Ngư dân Quảng Bình kiên trì chờ thời tiết thuận lợi để các chuyến đi biển cuối năm hiệu quả cao

Ngư dân Quảng Bình kiên trì chờ thời tiết thuận lợi để các chuyến đi biển cuối năm hiệu quả cao
Tại khu neo đậu tàu thuyền Sông Gianh (ở xã Bắc Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), hàng trăm con tàu lớn nhỏ vẫn ken cứng tại bến đậu.
Các tàu cá của ngư dân xã Bảo Ninh (TP Ðồng Hới, Quảng Bình) vươn khơi khai thác hải sản. Nguồn ảnh: nhandan.com.vn
Các tàu cá của ngư dân xã Bảo Ninh (TP Ðồng Hới, Quảng Bình) vươn khơi khai thác hải sản. Nguồn ảnh: nhandan.com.vn

Theo nhiều ngư dân tại âu thuyền cho biết, thời điểm này cách đây vài tháng, âu thuyền lúc nào cũng nhộn nhịp cảnh người bốc xếp hàng hóa, dầu, đá lạnh; tiếng nói cười  rộn rã cả một vùng.

Nhưng khoảng hai tháng qua, thời tiết diễn biến thất thường, biển động liên tục, rét đậm xuất hiện và kéo dài khiến ngư dân lo lắng vì tàu thuyền không thể ra khơi đánh bắt thủy hải sản, trong khi Tết Nguyên đán Mậu Tuất đang cận kề. Đây cũng là thời điểm người tiêu dùng có nhu cầu cao về thực phẩm từ nguồn thủy hải sản nên bán rất được giá, doanh thu cao.

Con tàu lớn cùng các thiết bị, ngư lưới cụ hiện đại, có tổng mức đầu tư hơn 4 tỷ đồng của ngư dân Võ Văn Long ở xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình) đã  gần 2 tháng qua không thể ra khơi. Theo anh Long, trước mỗi chuyến đi biển dài ngày, tàu của anh thường mua đầy đủ các nhu yếu phẩm cần thiết, với hơn 10.000 lít dầu, gần 500 cây đá lạnh, hàng trăn thùng nước uống, gạo, mì tôm… Nhưng  do thời tiết không thuận lợi, nên tàu phải neo lại âu thuyền, nhà ở xa nên phải thuê người trông nom tàu, các chi phí phát sinh phải chi trả khá nhiều. Chủ tàu Võ Văn Long và cả 7 bạn thuyền đang mong chờ thời tiết thuận lợi để sẵn sàng vươn khơi bám biển.

“Lăn lộn biển trời cả năm nhưng ngư dân chúng tôi vẫn đặt nhiều kỳ vọng vào chuyến biển cuối năm gặp nhiều thuận lợi, đi biển trúng lớn để thuyền viên có thu nhập cao, đón Tết cổ truyền đủ đầy hơn. Hy vọng, ít ngày nữa, trời yên biển lặng để chúng tôi nhanh chóng khởi hành”, chủ tàu Võ Văn Long cho biết thêm.

Ngư dân Lê Văn Thí ở thôn Đức Trung, xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch hiện sở hữu con tàu công suất trên 800CV, được đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ. Anh Thí chia sẻ: Năm 2016, được sự hỗ trợ và tạo điều kiện của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương, gia đình mạnh dạn vay mượn đầu tư gần 12 tỷ đồng để đóng mới tàu cá công suất lớn với mong muốn phát huy nghề nghiệp ông cha, vươn khơi ra các ngư trường lớn tham gia khai thác thủy hải sản xa bờ, vừa góp sức bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Sau hơn 1 năm hạ thủy, tàu đã có hàng chục chuyến biển dài ngày, khai thác tại các ngư trường lớn như Hoàng Sa, vùng biển Vịnh Bắc bộ, Đà Nẵng, Quảng Ninh…, giải quyết việc làm cho 8 lao động địa phương. Bình quân mỗi chuyến biến kéo dài khoảng 15-20 ngày, doanh thu trung bình đạt 250 triệu/chuyến; thuyền viên có mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng/chuyến/người.

Anh Lê Văn Thí bộc bạch: Người dân xã biển Đức Trạch thu nhập phụ thuộc hoàn toàn vào biển. Những ngày qua, biển động và rét đậm dài ngày, tàu không thể ra khơi nên ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống cũng như hoạt động sản xuất của ngư dân. Riêng với tàu cá của gia đình anh, với hơn 7 tỷ vay mượn để đóng mới tàu cá, mỗi tháng phải chi trả tiền lãi gần 20 triệu đồng. Biển động khiến tàu cá không thể ra khơi, thu nhập  lâm vào cảnh bấp bênh nên việc chi trả các khoản gặp nhiều khó khăn hơn.

Tàu thuyền nằm bờ khiến các cơ sở sản xuất kinh doanh đá lạnh và dịch vụ hậu cần nghề cá cũng ảm đạm theo. Theo chủ cơ sở sản xuất và cung cấp đá lạnh Nguyễn Tiến Việt ở xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, bình thường cơ sở sản xuất chủ yếu phục vụ cho các tàu thuyền đánh bắt xa bờ và nghề lộng. Trung bình mỗi chuyến biển, các tàu cá thường lấy từ 100-700 cây đá lạnh với giá 16.000 đồng-18.000 đồng/cây.

Vào lúc cao điểm phục vụ nhu cầu vươn khơi của ngư dân quanh vùng, trong kho luôn chuẩn bị sẵn sàng từ 1.500-2.000 cây đá lạnh. Tuy nhiên, hơn hai tháng nay, thời tiết không thuận lợi nên tàu cá đều nằm bờ, việc sản xuất đá lạnh cũng gặp khó khăn. “Mong rằng trời yên biển lặng, thời tiết ấm hơn để ngư dân có thể ra khơi và chúng tôi cũng bán được hàng thuận lợi”, chủ cơ sở sản xuất và cung cấp đá lạnh Nguyễn Tiến Việt cho biết thêm.

Đến thời điểm giữa tháng 1/2018, thời tiết ở Quảng Bình vẫn còn mưa rải rác nhưng đã có dấu hiệu ấm hơn. Tranh thủ thời gian nghỉ biển, nhiều ngư dân đã mua sắm, chuẩn bị các nhu yếu phẩm, lương thực, hàng hóa cần thiết, kiểm tra cẩn thận về máy móc và ngư lưới cụ…, chờ biển lặng và thời tiết khô ấm là sẵn sàng vươn khơi.

Một mùa xuân mới sắp về, những ngư dân ở các làng biển Quảng Bình vẫn luôn vững niềm tin và hy vọng, mong trời yên biển lặng để có những chuyến biển đầy ắp cá tôm, mang lại thu nhập ổn định, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Võ Dung 

Có thể bạn quan tâm