Năm 2024, Ngày Quốc tế đa dạng sinh học (22/5) được Liên hợp quốc phát động với chủ đề “Be part of the Plan” – “Hãy là một phần của Kế hoạch đa dạng sinh học”. Đây là lời kêu gọi các quốc gia, các bên liên quan, trong phạm vi và tầm ảnh hưởng của mình đóng góp vào thực hiện Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal.
Ngăn chặn và đảo ngược quá trình suy giảm đa dạng sinh học
Thiên nhiên, đa dạng sinh học là nền tảng cho sự phát triển bền vững và thịnh vượng của nhân loại. Tuy nhiên, với tốc độ suy thoái của thiên nhiên toàn cầu ở mức báo động, thế giới cần thúc đẩy các hành động vì đa dạng sinh học để bảo vệ cuộc sống của con người và các loài sinh vật khác.
Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, với chủ đề "Hãy là một phần của Kế hoạch Đa dạng sinh học", Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học 2024 nhấn mạnh tính cấp thiết, tầm quan trọng của mỗi quốc gia, mỗi cộng đồng, mỗi người dân trong việc thực hiện các hành động để bảo tồn đa dạng sinh học; trong đó, chú trọng việc thúc đẩy triển khai Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal.
Chủ đề Ngày Quốc tế đa dạng sinh học 2024 cũng phát đi một thông điệp mạnh mẽ: Chỉ khi các quốc gia, cộng đồng, người dân nỗ lực đồng bộ, hành động quyết liệt để tạo ra sự thay đổi có tính toàn diện mới có thể ngăn chặn và đảo ngược được xu hướng mất đa dạng sinh học, phục hồi đa dạng sinh học, duy trì một hành tinh khỏe mạnh và mang lại lợi ích thiết yếu cho tất cả mọi người trong hiện tại và cả tương lai.
Được thông qua ngày 19/12/2022 tại Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học, Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal là một khuôn khổ hành động quy mô toàn cầu, mang tính tổng thể với cách tiếp cận toàn diện, giải quyết những vấn đề liên quan đến bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Hướng tới tương lai chung sống “Hài hòa với thiên nhiên”, Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal xây dựng tầm nhìn đến năm 2050, đa dạng sinh học được thừa nhận, bảo tồn, phục hồi và sử dụng khôn khéo, thúc đẩy các dịch vụ hệ sinh thái, duy trì một hành tinh khỏe mạnh và mang lại lợi ích thiết yếu cho tất cả mọi người.
Tham gia Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal , Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội thúc đẩy hợp tác với quốc tế nhằm phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái và tăng cường mở rộng bảo tồn các khu vực có giá trị đa dạng sinh học. Với tư cách là một trong những quốc gia thành viên tham gia Công ước Đa dạng sinh học và là một thành viên ủng hộ mạnh mẽ việc thông qua Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal, Việt Nam thể hiện cam kết và trách nhiệm với các mục tiêu về đa dạng sinh học.
Việt Nam đã và đang hoàn thiện hành lang pháp lý để hỗ trợ công tác bảo tồn đa dạng sinh học; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các cơ chế chính sách liên quan đến quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia, xác định các đối tượng cần phải ưu tiên bảo vệ, bảo tồn từ nay tới 2030; vấn đề bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm, được ưu tiên bảo vệ…Đồng thời, Việt Nam cũng quan tâm tới xây dựng năng lực cho cán bộ làm việc trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học; nâng cao nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học; lồng ghép đa dạng sinh học trong các ngành, lĩnh vực khác.
Hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học 2024
Hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2024 bằng những hành động thiết thực, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tăng cường truyền thông, giáo dục, nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học và các giá trị đa dạng sinh học trong chiến lược phát triển bền vững của quốc gia; lồng ghép nội dung bảo tồn đa dạng sinh học vào các chương trình giáo dục, đồng thời thúc đẩy lối sống hài hòa với thiên nhiên.
Cùng với tỉnh Quảng Nam - địa phương đăng cai Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2024; Hội thảo “Thực hiện Khung Đa dạng sinh học toàn cầu Côn Minh - Montreal và Chiến lược Đa dạng sinh học quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ở Việt Nam”.
UBND tỉnh Quảng Nam đưa ra 10 khẩu hiệu tuyên truyền Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2024: Đa dạng sinh học là nền tảng mọi sự sống trên trái đất; Đa dạng sinh học - giá trị cuộc sống từ thiên nhiên; Tiếp cận và chia sẻ lợi ích cốt lõi của Kế hoạch đa dạng sinh học; Mỗi cá nhân là một phần của Kế hoạch đa dạng sinh học; Cùng hành động, đầu tư và hợp tác vì thiên nhiên; Bảo vệ muôn loài, cuộc sống muôn màu; Hợp tác xuyên biên giới vì sự sống trên trái đất; Chung tay hành động giải quyết khủng hoảng đa dạng sinh học và khí hậu; Bảo vệ sự sống hôm nay vì tương lai xanh ngày mai; Bảo tồn thiên nhiên là tiền đề phát triển bền vững.
Trong Kế hoạch số 73/KH-UBND về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học, UBND tỉnh Nam Định yêu cầu 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh tổ chức các hoạt động truyền thông bảo vệ đa dạng sinh học. Mỗi huyện, thành phố xây dựng và thực hiện ít nhất một mô hình cụ thể về bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học, giảm nhẹ và ứng phó biến đổi khí hậu, khai thác tài nguyên thiên nhiên khôn khéo, hợp lý.
Đặc biệt, coi trọng việc ngăn chặn tình trạng khai thác quá mức và buôn bán trái phép các loài động vật, thực vật hoang dã, bảo vệ và tôn trọng các phong tục tập quán bền vững của người dân địa phương sống tại các khu vực dễ bị tổn thương ở Vườn Quốc gia Xuân Thủy; xây dựng cơ sở dữ liệu và tăng cường năng lực về điều tra, kiểm kê, quan trắc, giám sát các thông tin, dữ liệu về đa dạng sinh học; ngăn chặn, giảm thiểu sự xuất hiện và tác động của các loài ngoại lai xâm hại đối với đa dạng sinh học thông qua các biện pháp kiểm soát, tăng cường quản lý con đường du nhập hoặc diệt trừ các loài ngoại lai xâm hại.
UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố phổ biến, quán triệt tới tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và cộng đồng dân cư trên địa bàn nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học; không khai thác, săn bắt, tiêu thụ, vận chuyển loài động vật hoang dã, các loài chim di cư; không khai thác, đánh bắt giun đất trái phép làm giảm chất lượng đất canh tác, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, ảnh hưởng xấu tới sinh trưởng phát triển của cây trồng.
UBND tỉnh Lào Cai khuyến khích người dân thông tin về các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm liên quan đến các quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã cho cơ quan chức năng, chính quyền địa phương hoặc tới đường dây nóng miễn phí của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên, số điện thoại 18001522.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Vườn Quốc gia Hoàng Liên, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát tăng cường truyền thông, giáo dục và nâng cao nhận thức về đa dạng sinh học và các giá trị của đa dạng sinh học trong chiến lược phát triển bền vững của quốc gia; lồng ghép nội dung bảo tồn đa dạng sinh học vào các chương trình giáo dục; đồng thời thúc đẩy lối sống hài hòa với thiên nhiên; bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học.
Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng, Cục Hải quan tỉnh, Cục Quản lý thị trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện, UBND cấp xã tăng cường phối hợp liên ngành, thanh tra, kiểm tra thường xuyên các nhà hàng, cơ sở nuôi, kinh doanh động vật hoang dã, chợ chim hoang dã, các tuyến đường vận chuyển hàng hóa trọng điểm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ các loài động vật hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý hiếm, các loài di cư....
Hoàng Vân