Nghệ An: Đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với học sinh dân tộc thiểu số

Học sinh học ở các trường DTNT được hưởng đầy đủ các quyền lợi theo quy định của nhà nước. Nguồn: baonghean.vn
Học sinh học ở các trường DTNT được hưởng đầy đủ các quyền lợi theo quy định của nhà nước. Nguồn: baonghean.vn

Ngày 26/10, Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Nghệ An tổ chức đánh giá sau 10 năm thực hiện Quyết định số 1640/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án củng cố và phát triển hệ thống trường Phổ thông Dân tộc nội trú tại Nghệ An.

Theo đó, chất lượng giáo dục đại trà, chất lượng giáo dục mũi nhọn học sinh ở các trường Phổ thông Dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh ngày càng được khẳng định; tỷ lệ học sinh xếp học lực loại giỏi, loại khá tăng lên theo từng năm học. Có được kết quả đó là nhờ các trường Phổ thông Dân tộc nội trú đã chú trọng đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, phù hợp đối tượng học sinh dân tộc thiểu số; tích hợp, lồng ghép, tinh giản nội dung dạy học trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; đổi mới kiểm tra, đánh giá gắn với lộ trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, phù hợp đối tượng học sinh dân tộc thiểu số; tăng cường các hoạt động trải nghiệm, nghiên cứu khoa học nhằm giúp học sinh vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết các vấn đề thực tiễn.

Nghệ An: Đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với học sinh dân tộc thiểu số ảnh 1Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành phát biểu tại hội nghị “ Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 1640/QĐ – Ttg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông DTNT”. Nguồn: baonghean.vn

“Ngoài việc giáo dục học sinh theo chuẩn kiến thức, kỹ năng các trường phổ thông dân tộc nội trú, Nghệ An đã và đang phát huy tốt các hoạt động đặc thù, chú trọng giáo dục kỹ năng hòa nhập, bồi dưỡng, phát triển các năng lực chuyên biệt cho học sinh; đặc biệt là quan tâm công tác giáo dục ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc cho học sinh. Cùng với đó, hoạt động giáo dục văn hóa dân tộc được lồng ghép trong các bài giảng, các chương trình ngoại khóa, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, chương trình sinh hoạt Đội hàng tuần, các trò chơi dân gian, trang phục dân tộc, mời nghệ nhân về trường hướng dẫn cho học sinh hát đồng dao, hát lăm, nhuôn…”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An Thái Văn Thành cho biết.

Hoạt động đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với học sinh dân tộc thiểu số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng năm được ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An chỉ đạo các trường triển khai thực hiện. Các trường Phổ thông Dân tộc nội trú trên địa bàn Nghệ An đã chủ động trong việc phân hóa, bám sát đối tượng, xây dựng kế hoạch bài học theo hướng tăng cường phát huy tính chủ động, tích cực, tự học của học sinh thông qua việc thiết kế tiến trình dạy học thành các hoạt động học tập để thực hiện cả ở trên lớp và ngoài lớp học.

Ngay từ giữa tháng 9, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học Phổ thông số 2 Nghệ An đã chỉ đạo các tổ, nhóm chuyên môn xây dựng nội dung, kịch bản, tổ chức các Câu lạc bộ tự học các môn: Ngữ Văn, Toán, Tiếng Anh cho học sinh, đặc biệt là học sinh lớp 10 đầu cấp; trong đó chú trọng hoạt động tương tác trực tiếp giữa giáo viên giảng dạy và học sinh nhằm giải quyết những thắc mắc, lo lắng của các em trong thời gian làm quen với môi trường mới bậc trung học phổ thông. Bên cạnh đó là những chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, phương pháp học tập bộ môn của các cựu học sinh đạt thành tích cao trong học tập hiện là sinh viên các trường Đại học lớn trong nước; từ đó, mỗi học sinh tích lũy, đề ra phương pháp tự học cho mình phù hợp với năng lực bản thân và hiệu quả cao. Ngoài ra, Trường giao trách nhiệm cho giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn tư vấn, chia sẻ thêm các phương pháp tự học các bộ môn có hiệu quả nhằm giúp học sinh nhận thức được tầm quan trọng của việc tự học. Thư viện nhà trường luôn mở cửa, đảm bảo đầy đủ, đa dạng các đầu sách phục vụ nhu cầu mượn đọc của học sinh. Trường cũng sử dụng tối đa công năng của 2 phòng máy vi tính trong các khung giờ tự học để học sinh truy cập mạng, tìm kiếm các thông tin tài liệu, đề thi nhằm phục vụ học tập.

Trên cơ sở khung chương trình các môn học, Trường chỉ đạo các tổ, nhóm chuyên môn rà soát, điều chỉnh nội dung kiến thức, kỹ năng cần đạt, từ đó thống nhất xây dựng phân phối chương trình của các môn học phù hợp với đối tượng học sinh của từng lớp học, giúp giáo viên có phương pháp giảng dạy phù hợp. Hàng năm, Ban giám hiệu nhà trường chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp như: vừa giao khoán chất lượng phụ đạo học sinh yếu kém cho từng bộ môn ở từng lớp học, vừa bố trí giáo viên khác dạy phụ đạo yếu kém cho học sinh toàn khối ở các môn học.

“Tránh việc truyền thụ kiến thức một chiều theo lối truyền thống, giáo viên nhà trường luôn đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn. Việc làm này nhằm đánh giá giờ dạy, thống nhất dạy học chủ đề, lựa chọn và triển khai chuyên đề, dạy học minh họa theo hướng nghiên cứu bài học”, thầy Nguyễn Đậu Trương – Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học Phổ thông số 2 Nghệ An cho biết.

Nghệ An: Đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với học sinh dân tộc thiểu số ảnh 2Học sinh học ở các trường DTNT được hưởng đầy đủ các quyền lợi theo quy định của nhà nước. Nguồn: baonghean.vn


Còn tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học Cơ sở Con Cuông, dù đã 7 năm thành lập, đến nay trường vẫn đang phải mượn tạm các địa điểm của các trường khác để tổ chức dạy, học và làm nơi ăn ở, sinh hoạt nội trú cho học sinh của trường. Trước những khó khăn trên, nhà trường vẫn tập trung nâng cao chất lượng đại trà và chất lượng mũi nhọn. Song hành với việc thực hiện dạy học chính khóa, trường tăng cường tổ chức thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, dạy học tăng cường tiếng Anh và Tin học; phát triển năng lực các môn văn hóa, năng khiếu, thể dục thể thao; rèn luyện các kỹ năng và khả năng trải nghiệm trên các lĩnh vực; tăng cường tiếng Việt; phân luồng các đối tượng học sinh để điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học cho phù hợp. Trường còn phát hiện, bồi dưỡng những học sinh có năng khiếu cá nhân để các em phát huy năng lực, năng khiếu, sở trường của mình. Trường cũng xây dựng các chương trình ngoại khóa, các chủ đề môn học nhằm góp phần củng cố, nâng cao kiến thức liên quan.

Thầy Lê Văn Từ - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học Cơ sở Con Cuông cho biết: “Để thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, nhà trường tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý dạy học, kiểm tra, đánh giá học sinh phù hợp với đối tượng học sinh dân tộc thiểu số, từ đó đề ra các biện pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng dạy học. Tuy nhiên, để đảm bảo cho công tác quản lý, giáo dục, chăm sóc học sinh, chúng tôi kiến nghị các cấp sớm giải quyết các thủ tục để triển khai xây dựng cơ sở vật chất tại địa điểm mới, đúng với quy định của trường Phổ thông Dân tộc nội trú”.

Bích Huệ

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm