Nghệ An quyết tâm xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo

Với mục tiêu đến hết năm 2025 sẽ xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu và hỗ trợ gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở, nhà xuống cấp, tỉnh Nghệ An phát động Phong trào thi đua "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát”.

vna_potal_nghe_an__ban_giao_nhung_can_nha_dau_tien_trong_“chuong_trinh_ho_tro_xay_dung_nha_cho_nguoi_ngheo_nguoi_co_kho_khan_ve_nha_o”_6631367.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý và đoàn công tác thăm hỏi người dân được nhận nhà hỗ trợ ở xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) tháng 3/2023. Ảnh: TTXVN phát

Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều; tạo tiền đề tập trung thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX.

Để đạt được mục tiêu trên, Nghệ An sẽ huy động, vận động các nguồn lực của Nhà nước, xã hội, doanh nghiệp, nhà hảo tâm để thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn. Trong đó, nguồn lực Nhà nước đóng vai trò chủ đạo, nguồn lực của xã hội là quan trọng với nguyên tắc Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, gia đình tự tổ chức xây dựng nhà ở.

Các cấp, ngành, chính quyền địa phương sẽ công khai, công bằng, minh bạch trong việc bình xét, lựa chọn các gia đình thực sự khó khăn, cần sự hỗ trợ, giúp đỡ; đồng thời, phát huy quyền làm chủ, sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân trong thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Qua đó, ngăn chặn tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong quá trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Việc xây mới hoặc sửa chữa nhà ở cho các hộ dân phải đảm bảo an toàn, có chất lượng, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, phù hợp với điều kiện, đặc điểm, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc, các vùng miền và đúng đối tượng thụ hưởng.

Để phát huy hiệu quả, tỉnh thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện Phong trào thi đua để kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình, tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc và có giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện.

Bà Võ Thị Minh Sinh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An cho biết, Phong trào thi đua "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” của tỉnh Nghệ An thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đồng thời động viên, khích lệ, tạo động lực, truyền cảm hứng cho các tầng lớp nhân dân, nhất là các đối tượng người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Qua đó, củng cố niềm tin vững chắc của nhân dân đối với các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy sức mạnh toàn dân tộc.

Phong trào này cũng tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và toàn xã hội đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu, gia đình người có công gặp khó khăn về nhà ở.

Từ năm 2023 đến nay, Nghệ An đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa trên 8.600 căn nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở; tổng nguồn lực huy động trên 610 tỷ đồng. Đây cũng là một trong những chương trình an sinh xã hội có quy mô lớn, mang tính nhân văn cao, được các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở tập trung triển khai nghiêm túc, bài bản, khoa học, quyết liệt, đồng bộ.

Trịnh Duy Hưng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm