Xử lý vi phạm về động vật hoang dã (Bài cuối)

Xử lý vi phạm về động vật hoang dã (Bài cuối)

Bài 2 (Bài cuối): Tăng cường thực thi pháp luật

Thời gian qua, các cơ quan chức năng của Việt Nam xác định tình trạng buôn bán, tiêu thụ trái pháp luật mẫu động vật hoang dã là một trong những thách thức nghiêm trọng đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học. Cùng với đó là hàng hoạt các hành động đấu tranh, ngăn chặn, giảm nhu cầu sử dụng động vật hoang dã và các sản phẩm của chúng đã được triển khai, như hoàn thiện các quy định pháp luật, nâng cao nhận thức xã hội; tăng cường thực thi pháp luật và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Quang Tùng, Giám đốc Dự án Bảo tồn động vật hoang dã nguy cấp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Xử lý vi phạm về động vật hoang dã (Bài cuối) ảnh 1Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình, Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang đã mật phục, phát hiện vụ vận chuyển động vật hoang dã qua biên giới, thu giữ 1 thuyền máy cùng 94 cá thể kỳ đà và động vật họ rùa vào tháng 7/2022. Trong ảnh: Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình kiểm tra tang vật vừa thu giữ. Ảnh: TTXVN phát.

* Ông đánh giá như thế nào về công tác xử lý vi phạm buôn bán động vật hoang dã ở Việt Nam thời gian qua?

- Hiện hành lang pháp lý về quản lý, kiểm soát các hoạt động khai thác, gây nuôi, chế biến, buôn bán động vật hoang dã cơ bản đầy đủ, toàn diện và phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Cụ thể như Luật Lâm nghiệp năm 2017 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; trong đó đã quy định rõ về chế độ quản lý, bảo vệ động vật hoang dã, các hành vi bị cấm (gồm săn, bắt, nuôi, nhốt, giết, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán động vật rừng, thu thập mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng trái quy định của pháp luật), chế tài xử lý vi phạm đủ sức răn đe đối với các vi phạm.

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; sự phối hợp liên ngành của các bộ, ngành, địa phương trong thực thi pháp luật, kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về động vật hoang dã đã được thực hiện đồng bộ, thường xuyên. Nhiều vụ vi phạm được phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, nhận thức của người dân được nâng cao và thay đổi nhiều so với trước đây; nhu cầu sử dụng động vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật hoang dã để làm thực phẩm, dược phẩm, đồ trang sức, trưng bày... đã giảm rõ rệt.

Theo thống kê của Cục Kiểm lâm, số vụ vi phạm pháp luật liên quan đến động vật hoang dã trên toàn quốc trong 5 năm gần đây (từ 2018-2022) trung bình giảm 147 vụ/năm so với giai đoạn năm 2013-2017.

Tuy nhiên, tình trạng mua bán, vận chuyển, tiêu thụ động vật hoang dã trái pháp luật vẫn diễn ra ở một số nơi. Thủ đoạn vi phạm tinh vi hơn rất nhiều để che mắt lực lượng chức năng, điển hình như vụ bắt giữ 17 cá thể hổ ở Nghệ An năm 2021.

Một số vụ việc, công tác định giá tang vật hết sức khó khăn do không có giá trên thị trường; công tác giám định nhận dạng loài, mẫu vật, bộ phận, sản phẩm, dẫn xuất của động vật hoang dã còn hạn chế, ảnh hưởng đến việc xử lý vi phạm. Do vậy, thời gian tới, các cơ quan quan chức năng cần nghiên cứu cụ thể việc định giá thay bằng định lượng; đồng thời đào tạo nâng cao năng lực công tác nhận dạng loài, giám định mẫu vật, nghiên cứu bổ sung cơ quan đủ năng lực giám định để tăng tỷ lệ xử lý vụ việc.

* Nhằm hỗ trợ Việt Nam kiểm soát tình trạng buôn bán động vật hoang dã trái phép, Dự án bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp ra đời có ý nghĩa và mục tiêu như thế nào thưa ông?

- Đứng trước thực trạng buôn bán trái phép các loài động vật hoang dã qua biên giới vẫn diễn biến phức tạp, đòi hỏi cần tăng cường sự điều phối, phối hợp cấp quốc gia, cấp vùng và toàn cầu; nâng cao năng lực cho các cơ quan chức năng và nhận thức cho người tiêu dùng. Do đó, năm 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ triển khai dự án bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp với thời gian thực hiện 5 năm.

Mục tiêu chính của Dự án nhằm hỗ trợ Huy động sự tham gia, phối hợp và điều phối có hiệu quả của các bên có liên quan để nâng cao nhận thức, vai trò lãnh đạo, quản lý nhằm hỗ trợ việc thúc đẩy tăng cường các hoạt động bảo vệ động vật hoang dã và kiểm soát, ngăn chặn tình trạng buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã; giảm nhu cầu và tiêu thụ bất hợp pháp sản phẩm động vật hoang dã.

Việc thực hiện thành công Dự án sẽ góp phần vào những nỗ lực chung của toàn cầu trong việc bảo tồn đa dạng sinh học và nguồn tài nguyên thiên nhiên đang suy giảm nghiêm trọng, góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và đặc biệt sẽ ngăn chặn những hậu quả nặng nề đến sức khỏe, đời sống của người dân.

Cùng với đó, hoạt động kiểm soát, buôn bán, tiêu thụ, vận chuyển động vật hoang dã sẽ được thực hiện một cách có hiệu quả hơn thông qua việc thiết lập và duy trì sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành có liên quan, các cơ quan thực thi pháp luật từ Trung ương đến địa phương và thúc đẩy hợp tác liên biên giới để giải quyết ba vấn đề chính của nạn buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã gồm: Săn bắt, buôn bán và làm giảm nhu cầu tiêu thụ một cách toàn diện, đồng bộ.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật và sự tham gia của cộng đồng, huy động nguồn lực xã hội cho bảo vệ động vật hoang dã; xã hội hóa công tác bảo tồn đa dạng sinh học và đấu tranh phòng, chống tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật về đa dạng sinh học; thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội dân sự trong việc thực hiện tuyên truyền và phổ biến các thông tin về bảo vệ động vật hoang dã.

* Hiện có một số website bán động vật và thịt động vật hoang dã (lợn rừng, chồn), động vật sấy khô (sơn dương, tắc kè) và một số động vật thuộc danh mục loài quý hiếm. Vậy hoạt động này sẽ được Dự án hỗ trợ như thế nào, thưa ông?

- Hành vi quảng cáo trên môi trường điện tử như: Website, mạng xã hội Facebook, webchat, zalo... để kinh doanh động vật rừng và sản phẩm của chúng trái quy định của pháp luật; tuy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng theo quy định tại điểm d khoản 4 Điều 16 Nghị định 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp sửa đổi tại điểm C khoản 9 Điều 1 Nghị định số 07/2022/NĐ-CP.

Trước tình hình buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật trên các nền tảng trực tuyến, trang web, đang gia tăng trong thời gian qua, Dự án sẽ phối hợp với Liên minh chống buôn bán trái pháp luật động vật hoang dã trực tuyến, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) xây dựng, triển khai có hiệu quả các biện pháp ngăn chặn các nội dung liên quan đến tội phạm về động vật hoang dã trên các nền tảng mạng xã hội, trang web buôn bán, trao đổi, quảng cáo; hoặc các hành động cổ súy cho việc tiêu thụ các loài hoang dã.

Dự án sẽ hỗ trợ triển khai hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân và doanh nghiệp về các rủi ro liên quan đến buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các hàng rào kỹ thuật và triển khai các hành động cụ thể trên từng nền tảng, website. Cụ thể như: Đưa nội dung buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật vào chính sách về những nội dung bị cấm; cung cấp thông tin cho người dùng và khuyến khích họ báo cáo những nội dung đáng ngờ; gỡ bỏ danh sách các loài động vật hoang dã bị cấm buôn bán do các chuyên gia bảo tồn khuyến nghị; đào tạo nhân viên kiểm duyệt nội dung nhằm phát hiện động vật hoang dã bị buôn bán trái pháp luật; tăng cường phát hiện tự động những quảng cáo và danh mục buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật; tăng cường hợp tác trong chống buôn bán động vật hoang dã trái pháp luật và thực thi pháp luật.

* Trân trọng cảm ơn ông!

Diệu Thúy (thực hiện)

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm