Nghệ An nắm bắt thời cơ, điều hành quyết liệt, tạo nền tảng vững chắc cho nhiệm kỳ mới

Tỉnh Nghệ An tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và xu hướng phát triển của thế giới. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN
Tỉnh Nghệ An tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và xu hướng phát triển của thế giới. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Năm 2023, tỉnh Nghệ An đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, minh chứng cho thành công trong công tác lãnh đạo của Tỉnh ủy, giám sát của HĐND tỉnh, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, linh hoạt và hiệu quả của UBND tỉnh, cùng nỗ lực của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp vì sự phát triển chung của tỉnh.

Nghệ An nắm bắt thời cơ, điều hành quyết liệt, tạo nền tảng vững chắc cho nhiệm kỳ mới ảnh 1Tỉnh Nghệ An tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và xu hướng phát triển của thế giới. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

* Nhiều điểm sáng

Ngày 20/12/2023, Nghệ An đã hoàn thành thủ tục cấp phép cho Nhà máy Radiant Opto - Electronics Việt Nam Nghệ An vào Khu Công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP tại huyện Hưng Nguyên. Dự án trị giá 120 triệu USD này đã đưa tổng mức thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI năm 2023 của Nghệ An lên 1,6 tỷ USD; trong đó, số vốn thu hút vào Khu Kinh tế Đông Nam là 1,595 tỷ USD và ngoài khu kinh tế là 6,02 triệu USD, nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Với dòng vốn đầu tư vào địa bàn tăng vượt trội, Nghệ An là một trong số ít địa phương trên cả nước thu hút được 6 tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới về sản xuất thiết bị linh kiện điện tử vào đầu tư, kinh doanh, tạo việc làm cho gần 90.000 lao động.

Nghệ An đặt mục tiêu thu hút từ 3 - 3,5 tỷ USD trong giai đoạn 2021 - 2025 và 4,5 - 5 tỷ USD trong giai đoạn 2025 - 2030, tương đương với chỉ tiêu thu hút từ 900 triệu đến 1 tỷ USD mỗi năm. Trong năm tới, cùng với thu hút dự án đầu tư khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) tại xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai), tỉnh đang xúc tiến và làm thủ tục cho một số các dự án đầu tư khác và kết quả rất khả quan.

Để thực hiện mục tiêu, Nghệ An đã có sự chuẩn bị khá bài bản các nền tảng, hệ sinh thái để chào đón các nhà đầu tư, đặc biệt là thực hiện “5 sẵn sàng” về mặt bằng. Tỉnh huy động và ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng thiết yếu; tập trung nâng cao chất lượng nguồn lao động; tăng cường hỗ trợ, đồng hành cùng các nhà đầu tư hạ tầng hiện có. Tỉnh tiếp tục cải thiện thực chất môi trường đầu tư; đồng thời tháo gỡ các rào cản, thách thức về thiếu mặt bằng sạch, chất lượng nguồn nhân lực còn chưa cao, kết cấu hạ tầng, dịch vụ logistics còn nhiều hạn chế, xa các trung tâm và cực phát triển…

Ông Lê Tiến Trị,Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam khẳng định: "Tỉnh Nghệ An luôn tập trung cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp làm thủ tục".

Nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư, trước đó, Nghệ An “đi trước mở đường” về quy hoạch như đề xuất điều chỉnh mở rộng Khu Kinh tế Đông Nam từ 20.776 ha lên 80.000 ha và định hướng mở rộng lên 105.000 ha; đồng thời, ưu tiên đầu tư các hạ tầng trọng điểm như Cảng nước sâu Cửa Lò (3 bến), nâng cấp Cảng Hàng không quốc tế Vinh; đầu tư thi công đấu nối một số công trình hạ tầng giao thông và kho bãi dịch vụ logistics với các khu công nghiệp, cảng biển, sân bay… Các điều kiện thu hút đầu tư thuận lợi hơn khi Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Năm 2023, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, song tình hình kinh tế, xã hội tỉnh Nghệ An có những chuyển biến rất tích cực. Với sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, bám sát chương trình, kế hoạch đề ra, tỉnh đã thực hiện đạt 25/28 chỉ tiêu chủ yếu. Nổi bật là tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh ước đạt 7,14% (đứng thứ 26 cả nước, thứ 3 khu vực Bắc Trung Bộ). Phong trào xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh, với 319/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

2023 cũng là năm đầu tiên tỉnh Nghệ An tổ chức đánh giá và công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương. Tỉnh tập trung chỉ đạo sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập. Tỉnh triển khai xây dựng Đề án mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị thành phố Vinh...

* Nỗ lực hoàn thành mục tiêu năm 2024

UBND tỉnh Nghệ An cho biết, năm 2024, một số dự án lớn trên địa bàn tiếp tục có sức lan tỏa và đi vào hoạt động, việc triển khai thực hiện các quy hoạch, cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh là những điều kiện thuận lợi để huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển. Tỉnh đề ra mục tiêu đưa tốc độ tăng trưởng giá trị tổng sản phẩm đạt 9 - 10%; cơ cấu kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp khoảng 21 - 22%; công nghiệp và xây dựng khoảng 35 - 36%; thu ngân sách nhà nước 15.903 tỷ đồng. GRDP bình quân đầu người năm 2024 đạt 62 - 63 triệu đồng...

Ông Thái Thanh Quý, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An đề nghị các cấp, ngành tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; hỗ trợ, tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực để hoàn thành cao nhất các mục tiêu, kế hoạch năm 2024.

Để đạt được chỉ tiêu trên, tỉnh sẽ tập trung triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình hành động của Chính phủ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị gắn với việc tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW vào trước tháng 6/2024; triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia ngay từ đầu năm; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm...

“Những kết quả đã đạt được trong năm 2023, cùng với tinh thần đoàn kết, đồng thuận trong toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân ngày càng được phát huy, tin tưởng Nghệ An sẽ nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, bám sát quan điểm, định hướng lớn của nghị quyết Đại hội Đảng và chủ trương mới của Trung ương, vận dụng linh hoạt vào thực tiễn; phát huy tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo, đoàn kết, nỗ lực thực hiện đồng bộ, toàn diện, hoàn thành cao nhất kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi kế hoạch cả giai đoạn 2021 - 2025, tạo nền tảng vững chắc chuẩn bị cho nhiệm kỳ mới 2025 - 2030”, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý nhấn mạnh.

Bích Huệ

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm