Người dân bản Nậm Xả, xã Bum Tở, huyện Mường Tè, phát cỏ gianh tạo đường băng phòng cháy chữa cháy bảo vệ rừng. Ảnh: Quý Trung - TTXVN |
Ông Vàng Lỳ Sơn, Chủ tịch UBND xã Bum Tở, huyện Mường Tè tỉnh Lai Châu cho biết, xã Bum Tở có 9 bản, với tổng dân số gần 2.500 người, trong đó trên 90% là người dân tộc La Hủ. Năm 2017, các hộ dân trong xã đã được nhận gần 4 tỷ đồng từ tiền dịch vụ môi trường rừng; theo tính toán của các cơ quan chuyên môn, số tiền này sẽ được nhân lên gấp đôi vào năm 2018. Đây là nguồn thu nhập ổn định bền vững của bà con. Xác định nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng có ý nghĩa quan trọng, UBND xã Bum Tở đã thành lập đội cơ động bảo vệ rừng với quân số gần 30 người gồm các lực lượng dân quân, Công an xã, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ. Tất cả các bản đều thành lập đội xung kích bảo vệ rừng và các hộ gia đình đã ký cam kết tham gia đội xung kích bảo vệ rừng. Đội xung kích tại các bản thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát, đánh giá tình hình và sẵn sàng phối hợp với người dân tham gia chữa cháy theo phương châm “4 tại chỗ”. Từ việc cấp ủy, chính quyền xã Bum Tở nhận thức rõ hiệu quả của chính sách dịch vụ môi trường rừng và chủ động triển khai công tác chăm sóc bảo vệ rừng đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong người dân. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, cấp ủy, chính quyền xã đã phối hợp với cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện, cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục người dân về lợi ích của rừng; tổ chức ký kết các quy định bảo vệ rừng gắn với phòng cháy, chữa cháy rừng cho các hộ dân trên địa bàn. Đồng thời, thành lập các đội cơ động, xung kích bảo vệ rừng tại các bản yêu cầu các đôi chủ động phương án, chuẩn bị phương tiện, dụng cụ chữa cháy… Đến bản Nậm Xả, xã Bum Tở những ngày đầu tháng 12 giá lạnh, hình ảnh bà con dân bản đang tập trung phát dọn cỏ, thu dọn thực bì, làm đường băng cản lửa, chúng tôi cảm nhận được ý thức giữ rừng của người dân nơi đây. Anh Vàng Giá Chừ, Trưởng bản Nậm Xả cho biết: Thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, 101 hộ dân của bản đã được các cơ quan chuyên môn của huyện và xã giao đất, giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp để chăm sóc, bảo vệ gần 1.000ha rừng. Người dân đã nhận thức sâu sắc việc giữ gìn, bảo vệ rừng; nhiều năm qua những khu rừng do dân bản quản lý chưa xảy ra cháy rừng. Từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, các hộ dân trong bản đã có nguồn thu nhập ổn định. Năm 2017, trung bình mỗi hộ dân trong bản được chi trả gần 10 triệu đồng. Với nguồn vốn ổn định này, nhiều hộ dân sử dụng hiệu quả để phát triển kinh tế gia đình. Anh Vàng Giá Hừ chia sẻ: “Cuối năm 2016, gia đình được nhận 7 triệu đồng từ tiền dịch vụ môi trường rừng, cộng thêm khoản tiền vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện, tôi mua hai con bò cái sinh sản chăn nuôi dưới tán rừng được giao bảo vệ. Sau hơn 2 năm sinh trưởng tốt, bò sinh sản được 3 con. Gia đình tôi sẽ mua thêm bò, lợn, gà để chăn nuôi”. Có được nguồn thu nhập ổn định từ rừng, ý thức bảo vệ rừng của dân bản đã được nâng lên. Để thực hiện tốt hơn việc chăm sóc và bảo vệ rừng, bản Nậm Xả đã thành lập đội xung kích bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng với sự tham gia của tất các hộ dân trong bản. Các thành viên của đội xung kích thường xuyên tổ chức tuần tra bảo vệ rừng, chủ động các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng. Người La Hủ ở Nậm Xả đã từ bỏ lối sống du canh, du cư, phá rừng làm nương rẫy, đốt rừng để bắt thú. Bà con chỉ làm nương tại những khu vực đã quy hoạch là đất sản xuất. Theo ông Vàng Lỳ Sơn, Chủ tịch UBND xã Bum Tở, người dân được hưởng lợi từ rừng nên đã động viên nhau chung sức, quyết tâm chăm sóc bảo vệ rừng. Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã đem lại niềm tin và nguồn thu nhập ổn định, bền vững cho người dân để đồng bào dân tộc xã Bum Tở nâng cao ý thức giữ rừng.
Việt Hoàng