 tỷ đồng, vốn ngân sách chỉ chiếm hơn 11%. Huyện đã đầu tư xây dựng gần 680 km đường giao thông; đầu tư thêm 694 km đường dây trung thế, hạ thế phục vụ 100% nhu cầu điện sinh hoạt, sản xuất của người dân. Thu nhập bình quân đầu người năm 2010 đạt 19,1 triệu đồng/người/năm, đến nay đã tăng lên 55 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo còn 0,85%.

Huyện Xuân Lộc có 6/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (với các tiêu chí cao hơn so với bộ tiêu chí của Trung ương), dự kiến đến cuối năm 2019, huyện sẽ hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao. Huyện Xuân Lộc đang tiếp tục bắt tay vào triển khai xây dựng “nông thôn mới kiểu mẫu” theo lựa chọn của Trung ương và chọn xã Xuân Định làm thí điểm của mô hình này.

Hải Hậu - Miền quê đáng sống

Hải Hậu là huyện đầu tiên của tỉnh Nam Định đạt chuẩn nông thôn mới với 35/35 xã, thị trấn đạt 19 tiêu chí nông thôn mới. Đây cũng là một trong những huyện đầu tiên của cả nước hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới sau 5 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hiện Hải Hậu đang triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, bền vững.

Nhiều cách làm sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương này như: “Làm từ đồng về làng, làm từ nhà ra xóm, làm từ xóm lên xã”; “Nhà có số, phố có tên; sông không rác; đường có điện, có hoa; cán bộ chuyên cần, nhân dân đồng thuận”... trở thành bài học thực tiễn giá trị, được nhân rộng. Tuy nhiên, để có được những thành quả ấy, Hải Hậu cũng đã trải qua không ít khó khăn, thách thức.

Bí thư Huyện ủy Hải Hậu Mai Văn Quyết chia sẻ, khởi điểm của địa phương khi triển khai xây dựng nông thôn mới khá thấp. Sản xuất nông nghiệp manh mún, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề chậm phát triển; lực lượng lao động nông thôn thiếu việc làm, thu nhập thấp; đời sống vật chất, tinh thần của người dân còn không ít khó khăn. Một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức chưa đầy đủ, hoài nghi về hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới, có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước.

Năm 2010, Hải Hậu có 28/35 xã, thị trấn đạt dưới 10 tiêu chí nông thôn mới. Tỷ lệ lao động qua đào tạo mới đạt trên 20%; thu nhập bình quân đầu người hơn 10 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo trên 11%...

Trước thực tế đó, huyện chủ trương việc gì có lợi cho dân, cần thiết, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội sẽ làm trước; đồng thời cụ thể hóa Chương trình xây dựng nông thôn mới thành các phong trào thi đua, cuộc vận động và triển khai tới tất cả các cơ quan, đoàn thể, thôn, xóm, hộ dân.

Huyện huy động sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò của các chức sắc tôn giáo, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương. Cùng với đó, Hải Hậu tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa; phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, tạo việc làm, thu nhập cho nông dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động.

Địa phương đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, dồn điền đổi thửa, tiến hành sản xuất lớn theo hướng hàng hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi...

Nhờ đó, giá trị sản phẩm bình quân trên 1 ha đất canh tác tăng từ 68 triệu đồng năm 2010 lên 120 đồng năm 2018. Huyện đã thu hút được khoảng 60 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tạo việc làm cho trên 3.000 lao động. Tỷ lệ người trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên trên địa bàn (năm 2018) đạt 95%; thu nhập bình quân khu vực nông thôn tăng từ hơn 10 triệu đồng/người năm 2010 lên trên 45 triệu đồng/người năm 2018.

Bí thư Huyện ủy Hải Hậu thông tin, tính đến tháng 8/2019, Hải Hậu có 15 xã cơ bản đạt 19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao; 9 mô hình xóm hoàn thành các tiêu chí kiểu mẫu về kết cấu hạ tầng, cảnh quan, môi trường, văn hóa và sản xuất; 3 xã đã hoàn thành các tiêu chí kiểu mẫu về kết cấu hạ tầng, cảnh quan môi trường và văn hóa. Huyện phấn đấu đến năm 2024, có trên 75% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Về Hải Hậu những ngày mùa Thu tháng Tám lịch sử, trong không khí nhân dân các xã, thị trấn trên địa bàn đang háo hức chuẩn bị cho Ngày hội Văn hóa - thể thao truyền thống kỷ niệm 74 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, chúng ta có thể cảm nhận rõ diện mạo mới ở làng quê sáng - xanh - sạch - đẹp này. Những con đường bê tông phẳng lì, rộng rãi, liên thông từ quốc lộ, tỉnh lộ về tới tận thôn, xóm, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, buôn bán và đi lại của người dân. Hai bên đường, những thảm hoa nở rực rỡ trong sắc nắng vàng nhẹ của tiết thu khiến những người con xa quê lâu ngày trở về và du khách không khỏi bồi hồi, xao xuyến trước vẻ đẹp yên bình, nên thơ của vùng quê này. Những dòng sông không rác, các tuyến đường tự quản được các tổ chức hội đoàn thể đảm nhận lúc nào cũng sạch sẽ, phong quang, thực sự tạo nên những làng quê thanh bình, yên ả và đáng sống.
 
Lựa chọn cách làm phù hợp

Nam Định là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào giữa năm 2019, về đích sớm hơn 1,5 năm so với mục tiêu đề ra là đến năm 2020 trở thành tỉnh nông thôn mới.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định, 100% số xã, thị trấn của 10/10 huyện, thành phố của tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Các địa phương trong tỉnh đang tiếp tục triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới bền vững nhằm nâng cao hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn.

Để có được những kết quả vượt bậc trong xây dựng nông thôn mới, Nam Định đã lựa chọn cách làm, bước đi phù hợp, sáng tạo, sát với thực tiễn ở địa phương với phương châm “Dân cần, dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân hưởng thụ”. Nhờ thực hiện tốt phương châm này, Nam Định đã giải quyết thành công hàng loạt việc lớn, việc khó có tính đột phá trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Đoàn Hồng Phong cho biết, Nam Định là tỉnh có nguồn thu ngân sách không lớn, nếu chỉ dựa vào ngân sách Nhà nước chắc chắn sẽ không hoàn thành được mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Đây là bài toán khó với Nam Định khi bắt đầu triển khai xây dựng nông thôn mới vào năm 2010.

Với cách thức vừa học vừa làm, vừa đúc rút kinh nghiệm, tổng kết thực tiễn, dựa vào tình hình thực tế của địa phương, Nam Định đã chủ trương xây dựng nông thôn mới trước hết phải khai thác nội lực từ chính cộng đồng dân cư. Các xã, thị trấn, các thôn, xóm và người dân nông thôn phải chủ động, sáng tạo, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Xã Gia Canh, một xã miền núi của huyện Định Quán, Đồng Nai về đích nông thôn mới. Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN
Gia Canh, một xã miền núi của huyện Định Quán, Đồng Nai về đích nông thôn mới. Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN

Nam Định đã huy động hiệu quả mọi nguồn lực phục vụ xây dựng nông thôn mới. Tính đến tháng 6/2019, tổng các nguồn huy động cho xây dựng nông thôn mới của tỉnh đạt trên 21 nghìn tỉ đồng; trong đó ngân sách Nhà nước chỉ chiếm khoảng 27%, còn lại là các nguồn vốn huy động từ doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và các nguồn hợp pháp khác.

Để phát triển sản xuất quy mô lớn, tạo ra giá trị kinh tế cao, ngay từ năm 2011, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định đã ban hành Chỉ thị về dồn điền đổi thửa. Nhờ sự đồng thuận của toàn dân, chỉ sau 5 năm, toàn tỉnh đã có 2.976/2.986 thôn, đội hoàn thành việc dồn điền đổi thửa, đạt 99,7%.

Sau dồn điền đổi thửa, các địa phương đã dồn gọn được quỹ đất công ích theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới và hình thành các cánh đồng lớn. Chính quyền các cấp cũng đã vận động các gia đình tự nguyện hiến, góp hàng nghìn héc-ta đất nông nghiệp để chỉnh trang, nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng và các công trình phúc lợi.

Cùng với đó, Nam Định chú trọng xây dựng các khu đô thị trung tâm thị trấn, thị tứ; phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề nông thôn, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn ngay trên mảnh đất quê hương mình theo phương châm “Ly nông bất ly hương”.

Từ năm 2010 đến nay, Nam Định đã thu hút khoảng 5.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương. Hiện số hộ có thu nhập ngoài nông nghiệp ở nông thôn chiếm trên 70%. Thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn Nam Định tăng 3,5 lần so với trước khi xây dựng nông thôn mới./.
Bích Huệ, Sỹ Tuyên, Vũ Đạt

Có thể bạn quan tâm