Những bàn tay da nhăn nheo vẫn cố gắng luyện tập từng nét chữ. Ảnh: Lê Xuân-TTXVN |
Lớp học đặc biệt này do anh Nguyễn Hoàng Nam, cán bộ kiểm lâm, Bí thư Đoàn Thanh niên Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai sáng lập và duy trì.
Khu vực lòng hồ Trị An (trải dài trên nhiều huyện thuộc tỉnh Đồng Nai), hiện có hơn 1.200 hộ sinh sống với hơn 6.000 nhân khẩu. 70% trong số những nhân khẩu trên là Việt kiều trở về từ Campuchia. Do không biết chữ, hầu hết họ chỉ đánh bắt cá để kiếm sống qua ngày.
Anh Nguyễn Hoàng Nam cho biết, vào dịp Tết Nguyên đán 2019, trong một chuyến đi làm từ thiện, tặng quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên lòng hồ Trị An, anh nhận thấy có rất nhiều người không biết chữ, không thể ký tên mình khi được trao quà. Có người chỉ đánh chữ X cho nhanh, người cẩn thận hơn lăn vân tay, nhưng cũng có những người đọc tên nhờ người biết chữ viết hộ.
Anh Nam nhận thấy, mọi người không biết chữ sẽ khó khăn trong công tác bảo vệ, quản lý đánh bắt trên lòng hồ. Khi tuyên truyền về pháp luật, người dân không biết và cũng không thể tự tìm hiểu. Do đó, anh đã xin ý kiến lãnh đạo Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, mở lớp dạy chữ cho những người lớn tuổi này với mục đích xóa mù, dạy cho họ biết đọc và biết viết.
Người dân được chỉ bảo tận tình từng nét chữ trong lớp dạy chữ cho những người Việt kiều Campuchia lớn tuổi trên lòng hồ Trị An. Ảnh: Lê Xuân-TTXVN |
Do đó, từ tháng 4/2019, lớp học xóa mù cho những người lớn tuổi trở về từ Campuchia trên lòng hồ Trị An được ra đời. Bước đầu những tưởng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc “chiêu sinh” cho lớp học, vì đối tượng đều là những người lớn tuổi, lao động chính trong gia đình. Tuy nhiên, nhiều người rất háo hức, mong chờ từng ngày, thậm chí bỏ luôn buổi làm để được tới lớp học.
Thường ngày, những ngư dân ở đây phải dậy từ rất sớm để thu lưới, lợp, gom cá tôm đem bán, hoặc đổi lấy gạo ăn trong ngày. Tuy nhiên, cứ thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần, thay vì đi thu lưới, lợp, họ lại mang theo tập vở, cây bút chì hướng về giữa lòng hồ, nơi có lớp học đặc biệt.
“Thầy Nam dặn 7 giờ phải có mặt ở lớp học, nhưng đường đến lớp xa lắm, phải tranh thủ đi chứ không kịp đâu. Mùa này do nước xuống, lòng hồ đã cạn đáy nên nhiều nơi xe máy mới chạy được, chứ vào giữa mùa mưa, nước hồ lên cao phải đi ghe gần 1 giờ đồng hồ mới tới được lớp”, ông Tống Văn Rớt (54 tuổi, sống trên lòng hồ Trị An, Đồng Nai) cho biết.
Đặc biệt hơn, lớp học không phân biệt độ tuổi, số người trong một gia đình, tất cả mọi người chỉ cần có nhu cầu học để biết chữ đều có thể tham gia. Có những gia đình gồm bố chồng, con dâu cùng tham gia một lớp. Chị Nguyễn Thị Nương, 34 tuổi (sống trên làng bè Trị An) cho biết, đáng lẽ là nhà có ba bố con đi học, nhưng vì tuần này chồng chị mắc bệnh nên chỉ có chị và bố chồng đi học. "Không biết chữ khổ lắm, người ta nói gì cũng không biết, không xin được việc làm, chỉ biết bắt con tôm, con cá đổi lấy gạo sống qua ngày. Sau khi biết đọc, biết viết, vợ chồng tôi sẽ vào bờ để xin việc, không muốn sống cảnh lênh đênh sông nước nữa", chị Nguyễn Thị Nương tâm sự.
Anh Nguyễn Hoàng Nam trong giờ đứng lớp dạy chữ cho những người Việt kiều Campuchia lớn tuổi trên lòng hồ Trị An. Ảnh: Lê Xuân-TTXVN |
Anh Nguyễn Hoàng Nam cho biết, lớp học này mở ra đến nay cũng gần 8 tháng, dạy vào hai ngày cuối tuần. Sĩ số lớp tuy khiêm tốn nhưng duy trì khá đều, khoảng trên 10 người một lớp. Với đặc thù là dạy chữ cho những người lớn tuổi, do vậy các thầy gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều cụ đã không còn minh mẫn, trí nhớ kém, tay cầm bút không được dẻo, run tay... nhưng với tinh thần, ước muốn cháy bỏng là một lần được tự tay viết tên mình nên nhiều cụ đã rất cố gắng. Đến nay, nhiều cụ ông, cụ bà đã có thể tự viết tên mình.
Sau thời gian triển khai, hơn 30 người lớn tuổi đã có thể “tốt nghiệp” lớp học, biết đọc chữ hoặc ít nhất là biết viết tên mình. Cụ Nguyễn Văn Lời (71 tuổi) sau hơn 2 tháng học tập, cụ đã có thể tự viết tên mình, mặc dù nét chữ còn nguệch ngoạc.
Khi được mọi người hỏi, tại sao lớn tuổi như vậy mà vẫn đi học, cụ Nguyễn Văn Lời cho biết: “Từ nhỏ tới lớn không được tiếp xúc với con chữ, cuối đời chỉ có một ước nguyện đó là có thể tự viết tên mình. Biết chữ, biết đọc, viết để mai mốt có được đi đâu đó, biết chỗ này chỗ kia, ai hỏi còn biết trả lời”.
Kết thúc mỗi buổi học, những “học trò” ở lớp học đặc biệt này lại hồ hởi khoe với nhau hôm nay đánh vần được bao nhiêu chữ, có người giỏi hơn khoe đã ráp được 3 chữ lại với nhau và đọc được. Thầy Nam gọi đến tên để đánh vần đã mạnh dạn đọc dõng dạc chứ không rụt rè, sợ hãi, mặc dù không phải từ nào các cô, chú, bác cũng đọc nhanh, rõ, chuẩn được. Những “học trò” này, ai cũng có một làn da đen rám nắng, dáng người khắc khổ, nhưng tinh thần luôn vui tươi, nói cười luôn miệng, ánh mắt của họ luôn sáng, ánh lên niềm hy vọng vào một cuộc sống mới mà không còn phải lo chạy ăn từng bữa như hiện nay.
Lê Xuân