Sau một ngày bị ngập trong mưa lũ, sáng 28/9, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã bắt đầu dọn dẹp vệ sinh, thống kê thiệt hại và chuẩn bị các phương án để sớm ổn định việc dạy và học.
Trường Tiểu học Châu Thắng đóng ở bản Xẹt, xã Châu Thắng là một trong những trường bị thiệt hại nặng nhất do mưa lũ tại huyện Quỳ Châu. Từ năm 2007 đến nay, đây là trận lũ lớn nhất và mức nước dâng cao hơn rất nhiều so với những trận lũ trước. Do lũ đến bất ngờ, lại xảy ra vào ban đêm, việc di dời tài sản gặp nhiều khó khăn.
Sau 1 đêm lũ, toàn bộ tài sản, đồ dùng dạy học, sách giáo khoa của Trường Tiểu học Châu Thắng đã trôi theo dòng nước. Cô giáo Trần Thị Hằng, Hiệu Trưởng trường xót xa: Ngoài sách vở, đồ dùng học tập ngập trong nước, toàn bộ ti vi được lắp đặt tại các lớp và các phòng chức năng bị nước làm cho hư hỏng. Nếu không có ti vi, việc dạy học theo chương trình Giáo dục phổ thông mới sẽ rất bất cập. Việc huy động xã hội hóa rất khó vì nhiều phụ huynh cũng rất khó khăn sau lũ. Trước mắt, nhà trường cùng các lực lượng chức năng dọn dẹp vệ sinh trường lớp để học sinh sớm được quay trở lại học. Thiệt hại về phương tiện, trang thiết bị dạy học chưa có phương án giải quyết.
Sáng nay, Công đoàn, Trường Trung học Phổ thông Quỳ Châu đã tổ chức đoàn giáo viên đến kiểm tra tình hình thực tế ở các nhà trọ của học sinh sau trận lũ ngày 27/9. Trường có hơn 1.100 học sinh đang ở trọ. Trận lũ bất ngờ vừa qua khiến nhiều học sinh rơi vào khó khăn khi toàn bộ tài sản, đồ dùng học tập đã bị hư hỏng và trôi theo nước lũ. Khoảng 300 học sinh bị mất toàn bộ sách vở, quần áo, đồ dùng cá nhân. 7 xe máy điện, 72 quạt điện; 96 bếp ga và 7 điện thoại trôi theo dòng nước.
Thầy Cao Thanh Lưu, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Quỳ Châu cho biết: Những học sinh bị thiệt hại nặng chủ yếu sống tại các khu nhà trọ, gần sông, gần các khe nước và có hoàn cảnh rất khó khăn. Trường có khoảng 70m bờ rào bị sập đổ và sân thể thao bị hư hỏng.
Ngay sau khi nước tràn vào các nhà trọ, nhiều học sinh phải chạy lũ trong đêm, Trường Trung học Phổ thông Quỳ Châu đã tổ chức cho các em vào ở tạm tại các phòng học, nhà đa chức năng của trường. Công đoàn, Đoàn Thanh niên nhà trường đã trích một phần kinh phí cùng sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm để tổ chức các bữa cơm miễn phí cho học sinh; đồng thời kêu gọi quyên góp, hỗ trợ sách vở, áo quần, đồ dùng học tập cho các em.
Theo thầy Cao Thanh Lưu, trường đang nỗ lực để đầu tuần sau, học sinh có thể đi học trở lại. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay là nơi ở của học sinh vì những phòng trọ nơi trước đó các em ở đều đã hư hỏng. Trong khi đó, nguồn cung cấp nhà trọ trên địa bàn đã không còn. Trước mắt, các em có thể ở ghép phòng với bạn cùng lớp. Trong tình huống không còn đủ chỗ ở, nhà trường sẽ tạm thời sử dụng một số phòng học, phòng chức năng cho các em ở tạm đến khi có thêm các phòng mới.
Đến sáng 28/9, việc thống kê thiệt hại do bão lũ ở Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quỳ Châu vẫn chưa hoàn thành. Bà Nguyễn Thị Bình, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: Thiệt hại của cơn lũ đối với các trường học, các giáo viên và học sinh trên địa bàn rất lớn. Nhiều giáo viên sáng nay mới về được nhà nên chưa thống kê được đầy đủ. Trước mắt, Phòng đã cử lực lượng trực tiếp đến các trường để kiểm tra thiệt hại và đề nghị các trường phối hợp với các lực lượng chức năng cùng tập trung dọn dẹp vệ sinh trường lớp. Sau khi thống kê thiệt hại, huyện mới đề xuất các phương án hỗ trợ.
Trong sáng 28/9, trên địa bàn huyện Thanh Chương, 26/27 trường nghỉ học trong ngày 27/9 đã cho học sinh đi học trở lại. Trường duy nhất học sinh còn chưa thể đến lớp là Trường Tiểu học Thanh Đức do nhiều tuyến đường bị sạt lở, một số cầu cống đang xây dựng bị trôi.
Ông Trần Mạnh Hà, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Chương nói thêm: Sáng nay, trời vẫn mưa to nên nguy cơ ngập úng chia cắt trên địa bàn huyện vẫn xảy ra, nhất là tại các xã như Cát Ngạn, Võ Liệt, Ngọc Lâm, Thanh Đức. Phòng đã yêu cầu các trường theo dõi diễn biến thời tiết để chủ động việc tổ chức dạy và học.
Cùng chung tay ổn định trường lớp sau lũ, các lực lượng Công an, Quân sự, Biên phòng và Đoàn Thanh niên các địa phương đã tổ chức nhiều đội hình dọn dẹp vệ sinh ở các trường học. Lực lượng này chung sức cùng cán bộ, giáo viên, phụ huynh để các trường học ổn định, sớm đón học sinh.
Theo ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Nghệ An, đợt mưa lũ vừa qua, ngành Giáo dục đã bị thiệt không nhỏ về tài sản. Nhiều phòng học, trang thiết bị bị lũ tàn phá, cuốn trôi hoặc ngập chìm trong bùn đất. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục trực thuộc chủ động khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó với sạt lở đất, ngập lụt. Các Phòng đã chỉ đạo các trường rà soát những nơi có nguy cơ lũ, ngập lụt, sạt lở đất trong khu vực trường để chủ động di dời học sinh và tài sản, trang thiết bị dạy, học đến nơi an toàn.
Sau mưa lũ, các trường đã chủ động và phối hợp với chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể, cộng đồng tập trung lực lượng tổ chức lao động, dọn dẹp vệ sinh trường lớp; san gạt những chỗ sạt lở nhỏ; quản lí chặt chẽ số học sinh có mặt tại trường; tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình giáo viên và học sinh chịu thiệt hại.
Sở sẽ thành lập các đoàn công tác xuống cơ sở nắm tình hình và động viên, thăm hỏi các gia đình cán bộ giáo viên, học sinh bị lũ cuốn trôi, mất tích, thiệt hại về tài sản. Công đoàn Ngành Giáo dục tỉnh Nghệ An kêu gọi các nhà hảo tâm, các công ty, doanh nghiệp ủng hộ tài lực, vật lực cho các trường, cán bộ, giáo viên bị thiệt hại để sớm khắc phục, ổn định các hoạt động dạy - học và ổn định cuộc sống.
Bích Huệ