Sau Tết Nguyên đán, ngư dân vùng ven biển Bạc Liêu trúng đậm mùa ruốc, được mùa và được cả giá bán, khiến ai nấy cũng đều phấn khởi. Mỗi ngày, tại các cửa biển lớn của tỉnh, những chiếc tàu cứ nối đuôi nhau ra vào để đánh bắt ruốc, góp phần mang lại nguồn thu nhập lớn cho ngư dân và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.
Nhiều ngư dân cho hay, trong những năm gần đây, ruốc có nhiều ở vùng ven biển của tỉnh Bạc Liêu nên ngư dân đẩy mạnh việc khai thác ruốc, thu nhập cũng vì thế mà tăng lên. Trung bình mỗi tàu nhỏ có thể đánh bắt được khoảng 300-400 kg/ngày, giá thu mua của thương lái dao động từ 12.000-15.000 đồng trên mỗi kg cho ruốc tươi và từ 48.000-50.000 đồng cho mỗi ký ruốc khô, mỗi tàu đánh bắt cho thể mang đến thu nhập từ 7-10 triệu đồng/ngày.
Mỗi năm ngư dân Bạc Liêu được hai mùa ruốc, mỗi mùa kéo dài khoảng 3 tháng, giá cả ổn định và tiêu thụ ổn định, ngư dân ven biển Bạc Liêu có được nguồn thu nhập ổn định từ việc khai thác ruốc biển.
Anh Nguyễn Tấn Bá ở phường Nhà Mát (thành phố Bạc Liêu) cho biết, với sản lượng và giá cả như hiện tại, các chủ tàu khai thác con ruốc có thu nhập ổn định. So với nhiều năm trước, sản lượng khai thác con ruốc những năm gần đây tăng lên, kích cỡ ruốc cũng lớn hơn, chất lượng cũng tăng cao nên giá bán cũng cao hơn, thu nhập cũng tăng theo.
Anh Thạch Mol, một hộ dân ở phường Nhà Mát (thành phố Bạc Liêu) cho biết, hàng năm gia đình có được công việc và nguồn thu nhập ổn định nhờ việc làm công nhật vào mùa ruốc. Cả nhà có 5 người, ai làm việc nấy, vợ và con gái thì phụ việc phơi ruốc, kiếm được chừng 400.000 đồng mỗi ngày. Còn ba cha con thì phụ khiêng vác ruốc từ ghe lên bờ, mỗi ngày cũng kiếm được thu nhập trên cả triệu đồng. Một mùa ruốc thì kéo dài vài tháng nên dù có mệt nhưng thu nhập trong gia đình luôn đảm bảo.
Chị Nguyễn Thị Bé Hai, một ngư dân ở cửa biển Cái Cùng (huyện Hòa Bình) chia sẻ, mấy năm nay thời tiết thuận nên ruốc nhiều, chủ tàu làm nghề khai thác ruốc cũng vì thế khấm khá hơn. Điều làm nhiều ngư dân phấn khởi hơn, năm nay con ruốc trúng mùa, giá bán được cao. Phần lớn lượng ruốc sau khi đánh bắt ngư dân đều đem phơi để bán ruốc khô, bởi vừa có giá, phần nữa dễ tiêu thụ hơn ruốc tươi. Mỗi mùa ruốc được trúng đậm thì ngư dân sống khỏe, giá bán được cao thì càng thêm phấn khởi.
Theo chia sẻ của nhiều ngư dân, cùng với những thuận thì cái khó hiện nay vẫn là sân phơi ruốc. Mùa nắng thì không lo, chỉ lo về mùa mưa do ruốc tươi phải phơi tầm tiếng mới khô. Mùa mưa thì sản lượng khai thác ruốc lại tương đối lớn, dẫn đến việc thiếu sân phơi. Những lúc tàu cập bến nhiều, mà trời mưa thì phải "chờ".
Tỉnh Bạc Liêu có 3 cửa biển lớn gồm Nhà Mát (thành phố Bạc Liêu), Gành Hào (huyện Đông Hải) và Cái Cùng (huyện Hòa Bình), với ngư trường rộng hơn 20.000 km2 và hơn 1.200 phương tiện khai thác, đánh bắt trên biển. Riêng phương tiện khai thác đánh bắt con ruốc có trên 100 tàu, giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Tỉnh Bạc Liêu được đánh giá một trong những địa phương dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về xuất khẩu ruốc, nên giá ruốc xuất khẩu cũng thường cao hơn các tỉnh khác. Trong những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của các cấp ngành tỉnh Bạc Liêu trong việc cải thiện môi trường biển, đẩy mạnh việc liên kết sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước…Từ đó, góp phần giúp cho nguồn ruốc tự nhiên tăng lên, giá cả ổn định, đầu ra đảm bảo cùng với sản lượng ruốc tăng, giúp ngư dân Bạc Liêu ổn định đời sống kinh tế.
Chanh Đa