Nghệ An: Triển khai nhiều giải pháp phòng, chống cháy rừng

Mặc dù chưa đến cao điểm nắng nóng, hạn hán, nhưng trên địa bàn tỉnh Nghệ An, hàng nghìn ha rừng thông ở các huyện Nam Đàn, Thanh Chương, Nghi Lộc, Diễn Châu… đang ở cấp độ 2 về nguy cơ cháy rừng.

vna_potal_da_dap_tat_chay_rung_tai_huyen_nam_dan_nghe_an_6828824.jpg
Dập tắt cháy rừng tại huyện Nam Đàn (Nghệ An). Ảnh : TTXVN

Trước dự báo của Tổng cục Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mùa nắng nóng, khô hạn năm 2024 đến sớm hơn bình thường các năm trước, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An đã có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã, Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm và Thủ trưởng các đơn vị chủ rừng trên địa bản tỉnh triển khai ngay hàng loạt biện pháp phòng ngừa, kiểm soát chặt chẽ các nguyên nhân gây cháy rừng.

Theo đó, các đơn vị tiếp tục quán triệt thực hiện các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng theo các văn bản chỉ đạo cấp trên; kiểm tra, rà soát, xây dựng phương án, kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2024 của các đơn vị, chủ rừng. Các đơn vị tổ chức thực hiện có hiệu quả phương án phòng cháy, chữa cháy rừng, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt theo đúng phương châm 4 tại chỗ.

Trong trường hợp cháy rừng xảy ra, Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã phải khẩn trương huy động lực lượng tại chỗ, trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy chữa cháy; nếu xảy ra cháy lớn, vượt khả năng cứu chữa của địa phương, thì huy động lực lượng của các đơn vị quân đội đóng trên địa bàn. Đơn vị cũng sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra cháy rừng.

Ông Nguyễn Quốc Minh, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An cho biết, hiện nay nhiều chủ rừng đang tiến hành phát thực bì phục vụ trồng rừng, vì vậy nguy cơ cháy rừng rất cao. Đơn vị đã yêu cầu các chủ rừng trước khi đốt xử lý thực bì phải chủ động thông báo cho Hạt kiểm lâm sở tại, chính quyền địa phương cấp xã biết để giám sát. Đồng thời, phải bố trí người trông coi, sẵn sàng phương án và lực lượng dập lửa, không để cháy lan vào các khu rừng. Đơn vị cũng yêu cầu các Đội Kiểm lâm cơ động sẵn sàng tiếp nhận thông tin, ứng cứu nếu cháy rừng xảy ra. Trong thời gian nắng nóng, nguy cơ xảy ra cháy rừng cao (từ cấp III trở lên), các Đội Kiểm lâm cơ động sẽ duy trì quân số và trực 24/24 giờ hàng ngày.

Nghệ An hiện có trên 960.000 ha rừng. Dù nguồn kinh phí còn hạn chế, nhưng hiện nay toàn tỉnh vẫn đang duy trì trên 1.900 tổ, đội, quần chúng phòng cháy, chữa cháy rừng tại cơ sở. Khoảng 22.000 thành viên được tham gia tập huấn kiến thức, nghiệp vụ và trang bị công cụ phòng cháy, chữa cháy rừng. Tại các địa bàn có nguy cơ cháy rừng cao, tỉnh đã lắp đặt 9 hệ thống camera giám sát cháy tại các huyện Nam Đàn, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu...

Trước đó, tối 20/2, rừng thông thuộc địa phận xóm Hải Thịnh, xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc cũng đã xảy ra cháy rừng. Tuy nhiên, nhờ phát huy tốt phương châm 4 tại chỗ nên chỉ một thời gian ngắn đám cháy đã được dập tắt, thiệt hại không đáng kể.

Văn Tý

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm