Nghệ thuật trình diễn dân gian "Múa đèn xếp chữ và hát chèo chải cổ" trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Sáng 20/2, tại xã Thiệu Quang, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã diễn ra Lễ đón Chứng nhận Nghệ thuật trình diễn dân gian "Múa đèn xếp chữ và hát chèo chải cổ" trong lễ hội Ngư Võng Phường là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây sẽ là động lực để người dân nơi đây tiếp tục gìn giữ, bảo tồn di sản của cha ông.

vna_potal_trinh_dien_dan_gian_mua_den_chay_chu_va_hat_cheo_chai_co_duoc_cong_nhan_di_san_van_hoa_phi_vat_the_quoc_gia_7235106.jpg
Ông Nông Quốc Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hoá trao Chứng nhận công nhận Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghệ thuật trình diễn dân gian "Múa đèn chạy chữ và hát chèo chải cổ" cho chính quyền và người dân làng Nhân Cao, xã Thiệu Quang và huyện Thiệu Hóa. Ảnh: Hoa Mai - TTXVN

Nghệ thuật “Múa đèn xếp chữ và hát chèo chải cổ” gồm 8 tiết mục trong đó có 3 tiết mục hát, múa chèo chải cổ; 5 tiết mục hát múa đèn xếp chữ với nội dung ca ngợi công ơn Đức Thánh cả, Thành hoàng làng cũng như ước mong của người dân về một cuộc sống ấm no, bình an, hạnh phúc. Thông qua lễ hội Ngư Võng Phường và thực hành “Múa đèn xếp chữ, hát chèo chải cổ” nhiều giá trị khoa học, lịch sử, văn hóa được trao truyền cho các thế hệ nối tiếp góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa cổ truyền của cộng đồng làng Nhân Cao nói riêng và văn hóa Xứ Thanh nói chung.

vna_potal_trinh_dien_dan_gian_mua_den_chay_chu_va_hat_cheo_chai_co_duoc_cong_nhan_di_san_van_hoa_phi_vat_the_quoc_gia_7235094.jpg
Trao Bằng khen của Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa cho Nghệ nhân ưu tú Đàm Văn Sừ và Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Thủy. Ảnh: Hoa Mai - TTXVN

Nhận thức được tầm quan trọng của giá trị di sản văn hóa phi vật thể, đồng thời để bảo tồn, phát huy giá trị di sản “Múa đèn xếp chữ và hát chèo chải cổ”, thời gian qua, huyện Thiệu Hóa đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời phối hợp với các cấp, ngành lập hồ sơ khoa học đề nghị công nhận nghệ thuật trình diễn dân gian này là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

vna_potal_trinh_dien_dan_gian_mua_den_chay_chu_va_hat_cheo_chai_co_duoc_cong_nhan_di_san_van_hoa_phi_vat_the_quoc_gia_7235103.jpg
Đội văn nghệ múa đèn chạy chữ làng Nhân Cao biểu diễn tiết mục "Múa đèn xếpy chữ". Ảnh: Hoa Mai - TTXVN

Thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tại buổi lễ, ông Nông Quốc Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa đã trao Chứng nhận Nghệ thuật trình diễn dân gian "Múa đèn xếp chữ và hát chèo chải cổ" là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho chính quyền và người dân làng Nhân Cao, xã Thiệu Quang và huyện Thiệu Hóa.

vna_potal_trinh_dien_dan_gian_mua_den_chay_chu_va_hat_cheo_chai_co_duoc_cong_nhan_di_san_van_hoa_phi_vat_the_quoc_gia_7235099.jpg
Trình diễn tiết mục “Hát và múa chân sào”. Ảnh: Hoa Mai - TTXVN

Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng khẳng định: “Múa đèn xếp chữ và hát chèo chải cổ” là Di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia, do đó, việc gìn giữ và bảo tồn, phát triển di sản này không chỉ là trách nhiệm của các nghệ nhân, người dân trong vùng di sản, mà còn của chính quyền và nhân dân xứ Thanh. Thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa và UBND huyện Thiệu Hóa cần quan tâm, hỗ trợ, hướng dẫn xã Thiệu Quang, nghệ nhân và người dân vùng di sản trong công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa của di sản. Sở quan tâm xây dựng các chương trình quảng bá, giới thiệu bằng nhiều hình thức, nhằm lan tỏa rộng rãi các giá trị của di sản tới nhân dân trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, ngành chức năng tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm, làm sáng tỏ hơn nữa về các giá trị của di sản Nghệ thuật trình diễn dân gian “Múa đèn xếp chữ và hát chèo chải cổ”.

vna_potal_trinh_dien_dan_gian_mua_den_chay_chu_va_hat_cheo_chai_co_duoc_cong_nhan_di_san_van_hoa_phi_vat_the_quoc_gia_7235090.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Hoa Mai - TTXVN

Làng Nhân Cao (còn gọi là làng Ngói) xã Thiệu Quang, huyện Thiệu Hóa, nằm bên hữu ngạn sông Mã được hình thành cách đây khoảng 600 năm. Lịch sử hình thành của Nghệ thuật trình diễn dân gian “Múa đèn xếp chữ và hát chèo chải cổ” bắt đầu từ khi có lễ hội tháng Giêng có tên là “Ngư Võng Phường” của làng Nhân Cao (xã Thiệu Quang). Do bối cảnh lịch sử và chiến tranh, từ năm 1954 đến năm 1976, Nghệ thuật này bị mai một, đứt quãng, đến năm 1977 mới được các nhà nghiên cứu văn hóa trong tỉnh và Trung ương cùng các nghệ nhân trong làng sưu tầm khôi phục, được hoạt động trở lại.

Thành thông lệ, Lễ hội Ngư Võng Phường được tổ chức vào ngày 8 đến 12 tháng Giêng hằng năm với nhiều hoạt động đặc sắc, trong đó ngày 12 tháng Giêng sẽ là ngày chính lễ, chính hội. Sau khi kết thúc các hoạt động tế lễ, người dân sẽ bước vào Lễ hội Ngư Võng Phường với các điệu múa đèn chạy chữ và hát chèo chải cổ để bày tỏ sự thành kính, biết ơn đến các vị thần linh, tổ nghề, tiền nhân đã bảo vệ, che chở, phù hộ cho người yên, vật thịnh, quốc thái, dân an.

Trong những năm gần đây “Múa đèn xếp chữ và hát chèo chải cổ” đang dần trở thành sản phẩm văn hóa phục vụ phát triển du lịch ở Thanh Hóa, góp phần thu hút khách du lịch thập phương, tạo nguồn thu nhập cho người dân địa phương.

Hoa Mai

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm