Tại Cửa khẩu quốc tế Tân Sơn Nhất, các pano phòng chống dịch Zika đã được Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh bố trí ở khu vực ga đến quốc tế; 3 máy đo thân nhiệt đã được bố trí, sẵn sàng kiểm tra thân nhiệt đối với tất cả các hành khách đến sân bay Tân Sơn Nhất.
Tăng cường công tác kiểm dịch tại sân bây Quốc tế Tân Sơn Nhất, thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Phương Vy-TTXVN. |
Bác sĩ Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Trung tâm đã chủ động, sẵn sàng đối phó với dịch bệnh do vi rút Zika. Vi rút Zika đang hoành hành ở khu vực Nam Mỹ nên các hành khách về từ khu vực này sẽ được tư vấn, tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Cụ thể, đối với hành khách có triệu chứng sốt cao, được phát hiện qua máy đo thân nhiệt, nhân viên kiểm dịch sẽ đưa hành khách đưa vào khu cách ly; trường hợp khác sẽ khuyến cáo hành khách khi về địa phương sinh sống nếu có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh do vi rút Zika, phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, điều trị. Ngay trong chiều tối 4/2, Trung tâm Kiểm dịch y tế thành phố tiến hành phun hóa chất diệt muỗi ở khu vực sân bay.
Ở khối điều trị, đại diện Bệnh viện Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Bệnh viện rất cảnh giác với những ca có biểu hiện lâm sàng tương tự như nhiễm vi rút Zika. Tuy nhiên, Bệnh viện đang gặp khó khăn trong việc chẩn đoán, phát hiện bệnh. Bệnh viện mong nhận được sự hỗ trợ từ Viện Pasteur thành phố để chẩn đoán sớm.
Theo Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi - Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, tại Bệnh viện từ trước đến nay đã xuất hiện nhiều trường hợp trẻ bị dị tật đầu nhỏ. Tuy nhiên, bệnh do vi rút Zika ít có triệu chứng lâm sàng hoặc nếu có thì lại tương tự như bệnh cúm mùa, Rubella, sốt xuất huyết… khiến các bác sĩ rất khó chẩn đoán thai phụ có bị nhiễm Zika hay không. Bác sĩ Nhi cũng đề cập vấn đề lấy mẫu như thế nào.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, có khoảng 80% các trường hợp nhiễm vi rút Zika không có biểu hiện lâm sàng. Do đó, việc phòng chống dịch bệnh này phải đảm bảo chặt chẽ ở cả 3 khâu: giám sát qua cửa khẩu, qua sự kiện (trường hợp nghi nhiễm) và giám sát trọng điểm. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là phải tuyên tuyền cho người dân hiểu rõ về vi rút này.
Thiết bị chẩn đoán virus Zika trong vòng 6 đến 8 giờ tại Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Phương Vy-TTXVN. |
Sau khi kiểm tra tình hình phòng chống dịch và làm việc với các đơn vị liên quan, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định, nguy cơ lan truyền vi rút Zika vào Việt Nam là rất lớn. Theo Bộ trưởng, tính đến ngày 4/2, tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh do vi rút Zika. Tuy nhiên, với lưu lượng hành khách từ các quốc gia Nam Mỹ quá cảnh về sân bay Tân Sơn Nhất vào khoảng 700 người/tháng, các tỉnh, thành phố phía Nam có nguy cơ cao xuất hiện vi rút Zika. Mặt khác, loại vi rút này lây truyền chủ yếu qua đường muỗi Aedes Aegypti đốt – là loại muỗi lây truyền bệnh sốt xuất huyết. Trong khi đó, các tỉnh phía Nam từ nhiều năm qua luôn chiếm trên 80% các ca mắc sốt xuất huyết của cả nước, do điều kiện khí hậu thuận lợi cho sự phát triển của loại muỗi này. Vì vậy, nếu vi rút Zika xuất hiện tại các tỉnh, thành phía Nam thì nguy cơ lây lan ra cộng đồng là rất lớn.
Để đối phó với dịch bệnh nguy hiểm này, Bộ trưởng Bộ Y tế khuyến cáo người dân nếu không có việc cần thiết nên hạn chế di chuyển đến các vùng đang có dịch. Đối với người di chuyển từ vùng dịch về Việt Nam cần sử dụng các loại hóa chất phòng ngừa muỗi trong vòng 14 ngày để ngăn ngừa muỗi chích và lây lan sang người khác; tăng cường diệt lăng quăng, bọ gậy, phun hóa chất để hạn chế muỗi sinh sản. Bộ Y tế sẽ triển khai thực hiện tờ khai y tế tại các cửa khẩu quốc tế đối với hành khách về từ vùng dịch như đang thực hiện với bệnh Mers-CoV đồng thời sẽ ban hành phác đồ điều trị đối với bệnh nhân mắc vi rút Zika…/.