Nhà báo Hứa Kiểm với những bức ảnh thuộc về cuộc chiến

Nhà báo Hứa Kiểm với những bức ảnh thuộc về cuộc chiến
Thông qua những bức ảnh, Hứa Kiểm phản ánh chân thực, sống động tinh thần chiến đấu anh dũng, hi sinh của quân dân ta. Mới đây, bộ ảnh “Đường 20 quyết thắng” của ông đã được Chủ tịch nước ký quyết định trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.

Nhà báo Hứa Kiểm với những bức ảnh thuộc về cuộc chiến ảnh 1
Nhà báo Hứa Thanh Kiểm từng là một trong những tay máy xung kích luôn có mặt ở những điểm “nóng” trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của quân và dân ta. Ảnh: Văn Đạt - TTXVN

Nhà báo Hứa Kiểm sinh ra và lớn lên ở Lạng Sơn, hiện sống cùng gia đình tại huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Năm 1953 khi đang ngồi trên ghế nhà trường, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, cậu thanh niên Hứa Thanh Kiểm viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Hòa bình lập lại ở miền Bắc, Hứa Kiểm được đơn vị cử đi học, sau đó về làm giáo viên văn hóa của Tổng cục Chính trị. Năm 1964, đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc, ông lại viết đơn xung phong ra trận.

Đầu năm 1966, sau khi được đào tạo nghiệp vụ báo chí, Hứa Kiểm cùng với Lương Nghĩa Dũng và Vũ Văn Tạo nhận công tác tại tổ ảnh chiến sự của Việt Nam Thông tấn xã, thực hiện nhiệm vụ trực chiến ở các trận địa pháo cao xạ tại những trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ như: Nhà máy dệt Nam Định, Nhà máy gang thép Thái Nguyên, cầu Phú Lương (Hải Dương)...

Cuối năm 1966, ông được phân công thường trú tại Vĩnh Linh (Quảng Trị). Từ đó, ông thường xuyên được phân công chụp các trận đánh lớn, chiến dịch quan trọng như: trận pháo kích Cồn Tiên, Dốc Miếu năm 1967; trận Cù Đinh, Ba De năm 1968; túc trực ở trọng điểm giao thông Trường Sơn ATP (cua chữ A, ngầm Tà Lê, đèo Pu La Nhích, đường 20 Trường Sơn) từ năm 1969 - 1970.

Cuối năm 1970, ông đi cùng quân dân Campuchia chụp ảnh các trận đánh giải phóng Stung-treng và Ka-ra-chia. Năm 1971 - 1972, ông lại trực chiến thường xuyên ở các trận địa cao xạ, tên lửa, không quân, hải quân, lăn lộn với binh chủng tăng, thiết giáp ở miền Bắc…

Mùa xuân năm 1975, Hứa Kiểm được phân công cùng với các phóng viên ảnh Vũ Tạo, Đinh Quang Thành và phóng viên tin Trần Mai Hưởng trong Tổ tin, ảnh mũi nhọn của Thông tấn xã Việt Nam đi cùng Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tiến vào giải phóng Sài Gòn và các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Bốn năm sau, ông trở lại Campuchia ghi hình ảnh nước bạn đấu tranh chống diệt chủng.

Nhà báo Hứa Kiểm với những bức ảnh thuộc về cuộc chiến ảnh 2
Nhà báo Hứa Thanh Kiểm (áo trắng) với những bức ảnh chụp trong thời gian là phóng viên chiến trường. Ảnh: Văn Đạt - TTXVN

Suốt 23 năm lăn lộn khắp các chiến trường miền Nam, Campuchia, biên giới phía Bắc, nhà báo Hứa Kiểm đã ghi lại nhiều bức ảnh giá trị, lưu giữ những khoảnh khắc lịch sử của dân tộc song ông ấn tượng nhất là bộ ảnh “Đường 20 quyết thắng”. Bộ ảnh này gồm 5 tác phẩm: Lễ tuyên thệ quyết tâm vượt cung đường lửa của những chiến sĩ lái xe; Vượt lầy; Chiến sĩ lái xe Lê Văn Bạch, giáo viên xung phong vào chiến trường vượt cung đường 20 quyết thắng; Mở đường ngầm Tà Lê sau trận bom của máy bay B52 Mỹ và Cua chữ A - một trọng điểm trong cụm liên hoàn ATP (cua chữ A, ngầm Tà Lê và đèo Pu La Nhích).

Đường 20 quyết thắng kéo dài khoảng 10 km từ Tây Quảng Bình đến biên giới Việt - Lào. Nơi có 3 trọng điểm liên hoàn là cua chữ A, ngầm Tà Lê và đèo Pu La Nhích. Các trọng điểm này địch thường xuyên bắn phá liên tục nhằm cắt đứt con đường huyết mạch, tiếp tế lương thực, đạn dược vào chiến trường của ta. Những năm 1967 - 1969, Vĩnh Linh được xem là “vùng đất chết”, bom dội xuống liên tục ngay cả cỏ cũng không kịp mọc.

Để có những bức ảnh hiện thực, sống động phục vụ công tác tuyên truyền và đấu tranh vạch trần tội các của quân xâm lược, ông đã phục nhiều giờ đồng hồ ở cua chữ A - nơi ác liệt nhất để ghi lại khoảnh khắc đoàn xe đi qua. Ông cũng ôm máy chờ từ sáng đến tận trưa để ghi lại thời khắc chiến sĩ tuyên thệ trước khi vượt cung đường lửa. Hay bất chấp hiểm nguy chọn góc máy có thể ghi lại toàn cảnh ngầm Tà Lê bị bom đạn cày nát hay hình ảnh công binh, thanh niên xung phong, sau mỗi đợt bom lại lao ra khẩn trương san lấp, giải phóng đường để đoàn xe tiếp tục chở hàng chi viện cho tuyền tuyến…

Đến bây giờ, mỗi khi nhắc lại những kỷ niệm gắn với “cung đường lửa”, nhà báo Hứa Kiểm vẫn không quên chuyến đi với chiến sỹ lái xe Lê Văn Bạch, quê ở Hải Dương qua vùng trọng điểm ATP. Xe đi trong đêm tối không những tầm nhìn hạn chế nhiều lần suýt lao xuống vực mà còn vượt qua “mưa bom bão đạn” của địch. Kết thúc chuyến đi, ông nói với anh lính trẻ: Chuyến đi này mình chết hụt 6 lần. Lái xe Lê Văn Bạch cười rất tươi đáp lại: Với cánh lính bọn em thì đơn giản là “Hôm nay chúng ta chưa chết”.

Nhà báo Hứa Kiểm với những bức ảnh thuộc về cuộc chiến ảnh 3
Suốt 23 năm lăn lộn khắp các chiến trường miền Nam, Campuchia, biên giới phía Bắc, nhà báo Hứa Kiểm đã ghi lại nhiều bức ảnh giá trị, lưu giữ những khoảnh khắc lịch sử của dân tộc. Ảnh: Văn Đạt - TTXVN

Nhiều nhà nhiếp ảnh trong nước và quốc tế khi xem những bức ảnh chiến tranh của Hứa Kiểm đã vô cùng khâm phục sự gan dạ của người cầm máy đồng thời đánh giá đó không chỉ là tư liệu quý mà còn là những tác phẩm nhiếp ảnh giá trị.

Nói về những tác phẩm đã đánh đổi cả tuổi thanh xuân, mồ hôi, thậm chí là máu của những người đồng đội, nhà báo Hứa Kiểm tâm niệm: “Mình đã hoàn thành nhiệm vụ, còn những bức ảnh ấy thuộc về cuộc chiến, thuộc về những người trong ảnh ”. 
Vũ Văn Đạt/TTXVN

Có thể bạn quan tâm