Người trồng quýt đặc sản ở Cao Bằng lao đao vì cây chết

Vườn quýt – nguồn thu nhập chính của bà Bà Hoàng Thị Đông, xóm Bản Niếng, xã Quang Hán nay chỉ còn là đống củi khô. Ảnh: Quốc Đạt - TTXVN
Vườn quýt – nguồn thu nhập chính của bà Bà Hoàng Thị Đông, xóm Bản Niếng, xã Quang Hán nay chỉ còn là đống củi khô. Ảnh: Quốc Đạt - TTXVN

Mọi năm, vào thời điểm gần Tết, người dân xã Quang Hán, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng lại náo nức chuẩn bị cho mùa thu hoạch quả, rủng rỉnh tiền nhưng năm nay niềm vui đó không đến. Thay vào đó là nỗi buồn thất bát và nỗi lo gánh nặng kinh tế khi có tới 70% số cây quýt tại đây đã chết vì một căn bệnh chưa có thuốc chữa.

Người trồng quýt đặc sản ở Cao Bằng lao đao vì cây chết ảnh 1Vườn quýt – nguồn thu nhập chính của bà Bà Hoàng Thị Đông, xóm Bản Niếng, xã Quang Hán nay chỉ còn là đống củi khô. Ảnh: Quốc Đạt - TTXVN

Trong căn nhà sàn cổ kính dưới chân núi ở Bản Niếng, xã Quang Hán, anh Hoàng Văn Diện, 35 tuổi đang mang củi vào bếp để nấu bữa sáng cho gia đình. Đống củi chất dưới gầm sàn nhà anh có lẽ là cây củi đắt nhất mà anh từng dùng để đun bếp. Đó là những cây củi từ thân cây quýt đặc sản mỗi năm mang lại hàng trăm triệu đồng cho gia đình anh. Đau xót thay, nó lại bị chặt để làm củi. Gia đình anh Diện đã trồng quýt từ hơn 10 năm nay. Với vườn quýt hơn 100 cây, hàng năm cứ mỗi dịp cận Tết gia đình anh lại có hơn 100 triệu đồng, thậm chí có năm được giá, anh có thể thu trên 200 triệu tiền bán quýt.

Thế nhưng, từ hơn 1 năm trở lại đây, những cây quýt đặc sản nhà anh Diện cứ vàng lá, yếu dần rồi chết mà không cách gì cứu vãn được dù anh đã làm đủ mọi cách, phun đủ loại thuốc. Từ mấy tháng trở lại đây, anh Diện đã phải chặt bỏ hơn 30 cây quýt và sau vụ thu hoạch này sẽ phải chặt tiếp khoảng 50 cây nữa. Dự kiến Tết này, gia đình anh Diện và hàng trăm hộ gia đình ở xã Quang Hán sẽ không còn sung túc như mọi năm.

Người trồng quýt đặc sản ở Cao Bằng lao đao vì cây chết ảnh 2Anh Hoàng Văn Diện, xóm Bản Niếng, xã Quang Hán, đau xót chặt bỏ những cây quýt nhiễm bệnh. Ảnh: Quốc Đạt – TTXVN

Xã Quang Hán từ lâu đã nổi tiếng với nghề trồng quýt đặc sản. Quýt Quang Hán nổi danh với chất lượng cực phẩm, quả nhỏ, tròn, khi chín có màu vàng đỏ đẹp mắt, mùi rất thơm, vị ngọt thanh nên người người tiêu dùng rất ưa thích. Hàng năm, vào mùa quýt chín, thương lái khắp nơi đổ về mua bán nhộn nhịp.

Nhiều thương lái từ Trung Quốc đến đặt mua cả vườn để mang về nước họ. Nghề trồng quýt đã có từ khoảng 20 năm trở lại đây, mang lại rất nhiều giá trị kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm cho bà con vùng biên giới này. Một số hộ năng động, mỗi năm thu vài trăm triệu, thậm chí gần 1 tỷ đồng từ tiền bán quýt. Nhận được sự ủng hộ, khuyến khích của chính quyền địa phương, diện tích trồng quýt của xã Quang Hán đã tăng lên hơn 80 ha năm 2020.

Thế nhưng từ 2 năm trở lại đây, vườn quýt ở Quang Hán thiệt hại nặng nề. Theo báo cáo của UBND xã Quang Hán, toàn xã đã có 209 vườn cây cam, quýt bị chết do sâu bệnh. Nhiều vườn đã phải chặt bỏ hết cây. Hiện nay, toàn xã chỉ còn khoảng 25 ha cây quýt. Ngay cả khi những cây quýt bệnh bị chặt bỏ, những cây mới trồng cũng bệnh, chết nên việc trồng mới cũng không thể bù đắp nổi những diện tích quýt thiệt hại của người dân.

Người trồng quýt đặc sản ở Cao Bằng lao đao vì cây chết ảnh 3Những vườn quýt ở Quang Hán (Trùng Khánh, Cao Bằng) bị người dân chặt bỏ, chuyển sang trồng ngô và khoai lang. Ảnh: Quốc Đạt – TTXVN

Theo ông Hà Minh Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Trùng Khánh, trước tình hình dịch bệnh trên cây quýt ở xã Quang Hán, UBND huyện đã cử nhiều đoàn cán bộ, kỹ sư nông nghiệp đến tìm hiểu, nghiên cứu phương án cứu chữa trị bệnh cho cây. Qua các mẫu phân tích cho thấy những cây quýt ở Quang Hán đang bị dịch bệnh vàng lá, thối rễ (bệnh Greening).

Đây là loại bệnh rất nguy hiểm thường xuất hiện trên các loại cây ăn quả có múi như cam, chanh, quýt, bưởi và chưa có thuốc đặc trị. Nếu cây trồng đã mắc bệnh này, chỉ có thể nhanh chóng chặt bỏ, tiêu hủy để không lây lan ra các cây khác. Đối với những vùng đất đã nhiễm bệnh thì nên chuyển sang trồng loại cây khác cho đất phục hồi, sau 3- 4 năm mới có thể trồng lại cây ăn quả có múi.

Người trồng quýt đặc sản ở Cao Bằng lao đao vì cây chết ảnh 4Những cây quýt bị bệnh thối rẽ, vàng lá ở xã Quang Hán bị chặt bỏ. Ảnh: Quốc Đạt – TTXVN

Việc cây quýt ở Quang Hán mắc bệnh là rất khó tránh khỏi bởi quy trình sinh trưởng của cây quýt chiết, ghép chỉ có tuổi đời 10 - 12 năm. Hiện nay, đa phần quýt ở Quang Hán đã trồng trên 10 năm, cây đã già, cỗi, suy giảm sức đề kháng nên rất dễ nhiễm bệnh và chết. Mặt khác, theo quy luật sinh trưởng thì quýt thường ra hoa vào mùa xuân, quả chín và cho thu hoạch vào cuối thu, đầu đông.

Theo đó, đến khoảng tháng 12, nông dân phải hoàn tất khâu thu hoạch, cắt tỉa cành, bón phân cho cây phục hồi để chuẩn bị ra hoa vụ tiếp. Nhưng bà con nông dân lại cố che bạt, giữ quýt đến tận mùa xuân, đến tết bán mới được giá cao, do vậy ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của cây.

Người trồng quýt đặc sản ở Cao Bằng lao đao vì cây chết ảnh 5Những vườn quýt sai trái trĩu cành năm xưa giờ chỉ còn lại là khu vườn hoang mọc đầy cỏ dại ở xóm Bản Niếng, xã Quang Hán. Ảnh: Quốc Đạt – TTXVN

Trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, Phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã chỉ đạo nông dân khẩn trương chặt bỏ những cây nhiễm bệnh, nhanh chóng chuyển đổi cây trồng khác để giảm thiểu thiệt hại. Ở những khu vực chưa có dịch bệnh, cần thực hiện tốt việc chăm bón, cắt tỉa cành lá, vệ sinh môi trường để đảm bảo sức khỏe cho cây.

Quốc Đạt

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm