Nhà xe bất an trước ngày giải tỏa bến xe Lương Yên

Nhà xe bất an trước ngày giải tỏa bến xe Lương Yên

Trước thời điểm di dời, bến xe Lương Yên vốn đã tạm bợ, giờ thêm nhếch nhác, thô sơ. Không được trang bị hệ thống công nghệ hiện đại hỗ trợ khách mua vé, khu vực dành cho khách ngồi chờ chỉ lác đác vài hàng ghế cũ kỹ; phòng vé diện tích chật hẹp… Tuy nhiên, bến xe vẫn hoạt động bình thường, hàng khách vẫn đổ về bến để tỏa đi các tuyến quen thuộc. 

Taxi chờ khách ở bến xe Lương Yên (Hà Nội). Ảnh: TTXVN
Taxi chờ khách ở bến xe Lương Yên (Hà Nội). Ảnh: TTXVN

Đứng đón khách lên xe, anh Đào Quang Tuấn, nhân viên lái xe của công ty cổ phần xe khách Thanh Long chạy tuyến Hà Nội – Hải Phòng buồn rầu cho biết, đến thời điểm này vẫn chưa biết xe được điều về bến nào. Khách trước tới giờ đi xe ở bến Lương Yên quen rồi, giờ được biết sẽ chuyển về hai bến mới là Yên Nghĩa và Nước ngầm không hợp lý lắm. “Bến Lương Yên ở ngay trung tâm giờ chuyển sang Nước ngầm làm sao người ta đi được”, anh Tuấn than thở. 

Cùng chung tâm trạng, anh Đặng Quốc Tuấn chạy tuyến Hà Nội – Hải Dương- Kinh Môn lo lắng, em vay tiền ngân hàng cả 1,4 tỷ đồng để mua xe, mới hoạt động được 3 – 4 năm chưa đủ trả tiền vay giờ chuyển đi chỗ khác, hoạt động khó khăn lấy tiền đâu mà trả. Anh Quốc Tuấn cho biết đã xin về hoạt động tại bến xe Giáp Bát nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa trả lời. 

Anh Đặng Văn Đức, lái xe chạy tuyến Việt Trì (Phú Thọ) – Lương Yên (Hà Nội) cho biết, anh là người lái xe thuê, đã được biết bến xe Lương Yên sẽ bị di dời trong năm 2016 nhưng cụ thể là thời gian nào thì anh không nắm được. Việc giải tỏa bến xe đồng nghĩa với việc sẽ có thay đổi về tuyến đường, giờ chạy và số xe chạy. “Việc này công ty sẽ có chỉ đạo tới từng tài xế”, anh Đức nói. 

Còn anh Trần Mạnh Bắc, lái xe của Hợp tác xã Vận tải ô tô Ninh Bình chia sẻ, anh chưa nhận được thông tin gì về thời điểm di dời bến xe. Nhà xe của anh chạy tuyến Kim Sơn (Ninh Bình) – Lương Yên (Hà Nội) từ khi bến xe mới mở (năm 2004), đến nay đã là năm thứ 12, tuyến xe đã tương đối ổn định. Bởi vậy anh Bắc lo lắng chưa biết sau khi bến xe di dời, xe của anh sẽ phải đổi tuyến, hoãn tuyến như thế nào, phải thông báo với khách đi xe ra sao. 

Trước đó, để chuẩn bị cho việc giải tỏa bến xe Lương Yên, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã chuẩn bị hai phương án di chuyển toàn bộ phương tiện hoạt động tại bến Lương Yên về bến xe mới đang xây dựng là bến Cổ Bi (Huyện Gia Lâm) hoặc về các bến xe đang còn khả năng tiếp nhận trên địa bàn thành phố. 

Theo đánh giá của ngành chức năng, ưu điểm của phương án 1 là góp phần giảm ùn ứ giao thông trên trục đường Nguyễn Khoái nhưng sẽ xáo trộn nhu cầu đi lại của người dân trong một thời gian và tăng ùn ứ giao thông tại các bến xe tiếp nhận các tuyến và phương tiện từ bến xe Lương Yên chuyển sang và đặc biệt là ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của đơn vị vận tải đang hoạt động tại bến xe này. 

Liên quan đến vấn đề giải tỏa bến xe Lương Yên, mới đây, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện đã cho biết, hiện Sở đang phối hợp với 52 doanh nghiệp có 38 tuyến đi 20 tỉnh thành phố làm phương án di chuyển và theo kế hoạch sẽ di chuyển trước ngày 30/7. 

Mới đây, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh cho biết, Sở Giao thông Vận tải và các doanh nghiệp đã cơ bản thống nhất di chuyển toàn bộ phương tiện đang hoạt động tại bến Lương Yên về hai bến xe Nước ngầm và Yên Nghĩa. Ngoài ra một số chuyển sang bến xe Gia Lâm. Việc sắp xếp phương tiện đã cơ bản xong. 

Trước việc các nhà xe vẫn “bất an” trước giờ bến xe Lương Yên phải giải tỏa, ông Linh cho biết, việc di dời bến xe Lương Yên đã được thông báo từ 3 năm nay đến các doanh nghiệp vận tải có xe hoạt động tại bến Lương Yên. “Chủ trương di dời bến Lương Yên đã được thông báo từ lâu nên dù thế nào các doanh nghiệp vận tải hoạt động tại đây cũng đã chấp nhận hết”, ông Linh khẳng định./. 



Có thể bạn quan tâm