Nếu ai đã từng đến Di tích lịch sử quốc gia Khu kháng chiến Hạ Lào và Phòng Biên chính miền Nam Trung Bộ ở khu phố Thạnh Đức, thị trấn Phú Thịnh, huyện Phú Ninh (Quảng Nam) mà nay có dịp thăm lại thì sẽ rất ngạc nhiên trước sự khởi sắc của vùng đất anh hùng này. Cảnh vật nơi đây đã đổi thay, khác xa so với trước. Nhà cửa, đường xá, các công trình phúc lợi đã được xây dựng, đáp ứng cơ bản nhu cầu phát triển của người dân trong thời kỳ công nghệ hóa, hiện đại hóa…
Chia sẻ với phóng viên, một số người cao tuổi của khu phố Thạnh Đức tâm sự: “Người dân chúng tôi rất tự hào khi khối phố Thạnh Đức của mình trước đây là Khu kháng chiến Hạ Lào đã giúp đất nước bạn Lào giải phóng quê hương, góp phần giải phóng 3 nước Đông Dương trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Để phát huy hơn nữa tinh thần hữu nghị của 2 dân tộc, trong cuộc sống hàng ngày, chúng tôi luôn khuyên bảo con cháu gắng chuyên tâm học tập, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, tô thắm thêm tinh thần cách mạng của quê hương, xây đắp tình hữu nghị tốt đẹp với nước bạn Lào anh em. Chúng tôi luôn xem việc bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử của khu di tích là trách nhiệm của người dân khu phố để vun đắp thêm tình hữu nghị quốc tế giữa 2 dân tộc Việt - Lào anh em”.
Kể từ khi được thành lập đến nay, Khu kháng chiến hạ Lào và Phòng Biên chính miền Nam Trung Bộ luôn là địa chỉ đỏ về tình đoàn kết keo sơn, nghĩa tỉnh trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thiêng để các thế hệ của 2 đất nước Việt Nam - Lào đến tham quan, học tập, cùng nhau sát cánh, phát huy hơn nữa tình hữu nghị, hỗ trợ nhau trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời đại mới.
Theo nhiều tài liệu ghi lại, vào năm 1948, Chính phủ kháng chiến Lào đề nghị Việt Nam giúp Lào xây dựng, phát triển phong trào kháng chiến chống Pháp trên chiến trường Hạ Lào. Ngay sau đó, đồng chí Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phủ Việt Nam đã ký quyết định thành lập Khu đặc biệt Hạ Lào và cử đơn vị tình nguyện quân Việt Nam sang giúp nước bạn kháng chiến chống Pháp.
Đầu năm 1949, Chính phủ kháng chiến Lào giao cho đồng chí Khamtai Siphandon cùng một đoàn công tác mang theo công hàm của hoàng thân Xuphanouvong vào Khu ủy Khu V đề nghị Chính phủ ta giúp bạn thành lập Khu kháng chiến Hạ Lào làm nhiệm vụ hậu phương, nơi tiếp nhận và viện trợ vũ khí, lương thực, quân trang, quân dụng, các nhu yếu phẩm khác cho bộ đội Hạ Lào.
Qua hội đàm với phái đoàn bạn, đại diện Chính phủ Việt Nam tại Nam Trung Bộ quyết định giải thể Khu đặc biệt và thành lập Khu kháng chiến Hạ Lào tại Quảng Nam. Thôn Thạnh Đức, xã Tam Dân (nay là thị trấn Phú Thịnh, huyện Phú Ninh) được chọn làm căn cứ đứng chân của Khu kháng chiến. Căn cứ được xây dựng trong khu vườn đồi rộng khoảng 5 ha tại nhà ông Nguyễn Soạn (còn gọi là Xã Thám), một địa chủ giàu có và có tinh thần yêu nước. Toàn bộ khu vườn được bao bọc bởi lũy tre dày và dòng suối Cái (Trà Thai) bao quanh, tạo một địa thế bí mật, an toàn, chỉ có một lối vào từ hướng Nam với sự canh phòng cẩn mật của cảnh vệ.
Từ cuối năm 1949, liên quân Việt - Lào bắt đầu triển khai hoạt động chiến tranh, dân vận, xây dựng căn cứ sâu rộng tại vùng Hạ Lào, liên tiếp thu được thắng lợi giòn giã tại nhiều nơi như cánh đồng Chum, cao nguyên Bô-lô-ven, tỉnh Sê Kông, tỉnh Chăm-pa-sắc…
Để tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức đến tham quan, học tập ở di tích lịch sử Khu kháng chiến Hạ Lào và Phòng Biên chính miền Nam Trung Bộ, thời gian qua, Ủy ban nhân dân huyện Phú Ninh đã xây dựng Nhà đón tiếp trên khuôn viên rộng khoảng 300 m2, trưng bày các tài liệu liên quan đến Khu kháng chiến Hạ Lào và phòng Biên chính miền Nam Trung Bộ.
Anh Vũ Văn Luật, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Truyền thông huyện Phú Ninh cho biết: Để bảo tồn và phát huy hơn nữa các giá trị lịch sử của Di tích lịch sử Khu kháng chiến Hạ Lào và Phòng Biên chính miền Nam Trung Bộ; đồng thời xây dựng thêm một sản phẩm du lịch để du khách tham quan, tìm hiểu và hoài niệm khi đến với Quảng Nam, huyện Phú Ninh đã có dự án nâng cấp, tôn tạo, bảo tồn và mở rộng Di tích lịch sử quốc gia Khu kháng chiến hạ Lào và Phòng biên chính miền Nam Trung Bộ tại thị trấn Phú Thịnh.
Được thực hiện trên diện tích khoảng 15 ha, dự án sẽ khôi phục lại các di tích gốc, bao gồm: Nhà làm việc, nhà giới thiệu và trưng bày sản phẩm, hệ thống cây xanh, bãi đỗ xe…; di dời các hộ dân trong khuôn viên của các di tích gốc, với mức đầu tư khoảng 100 tỷ đồng. Nếu được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chấp thuận, năm 2024 tới, huyện sẽ triển khai thực hiện, dự kiến đến năm 2026 sẽ hoàn thành dự án.
Chị Võ Thị Thương (thành viên Ban quản lý Khu di tích lịch sử quốc gia Khu kháng chiến Hạ Lào và Phòng Biên chính miền Nam Trung Bộ) cho biết, bình quân mỗi năm có khoảng 4.000 - 5.000 du khách trong và ngoài nước đến tham quan, học tập tại di tích lịch sử này.
Trịnh Bang Nhiệm