Tâm huyết với nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Ê-đê, bà H’Blong Knul ở buôn Ja, xã Ea Trul, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk đã nỗ lực giữ gìn, thổi "lửa" đam mê giữ nghề dệt cho bà con tại địa phương.
Từ nhỏ, bà H’Blong Kul đã được nghe tiếng kẽo kẹt thoi đưa từ khung cửi dệt thổ cẩm của bà, của mẹ. Niềm yêu thích nghề dệt thổ cẩm trong bà H’Blong Knul lớn dần theo năm tháng. Đến năm 10 tuổi, bà H’Blong Knul được mẹ dạy cho cách dệt thổ cẩm, từ đó đến nay bà đã dệt không biết bao nhiêu sản phẩm. Đã gần 50 năm, bà Blong Knul gắn bó với nghề dệt của cha ông.
Trước đây, phụ nữ Ê-đê thường dệt thổ cẩm để may những bộ áo, váy, chăn, tấm choàng… sử dụng trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày và các dịp lễ, Tết.
Sợi dệt cũng do người dân trong buôn tự trồng bông, se sợi, sự độc đáo trên từng miếng thổ cẩm của người Ê-đê là nhờ cách phối hợp màu từ các sợi chỉ được nhuộm từ các loại lá cây, rễ cây rừng.
Người Ê-đê chọn tông màu đen và đỏ sẫm làm màu nền chủ đạo trên thổ cẩm của mình; chủ đề hoa văn cũng được khéo léo lựa chọn là hình ảnh cây, lá, phương tiện, con vật gần gũi với đời sống hàng ngày với mong ước cuộc sống hài hòa với thiên nhiên, nương rẫy, núi rừng và màu đất đỏ bazan nơi người dân sinh sống.
Cuộc sống ngày nay đã khiến nghề dệt thổ cẩm đang bị mai một, nhiều người đã bỏ nghề vì nhu cầu sử dụng thổ cẩm dệt ngày càng ít và không có thị trường tiêu thụ.
Tuy nhiên, bà H'Blong Knul khi nào rảnh rỗi lại ngồi vào khung dệt để giữ nghề. Những tấm vải do bà dệt có hoa văn độc đáo, sắc sảo, có độ khó cao và bà cũng hy vọng tiếng thoi đưa hàng ngày dần dần sẽ thu hút lớp trẻ tiếp nối nghề truyền thống của cha ông.
Bài H’Blong Knul đã dạy nghề dệt cho các con gái và bà con trong buôn làng để cùng nhau giữ gìn và phát triển nghề dệt thổ cẩm trở thành sản phẩm hàng hóa của địa phương.
Bà H’Blong Knul truyền dạy lại nghề dệt cho lớp trẻ trong buôn. Ảnh: Ngọc Đức
Bà H’Blong Knul chia sẻ: Nghề truyền thống thì nhất định phải giữ để sau này dân tộc Ê-đê không mất đi bản sắc Thông thường để dệt nên một tấm thổ cẩm mất khoảng 15 ngày, nhưng giá trị kinh tế bán được không cao và ít người mua, nhưng vì lòng yêu nghề truyền thống, bà vẫn quyết tâm bám với khung cửi, truyền dạy cho con, em ở trong buôn.
Theo ông Nguyễn Ngọc Pháp, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Krông Bông: Ở các ở xã trên địa bàn huyện Krông Bông và đặc biệt là xã Ea Trul thời gian gần đây ngày càng nhiều chị em thế hệ trẻ biết dệt thổ cẩm. Có được điều này là có phần đóng góp của những nghệ nhân như bà H’Blong Knul, đã trực tiếp truyền dạy cho lớp trẻ. Thời gian qua, bà H’Blong Knul đã nhiệt tình hướng dẫn và truyền dạy cho hơn 100 phụ nữ tại các xã biết dệt thổ cẩm thành thạo.
Với nhiệt huyết và sự cố gắng của mình đối với nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Ê-đê, bà H’Blong Knul đang dần thành công trên con đường “ truyền lửa” giữ nghề cho thế hệ trẻ. Năm 2019, bà H’Blong Knul vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” vì đã có cống hiến xuất sắc trong việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.
Hoàng Tâm