Nghề công tác xã hội ở bệnh viện không chỉ là làm từ thiện mà còn là chỗ dựa tinh thần, nơi bệnh nhân gửi gắm niềm tin trong những lúc khó khăn nhất. Đây là nhận định của các đại biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm triển khai Đề án phát triển nghề công tác xã hội trong ngành Y tế do Bộ Y tế tổ chức, diễn ra ngày 18/12 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) cho biết, trong 10 năm qua, nghề công tác xã hội trong bệnh viện đã có sự phát triển vượt bậc. Từ chỉ có một vài bệnh viện có đơn vị công tác xã hội, đến nay, tất cả bệnh viện tuyến Trung ương, 90% bệnh viện tuyến tỉnh và một số bệnh viện tuyến quận/huyện có Phòng Công tác xã hội. Các nhân viên công tác xã hội bệnh viện đã thực hiện tốt vai trò hỗ trợ, giúp đỡ người bệnh và thân nhân người bệnh trong quá trình khám chữa bệnh.
Cụ thể, Phòng Công tác xã hội các bệnh viện đã thành lập tổ hỗ trợ người bệnh, chỉ dẫn tiếp đón, cung cấp thông tin; hướng dẫn thủ tục, quy trình; nắm bắt tình hình sức khỏe tâm lý, hoàn cảnh của người bệnh để xây dựng phương án và tìm nguồn hỗ trợ cho bệnh nhân; hỗ trợ tư vấn pháp lý, quyền lợi, chế độ...
Bên cạnh đó, các hoạt động từ thiện, vận động tiếp nhận tài trợ được các Phòng Công tác xã hội thực hiện tốt. Mỗi năm, hàng chục nghìn suất ăn từ thiện, hàng nghìn phần quà nghĩa tình đã đến với bệnh nhân thông qua các Phòng công tác xã hội. Những hoạt động thiết thực này của đội ngũ công tác xã hội bệnh viện đã giúp cho người bệnh tin tưởng hơn, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Mặc dù đóng vai trò quan trọng, song Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhìn nhận, ở một số bệnh viện, một số nơi vẫn chưa thực sự đánh giá đúng vai trò của đội ngũ công tác xã hội. Vẫn còn tình trạng "cắt gọn", kiêm nhiệm hoặc thậm chí có những đơn vị y tế không có lực lượng công tác xã hội. Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị các đơn vị tập trung hoàn thiện, bổ sung hệ thống hành lang pháp lý cho nghề công tác xã hội trong bệnh viện.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần tăng cường công tác truyền thông để thay đổi nhận thức của các cấp lãnh đạo, nhân viên y tế đến bệnh nhân, thân nhân để biết được vai trò, nhiệm vụ của ngành công tác xã hội là giúp đỡ cho người bệnh, là cầu nối giữa các đơn vị điều trị và bệnh nhân, giúp giải tỏa được những vướng mắc, băn khoăn của các bệnh nhân tỉnh nghèo tham gia điều trị tại các bệnh viện lớn.
Tại Hội nghị, bác sỹ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng, nhiều người quan niệm công tác xã hội là cầu nối để làm từ thiện. Tuy nhiên thực tế, đây là bộ phận chăm lo rất nhiều cả về vật chất và tinh thần cho người bệnh. Đơn cử như tại Bệnh viện Chợ Rẫy, mỗi ngày, Phòng Công tác xã hội của Bệnh viện lo 5.000 suất ăn miễn phí cho bệnh nhân, thường xuyên kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ viện phí, thẻ Bảo hiểm y tế cho người bệnh nghèo.
Đơn vị này còn tổ chức nhiều hoạt động động viên tinh thần của người bệnh như tổ chức định kỳ Ngày Chủ nhật yêu thương, chương trình hỗ trợ bệnh nhân ung thư như: nhạc nhẹ hòa tấu giúp người bệnh thư giãn trong thời gian truyền thuốc, màn hình chiếu phim giải trí, kệ báo, wifi, phục vụ người bệnh nước uống, bánh và trái cây miễn phí với tinh thần phục vụ bệnh nhân như một hành khách hạng sang nhằm xoa dịu tinh thần, xóa nhòa khoảng cách giữa người bệnh và nhân viên y tế...
Đồng tình với quan điểm này, đại diện Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, ngoài hoạt động hỗ trợ bệnh nhân, kêu gọi từ thiện cho người bệnh, đội ngũ công tác xã hội của bệnh viện này còn phát huy tối đa vai trò của mình trong các hoạt động trợ giúp người bệnh bị ảnh hưởng do thiên tai, dịch bệnh. Do đó, cần có một cái nhìn toàn diện hơn về đội ngũ công tác xã hội trong bệnh viện để từ đó có phương hướng phát triển đội ngũ này ngày càng chuyên nghiệp hơn.
Tại Hội nghị, Bộ Y tế đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế tặng 37 tập thể và 40 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Đề án phát triển ngành Công tác xã hội giai đoạn 2011-2020./.
Đinh Hằng