Đến xã Gung Ré (huyện Di Linh, Lâm Đồng) hôm nay, điều dễ nhận thấy là tất các tuyến đường đến thôn bản, đường vào khu sản xuất đều được mở rộng, cứng hóa mặt đường để có thể đi lại bằng ô tô, xe máy. Nhiều mô hình sản xuất mới được xây dựng và đạt hiệu quả, bộ mặt nông thôn đã đổi thay rõ rệt. Đây là kết quả đạt được trong việc thay đổi tư duy của người dân từ trông chờ ỷ lại sang tự nguyện và đối ứng ở vùng đất có tới 45% là đồng bào dân tộc thiểu số.
Xã Gung Ré nằm trên tuyến Quốc lộ 28 nối tỉnh Lâm Đồng với tỉnh Bình Thuận. Đây là vùng đất vốn rất khó khăn và đói nghèo của huyện Di Linh. Trong 6 thôn của toàn xã với gần 7.000 nhân khẩu thì có 3 thôn là người đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên. Từ khi Đảng bộ, chính quyền địa phương thực hiện xây dựng nông thôn mới, Gung Ré khởi sắc từ bên ngoài đến chất lượng cuộc sống.
Ông Trịnh Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã cho biết, thành công lớn nhất là nhận thức của bà con đã thay đổi từ trông chờ ỷ lại sang tự nguyện tiếp nhận kiến thức khoa học kỹ thuật để thay đổi phương thức sản xuất và sinh kế; biết tận dụng các nguồn hỗ trợ của Nhà nước để xây dựng nhà, đường giao thông, nhất là các tuyến đường đi vào rẫy, khu vực sản xuất. Từ khi thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, bà con đã tự nguyện hiến 100% đất cùng tài sản, cây cối trên đất và đối ứng hàng tỷ đồng để xây dựng các tuyến đường trên địa bàn. Qua các chương trình hỗ trợ của Nhà nước và người dân đối ứng với tỷ lệ 30-70%, các hộ dân trong xã đã thực hiện tái canh cây cà phê, tăng năng suất từ 2-2,5 tấn/ha lên 3-3,5 tấn/ha; thu nhập tăng từ 38 triệu đồng năm 2021 lên 48 triệu đồng/người/năm hiện nay…
Theo thông tin từ UBND xã Gung Ré, từ năm 2021 đến nay, xã đã hoàn thành xây dựng 19 tuyến đường vào thôn bản với chiều dài 6,8 km. Trong đó kinh phí Nhà nước hỗ trợ 4,9 tỷ đồng, của người dân đóng góp 5,8 tỷ đồng và toàn bộ đất để làm đường đều do bà con tự nguyện hiến. Đặc biệt, 5 tuyến đường vào nương rẫy, khu sản xuất của người dân với chiều dài trên 15 km, kinh phí thực hiện lên tới 6,9 tỷ đồng đều do người dân tự nguyện đóng góp và hiến đất. Từ năm 2022 đến nay, trong 3 thôn đồng bào dân tộc thiểu số có 41 hộ khó khăn nhất làm được sân bê tông và hàng rào kiên cố. Nhà nước hỗ trợ mỗi gia đình 10 bao xi măng, còn lại các hộ bỏ tiền và công sức để tự làm.
Ông Ka Keo, Bí thư Chi bộ thôn Hàng Làng chia sẻ, thôn có 348 hộ với 1.752 nhân khẩu, hầu hết là đồng bào dân tộc K’Ho. Từ khi chính quyền vận động nhân dân xây dựng nông thôn mới, thôn đã có nhiều đổi thay rõ rệt. Bà con rất nhiệt tình tham gia hiến đất và đóng góp làm đường, vệ sinh môi trường, trồng cây xanh. Mới đây nhất là việc làm đường dài 1 km đi qua 30 hộ dân. Bà con đã hiến 100% đất và tài sản, cây trồng trên đất để mở rộng đường đủ cho xe tải đi được; tình nguyện đóng góp 30% kinh phí làm đường và thay nhau bỏ công giám sát việc thi công. Trong thôn cũng có hơn 40 hộ tham gia quản lý bảo vệ rừng. Trước đó, thôn đã tổ chức cuộc họp, bình chọn các hộ nghèo nhất để đề nghị chính quyền giao cho các hộ này quản lý, bảo vệ rừng nhằm tăng thêm thu nhập. Để làm được điều này, từ nhiều năm qua, các đảng viên trong Chi bộ thường xuyên vận động bà con thay đổi nhận thức từ trông chờ ỷ lại vào Nhà nước sang tự mình vận động, tận dụng sự hỗ trợ của Nhà nước và nguồn lực của chính mình để lao động sản xuất.
Từ một trong những xã khó khăn nhất của huyện Di Linh, tới năm 2016, Gung Ré đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Nhiều con số đạt được khá ấn tượng như tổng thu ngân sách trên địa bàn từ 5,4 tỷ đồng năm 2020 tăng lên gấp 2 lần, đạt hơn 11 tỷ đồng trong năm 2022; thu nhập bình quân đầu người đạt 48 triệu đồng; diện tích cây trồng chủ động nước tưới đạt 90%; 95% rác thải được thu gom; số hộ nghèo giảm xuống còn 82/1.640 hộ, bằng 5%... Nhiều hộ từ chỗ chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ nay đã chuyển sang chăn nuôi tập trung với các mô hình nuôi chim yến, chim cút đẻ trứng, cá tầm…
Để đạt được kết quả này, Đảng bộ, chính quyền xã đã tuyên truyền, vận động thành công việc thay đổi tư tưởng ỷ lại vào Nhà nước sang tự mình phấn đấu vươn lên thoát nghèo trong suy nghĩ cố hữu của hàng ngàn hộ dân vùng đất này. Trong đó phải kể đến phong trào “Ngày thứ Bảy vì dân” hay còn gọi là “Ngày thứ Bảy nông thôn mới”. Cứ tới thứ Bảy, toàn bộ cán bộ công chức, viên chức xã và từ các phòng ban của huyện xuống thôn bản, hỗ trợ đồng bào dọn vệ sinh; xây dựng, sửa chữa nhà cửa, sân vườn; hướng dẫn bà con ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất… Hiện tại xã Gung Ré đang hoàn thiện các tiêu chí đã đạt được theo chuẩn nông thôn mới. Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025 phấn đấu đưa Gung Ré đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2025.
Chu Quốc Hùng