Ngày Quốc tế động, thực vật hoang dã (3/3): Nỗ lực từ cộng đồng

Thả thú hoang về rừng tự nhiên thuộc Vườn quốc gia Bù Gia Mập. Ảnh: TTXVN phát
Thả thú hoang về rừng tự nhiên thuộc Vườn quốc gia Bù Gia Mập. Ảnh: TTXVN phát

Vào ngày 20 tháng 12 năm 2013, tại phiên họp thứ 68, Đại hội đồng Liên hợp quốc (UNGA) đã tuyên bố ngày 3 tháng 3 - ngày ký Công ước quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) năm 1973 - là Ngày Quốc tế động, thực vật hoang dã của Liên hợp quốc để kỷ niệm và nâng cao nhận thức về các loài động vật và thực vật hoang dã trên thế giới. Tại Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực thi pháp luật cùng các tổ chức phi chính phủ đã có nhiều nỗ lực và biện pháp, hoạt động nhằm hạn chế tốc độ suy giảm và tuyệt chủng của các loài sinh vật.

Ngày Quốc tế động, thực vật hoang dã (3/3): Nỗ lực từ cộng đồng ảnh 1Các loài chim, cò tại Rừng tràm Gáo Giồng (xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp). Ảnh: Nguyễn Văn Trí - TTXVN

Nâng cao nhận thức của người dân

Sau 17 năm kể từ khi các cơ quan quản lý Nhà nước thắt chặt công tác quản lý gấu nuôi nhốt với mục tiêu chấm dứt hoạt động săn bắt và buôn bán gấu để nuôi nhốt lấy mật tại Việt Nam, rất nhiều tỉnh thành trên cả nước đã thành công hoặc đang nỗ lực đưa địa phương mình trở thành tỉnh, thành phố tiếp theo không còn hoạt động nuôi nhốt gấu. Hoạt động nuôi nhốt gấu để lấy mật tàn nhẫn và bất hợp pháp ở Việt Nam đang bước vào giai đoạn cuối.

Ngày 17/6/2022, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Phước phối hợp với Tổ chức phi Chính phủ quốc tế của Australia chuyên Bảo tồn Gấu - Tổ chức Free The Bears tại Việt Nam đã tiếp nhận thành công 1 cá thể gấu chó (Helarctos malayanus) từ một chủ nuôi trên địa bàn và chuyển giao đến Trạm cứu hộ gấu tại Vườn quốc gia Cát Tiên. Cá thể gấu này đã bị nuôi nhốt trong 15 năm và là cá thể cuối cùng còn nuôi nhốt tại Bình Phước. Việc chuyển giao cá thể gấu này đã đưa Bình Phước trở thành địa phương tiếp theo không còn hoạt động nuôi nhốt gấu lấy mật.

Trong năm 2022, tỉnh Thái Bình, Hà Nam đã lần lượt trở thành địa phương tiếp theo chính thức xóa bỏ hoạt động nuôi nhốt gấu tại Việt Nam. Đáng chú ý, Thành phố Hồ Chí Minh nơi từng là điểm nóng lớn thứ 2 trên cả nước về nuôi nhốt gấu hiện chỉ còn 13 cá thể gấu tại các cơ sở tư nhân.

Tính đến tháng 10/2022, thủ đô Hà Nội vẫn tiếp tục là địa phương có số lượng gấu nuôi nhốt lớn nhất trên cả nước, với 140 cá thể gấu tại các cơ sở tư nhân. Số lượng gấu tại Hà Nội hiện chiếm tới 54,5% tổng số gấu bị nuôi nhốt trên cả nước (257 cá thể).

Với tình trạng nuôi nhốt và quản lý gấu như hiện tại, nhiều khả năng Hà Nội sẽ là địa phương cuối cùng vẫn còn tình trạng gấu bị nuôi nhốt trên cả nước. Điển hình, ngày 27/5/2022, bằng các biện pháp nghiệp vụ cùng với sự hỗ trợ của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an thành phố Hà Nội đã tịch thu 350 lọ mật gấu ngựa (Ursus thibetanus) từ một chủ nuôi trên địa bàn huyện Phúc Thọ - điểm nóng lớn nhất của hoạt động nuôi nhốt gấu tại Việt Nam.

Đối tượng khai nhận đã trích hút số mật gấu trên từ các cá thể gấu được nuôi nhốt tại cơ sở. Ngày 7/7/2022, chủ nuôi này đã tự nguyện giao nộp 7 cá thể gấu đang bị nuôi nhốt đến Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam tại Vườn quốc gia Tam Đảo (Vĩnh Phúc).

Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thiên nhiên mong muốn thời gian tới, chính quyền thành phố Hà Nội cần có những hành động quyết liệt hơn nữa nhằm thúc đẩy quá trình chấm dứt hoạt động nuôi nhốt gấu tại Hà Nội nói chung và huyện Phúc Thọ nói riêng. Hy vọng đến năm 2025, Việt Nam sẽ chấm dứt thành công tình trạng nuôi nhốt gấu nhờ những nỗ lực của chính quyền thành phố Hà Nội.

Hổ (Tên khoa học: Panthera tigris) là loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được bảo vệ ở cấp độ cao nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế. Theo đó, pháp luật đã quy định những chế tài mạnh mẽ để xử lý mọi hành vi vi phạm liên quan đến hổ với mức hình phạt có thể lên tới 15 năm tù cho cá nhân vi phạm. Tuy vậy, tình trạng buôn bán hổ trái phép vẫn là một vấn nạn nhức nhối do nhu cầu tiêu thụ và sử dụng các sản phẩm từ loài này, đặc biệt là cao hổ của một bộ phận người dân. Từ xưa đến nay, dù không có căn cứ khoa học nhưng nhiều người vẫn còn quan niệm rằng sử dụng cao hổ có thể chữa được các bệnh về xương khớp hay tăng cường sinh lực, từ đó thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ và đẩy hổ đến gần hơn với nguy cơ tuyệt chủng.

Chỉ trong năm 2022, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên đã ghi nhận 399 vụ việc vi phạm liên quan đến hổ, với hơn 88% số vụ án được phát hiện trên không gian mạng (353/399 vụ). Theo Trung tâm Giáo dục thiên nhiên, bên cạnh việc xử lý nghiêm khắc các đối tượng có hành vi xâm hại tới hổ, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, khuyến cáo người dân không mua bán hay sử dụng cao hổ và các sản phẩm từ hổ để góp phần bảo vệ hổ và tránh các hậu quả pháp lý đáng tiếc.

Ngày Quốc tế động, thực vật hoang dã (3/3): Nỗ lực từ cộng đồng ảnh 2Hạt Kiểm lâm thị xã Hương Trà tiếp nhận hai cá thể khỉ mặt đỏ và khỉ đuôi lợn, đều thuộc nhóm động vật nguy cấp, quý hiếm từ người dân tự nguyện bàn giao vào đầu tháng 11/2022. Ảnh: Đỗ Trưởng - TTXVN

Ngăn chặn tình trạng buôn bán động vật hoang dã

Theo số liệu của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên, trong năm 2022, với sự hỗ trợ của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên các cơ quan chức năng đã tịch thu hoặc tiếp nhận chuyển giao 2.101 cá thể động vật hoang dã còn sống bao gồm 97 cá thể khỉ, 22 cá thể gấu ngựa, 12 cá thể hổ, 295 cá thể rùa cạn, rùa nước ngọt và nhiều loài động vật hoang dã khác.

Điều này cho thấy các cơ quan tiến hành tố tụng trên cả nước vẫn tiếp tục thể hiện sự nhất quán và hiệu quả trong nỗ lực ngăn chặn tình trạng buôn bán động vật hoang dã trái phép kể từ thời điểm năm 2018 khi Bộ Luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) có hiệu lực thi hành.

Ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc Dự án Bảo tồn động vật hoang dã nguy cấp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, hiện hành lang pháp lý về quản lý, kiểm soát các hoạt động khai thác, gây nuôi, chế biến, buôn bán động vật hoang dã cơ bản đầy đủ, toàn diện và phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Cụ thể như Luật Lâm nghiệp năm 2017 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; trong đó đã quy định rõ về chế độ quản lý, bảo vệ động vật hoang dã, các hành vi bị cấm (gồm săn, bắt, nuôi, nhốt, giết, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán động vật rừng, thu thập mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng trái quy định của pháp luật), chế tài xử lý vi phạm đủ sức răn đe đối với các vi phạm. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; sự phối hợp liên ngành của các bộ, ngành, địa phương trong thực thi pháp luật, kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về động vật hoang dã đã được thực hiện đồng bộ, thường xuyên. Nhiều vụ vi phạm được phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, nhận thức của người dân được nâng cao và thay đổi nhiều so với trước đây; nhu cầu sử dụng động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã để làm thực phẩm, dược phẩm, đồ trang sức, trưng bày... đã giảm rõ rệt.

Báo cáo “Công tác xử lý tội phạm về động vật hoang dã tại Việt Nam” do Trung tâm Giáo dục thiên nhiên thực hiện hàng năm nhằm đánh giá hiệu quả xử lý các vụ án hình sự về động vật hoang dã. Cụ thể, trong năm 2022, đã có 1.247 quảng cáo bán động vật hoang dã trực tuyến đã được xóa bỏ thành công nhờ sự can thiệp của các cơ quan chức năng, khuyến cáo chấp hành pháp luật của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên và sự phối hợp của các nhà cung cấp mạng xã hội sau khi tiếp nhận thông tin từ Trung tâm Giáo dục thiên nhiên.

Tính từ đầu năm 2022, tổng cộng 92 trang nhóm chuyên buôn bán động vật hoang dã trực tuyến với 243.336 thành viên đã bị vô hiệu hóa. Cụ thể, tỷ lệ xử lý thành công (tịch thu động vật hoang dã, động vật hoang dã được chuyển giao hoặc xử phạt các đối tượng có liên quan) trung bình trên cả nước là 28,9%. Đối với các vụ liên quan đến động vật hoang dã còn sống, công tác xử lý phải nhanh chóng mới có thể đạt tỷ lệ thành công cao. Vì thế, đây là một tiêu chí quan trọng để đánh giá năng lực của các cơ quan chức năng trong việc xử lý các vi phạm về động vật hoang dã.

Ngày Quốc tế động, thực vật hoang dã (3/3): Nỗ lực từ cộng đồng ảnh 3Thả thú hoang về rừng tự nhiên thuộc Vườn quốc gia Bù Gia Mập. Ảnh: TTXVN phát

Các vụ án hình sự về động vật hoang dã được đánh giá trong báo cáo trên là những vụ án buôn bán, vận chuyển, nuôi nhốt, tàng trữ trái phép cá thể, bộ phận hoặc sản phẩm động vật hoang dã là tội phạm theo quy định của Bộ Luật Hình sự nhưng không bao gồm các vụ án mua bán để sử dụng nhỏ lẻ dù có yếu tố hình sự. Các vụ án trong mục này được đánh giá theo thời điểm cơ quan chức năng phát hiện vi phạm và thu giữ tang vật động vật hoang dã, đây là bước đầu tiên trong một vụ án hình sự, tạo cơ sở cho việc bắt giữ và xử lý các đối tượng vi phạm sau đó.

Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thiên nhiên cho biết, 71% trên tổng số 1.509 vụ vi phạm được người dân phát hiện và chuyển giao thông tin đến cơ quan chức năng qua đường dây nóng của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên có kết quả xử lý thành công. Một vụ việc được coi là xử lý thành công nếu cơ quan chức năng tịch thu được tang vật (động vật hoang dã); đối tượng bị phát hiện, bắt giữ và truy cứu trách nhiệm hình sự/xử phạt vi phạm hành chính theo quy định; hoặc đối tượng chủ động chấp hành pháp luật sau khi được cơ quan chức năng hoặc Trung tâm Giáo dục thiên nhiên tuyên truyền, khuyến cáo.

Lý Thanh Hương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm