Theo quy định của Luật Di sản văn hóa, mỗi di tích được xếp hạng có hai khu vực cần được bảo vệ. Trong đó, khu vực bảo vệ 1 là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích và phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian. Khu vực bảo vệ 2 là vùng bao quanh hoặc tiếp giáp khu vực bảo vệ 1. Liên quan đến vấn đề này, Điều 32 Luật Di sản văn hóa quy định: Khu vực bảo vệ di tích phải được bảo vệ nguyên trạng và nếu có tác động trong khu vực thì phải được sự cho phép bằng văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (đối với di tích cấp quốc gia). Việc xây dựng công trình trong các khu vực này không được làm ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích, cảnh quan thiên nhiên và môi trường - sinh thái của di tích.
Đài tưởng niệm kênh nhà Lê tại xã Nghi Yên, H.Nghi Lộc, Nghệ An. Ảnh: thanhnien.vn |
Quy định là vậy, nhưng trên thực tế, tại Nghệ An, vì nhiều nguyên nhân khác nhau tình trạng di tích bị xâm lấn vẫn đang xảy ra. Mặt khác, trước đây khi xếp hạng các di tích chủ yếu chỉ khoanh vùng trên tổng thể và ước lượng nên tính chính xác không cao. Từ đó, việc khoanh vùng bảo vệ các di tích rất khó khăn vì có nhiều di tích hiện trạng đã bị thay đổi so với trước kia.
Nhà thờ Nguyễn Sỹ Huyến là một trong 5 di tích lịch sử văn hóa nằm trong cụm di tích Làng Đỏ phường Hưng Dũng, thành phố Vinh. Năm 1991, nhà thờ Nguyễn Sỹ Huyến đã được công nhận là di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Khi công nhận di tích, chính quyền chưa tiến hành di dời, tái định cư cho các hộ dân trong khu vực cắm mốc. Nay sau nhiều năm, ngay trong nội tộc lại xảy ra tranh chấp đất đai khiến cho việc phân vùng bảo vệ gặp trở ngại.
Ông Nguyễn Phúc Trang, Phó Chủ tịch UBND phường Hưng Dũng cho rằng: Trước đây, khi công nhận các di tích tuy đã tổ chức khoanh vùng nhưng chủ yếu lại khoanh vùng trên giấy và không có quy hoạch thực tế sử dụng. Quá trình khoanh vùng lại không có hướng dẫn cụ thể là sử dụng, quản lý và thu hồi đất như thế nào nên khó giải quyết những tranh chấp nảy sinh, đặc biệt là ở những di tích đang phải “sống chung” với các hộ gia đình như Nhà thờ Nguyễn Sỹ Huyến nói trên.
Không chỉ vướng mắc về thu hồi đất và tái định cư cho những hộ nằm trong khuôn viên quần thể Di tích Làng Đỏ, mà tại Di tích lịch sử Kênh nhà Lê cũng đang bị xâm lấn nghiêm trọng.
Kênh nhà Lê là tuyến đường thủy đầu tiên được khởi đào từ năm 983 thời Tiền Lê, sau đó tiếp tục được đào thêm nhiều con sông, nối các sông tự nhiên thành một tuyến đường thủy kéo dài từ Ninh Bình vào Hà Tĩnh. Năm 2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp hạng di tích quốc gia đối với di tích lịch sử Kênh nhà Lê đoạn qua địa bàn thành phố Vinh, huyện Hưng Nguyên và huyện Nghi Lộc.
Chỉ cách tượng đài tưởng niệm nhà Lê, xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc, chừng 50 m, một phần kênh nhà Lê đang bị các đơn vị thi công cầu vượt gần đó đổ đất lấp khiến cho dòng chảy của kênh nhà Lê bị thu hẹp lại và bị nắn dòng. Ông Nguyễn Đình Hùng, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Nghi Lộc, cho biết: Ngay sau khi công trình xây dựng có dấu hiệu vi phạm việc xâm hại di tích, huyện Nghi Lộc đã báo cáo Sở Văn hóa và Thể thao đề nghị xử lý, tuy nhiên việc xử lý vẫn chưa dứt điểm.
Theo ông Phạm Quang Vinh, Trưởng phòng Tu bổ tôn tạo di tích – Ban quản lý di tích và danh thắng tỉnh Nghệ An, để quản lý đất đai của di tích theo Luật Di sản văn hóa và tránh bị xâm hại, di tích phải được trang bị đầy đủ các cơ sở về mặt pháp lý: cắm mốc, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có người trông coi bảo vệ… Khi khoanh vùng bảo vệ di tích, phải tiến hành cắm mốc khu vực 1, khu vực 2 và xây dựng hệ thống hàng rào, tường thành ngăn cách để bảo vệ di tích khỏi sự xâm lấn. Đơn vị quản lý cần công bố quy hoạch khoanh vùng tại di tích để người dân sở tại biết và tham gia vào việc giữ gìn, bảo vệ. Sau khi di tích được xếp hạng, phải kiện toàn Ban quản lý, xây dựng quy chế hoạt động.
Nghệ An hiện có gần 1.400 di tích lịch sử văn hóa, trong đó 358 di tích đã được xếp hạng. Thời gian qua, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao, Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh hàng năm tiến hành thẩm định và cắm mốc giới bảo vệ di tích. Qua đó, mỗi một năm có từ 5 – 10 di tích đã được khoanh vùng bảo vệ, một số di tích sau khi cắm mốc đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. UBND tỉnh Nghệ An cũng chỉ đạo, đối với những di tích đang trong quá trình xếp hạng cần lưu ý làm rõ công trình kiến trúc, diện tích quy hoạch đất đai phải rõ ràng không bị xâm lấn, phụ thuộc vào các nhà thờ, dòng họ, mới tiến hành cắm mốc, khoanh vùng. Đặc biệt, tuyệt đối không xếp hạng đối với những di tích đang tranh chấp, di tích cùng chung địa điểm với các hộ dân để tránh tranh chấp kéo dài làm ảnh hưởng đến giá trị các di tích.
Bích Huệ
TTXVN