Người Cill giữ rừng

Người Cill giữ rừng
Giữ bình yên rừng Langbiang
Trong bảng lảng sương khói Langbiang, hình ảnh nhóm người đi tuần tra rừng lọt thỏm giữa đại ngàn. Rừng mùa này hanh khô. Những ngọn cỏ bạc phếch vì nắng gió cao nguyên. Bắt đầu tuần tra rừng khi trời còn chưa sáng rõ đến lúc mặt trời lên thẳng đỉnh đầu, nhóm bảo vệ rừng của “thủ lĩnh” Kon Sơ Ha Pấc (xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương) mới dừng lại nghỉ chân. 
Một trại dã chiến được lập ngay dưới tán rừng thông trên địa bàn xã Đạ Nhim. Hơn chục người cả nam và nữ trong nhóm tuần tra ngồi bệt xuống nền cỏ, vội lấy những hộp cơm đem theo sẵn để giải quyết cơn đói sau nhiều tiếng đồng hồ đi rừng. Giữa ngàn thông reo vi vu, trưởng nhóm Kon Sơ Ha Pấc vui mừng thông báo: “Từ lúc nhận khoán bảo vệ rừng đến nay, nhóm của mình chưa để xảy ra vụ chặt hạ gỗ hay cháy rừng nào. Sang năm mới này, cả nhóm cũng đặt ra quyết tâm giữ vững thành tích này để được nhận khen thưởng của Ban quản lý Vườn cho phấn khởi”.
 
Đoàn lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà trong dịp đầu năm mới 2016.
Đoàn lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng kiểm tra công tác quản lý, bảo vệ rừng
tại Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà trong dịp đầu năm mới 2016.
Nhóm của ông Kon Sơ Ha Pấc gồm 13 hộ sống trong buôn làng Đạ Nhim. Từ năm 2014 đến nay, họ “hợp đồng” với Ban quản lý Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà (thuộc vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển Langbiang vừa được thế giới công nhận trong năm 2015) bảo vệ gần 300ha rừng. Công việc thường xuyên của nhóm là đi kiểm tra nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng cũng như xử lý thực bì, phòng chống cháy rừng. “Nhóm của mình còn phân công nhau phối hợp với lực lượng kiểm lâm theo dõi, ngăn chặn được nhiều vụ phá rừng tại các khu vực giáp ranh với tỉnh Khánh Hòa, đặc biệt, trong thời gian qua, đã bảo vệ được những cây pơ mu quý trong khu vực rừng được giao khoán” - Ha Pấc thổ lộ.
Cũng như xã Đạ Nhim, mấy chục năm trước, cộng đồng người Cill trong các xã Đạ Sar, Đạ Chais, xã Lát... sống nhờ vào khai thác sản vật của người mẹ rừng xanh. Ngày nay, khi nhận thức được tầm quan trọng của rừng. Họ đã chủ động nhận quản lý bảo vệ rừng và nhận tiền lương được chi trả hàng năm. Từ đó, giúp họ có thêm nguồn thu nhập ổn định trang trải cho cuộc sống sinh hoạt, cũng là sống nhờ rừng nhưng lại theo một phương pháp khác. 
Mấy năm qua, mỗi quý, gia đình ông Ha Quyn (xã Đạ Sar, Lạc Dương) vẫn đều đặn nhận “lương” từ công việc bảo vệ rừng. Trung bình mỗi quý được khoảng 3 triệu đồng. Chính từ nguồn thu nhập ổn định này đã giúp gia đình Ha Quyn ngày càng quyết tâm bám rừng và bảo vệ rừng. “Không chỉ trong gia đình mình mà bà con trong buôn làng đã thay đổi nhận thức nhiều rồi, không còn phá rừng làm rẫy hay lấy cây gỗ nữa mà nhận bảo vệ rừng. Vừa không vi phạm pháp luật, vừa có thêm nguồn thu nhập ổn định hàng năm” - Ha Quyn tâm sự.
Số vụ phá rừng thấp nhất cả nước
Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà có diện tích hơn 70.000ha, là vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển Langbiang. Đây được coi là trung tâm sinh học đa dạng của cả nước với nhiều loài động, thực vật có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ IUCN. Hiện nay, với trên 50.000ha rừng được giao cho cộng đồng nhận khoán bảo vệ, Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà đã xây dựng được mạng lưới 120 nhóm nhỏ từ cộng đồng thực hiện nhận khoán bảo vệ rừng. Số người dân hưởng lợi từ việc “hợp đồng” giữ rừng đến nay là 1.480 hộ, trong đó, đa phần là người dân tộc bản địa và được chia thành nhiều nhóm nhỏ. Từng vùng rừng trên đỉnh Hòn Giao, K’Long - K’Lanh, Đạ Sar hay Đạ Chais... đều được bố trí các nhóm canh giữ rừng. Tất cả đã tạo thành một mạng lưới vững chắc, nắm bắt bất cứ động tĩnh bất thường nào xảy ra trong khu vực. 
Nhờ dựa vào người dân và cộng đồng, trong những năm qua, tình hình vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng tại Bidoup - Núi Bà đã giảm xuống rõ rệt. Liên tục trong mấy năm vừa qua, số vụ vi phạm được phát hiện chỉ ở mức trên dưới 30 vụ/năm. Đặc biệt, trong cả dịp Tết Nguyên đán 2016 vừa qua, toàn khu vực không để xảy ra vụ cháy rừng hay vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng nào. 
Giám đốc Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà Lê Văn Hương đánh giá, chính người dân và cộng đồng trong khu vực đã trở thành lực lượng nòng cốt để bảo vệ rừng nên trong những năm qua, công tác quản lý bảo vệ rừng của Bidoup - Núi Bà luôn được đảm bảo và hiện là một trong những đơn vị có số vụ phá rừng thấp nhất cả nước. “Để tăng thêm hiệu quả cho công tác bảo vệ rừng, hàng tuần chúng tôi còn tổ chức lực lượng kiểm lâm của Vườn phối hợp cùng các nhóm nhận khoán bảo vệ triển khai tuần tra, canh gác nhất là tại các điểm nóng về phá rừng hoặc các khu vực có nhiều loại lâm sản quý hiếm, cần được bảo vệ nghiêm ngặt” - ông Hương cho biết thêm.
Mùa khô năm 2016 chuẩn bị vào cao điểm, phương án phối hợp phòng cháy chữa cháy rừng trong vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển Langbiang đã được chuẩn bị kỹ càng. Những nhóm cư dân người Cill đã chuẩn bị hành trang sẵn sàng để cùng lực lượng kiểm lâm giữ bình yên cho những vùng rừng giáp ranh với Khánh Hòa, Đắk Lắk, Ninh Thuận hay những điểm nóng có nguy cơ xảy ra cháy rừng, phá rừng. Qua đó, góp phần giữ lại màu xanh cho cánh rừng trong Khu Dự trữ sinh quyển Langbiang.
Báo Lâm Đồng

Có thể bạn quan tâm