Bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học Khu Dự trữ sinh quyển lớn nhất khu vực Đông Nam Á

UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường Khu Dự trữ sinh quyền miền Tây Nghệ An đến năm 2027, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu bảo vệ và giải quyết các tình trạng suy thoái môi trường di sản thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, hỗ trợ nghiên cứu, giám sát, đào tạo và giáo dục cộng đồng về bảo tồn và phát triển bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và thích ứng biến đổi khí hậu.

dutrusinhquyenTayNgheAn.jpg
Một góc Khu Dự trữ sinh quyền miền Tây Nghệ An. Ảnh: baonghean.vn

Theo đó, các đơn vị chức năng của tỉnh Nghệ An sẽ thực hiện điều tra, đánh giá về diễn biến môi trường và các giá trị thiên nhiên cần bảo vệ, bảo tồn, trọng tâm là bảo vệ giá trị đa dạng sinh học, đa dạng cảnh quan thiên nhiên, đa dạng bản sắc văn hóa và tri thức truyền thống, giữ vững mức độ che phủ rừng, nâng cao chất lượng rừng, phục hồi hệ sinh thái rừng bị suy thoái, cải thiện nâng cao chất lượng môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.

Tỉnh cũng thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Xai Lai Leng thuộc Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An; nghiên cứu phương án chuyển khu vực có tính đa dạng sinh học cao và đặc sắc từ xã Tam Hợp, huyện Tương Dương đến xã Nậm Càn và xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn thành rừng đặc dụng, kết nối với Vườn Quốc gia Pù Mát và Khu bồi hoàn sinh thái Bôlykhamxay (Lào). Tỉnh xây dựng tổng thể các hành lang đa dạng sinh học, kết nối hành lang Vườn Quốc gia Pù Mát – đỉnh Pù Xai Lai Leng – Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt với các hành lang liên vùng và liên biên giới với Lào…

Ngoài ra, Nghệ An đặt ra mục tiêu xây dựng các mô hình kinh tế sinh thái thông qua các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, khai thác và quản lý hiệu quả, bền vững các tài nguyên thiên nhiên rừng, giá trị đặc sắc văn hóa truyền thống cộng đồng. Đặc biệt là phát huy giá trị đa dụng hệ sinh thái rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng, kinh doanh tín chỉ carbon, phát triển du lịch sinh thái, cảnh quan, gắn liền với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu... nhằm tạo thêm sinh kế, nâng cao giá trị sản phẩm và cải thiện thu nhập cho người dân ở khu vực miền Tây Nghệ An.

Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An được UNESCO chính thức công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới vào ngày 18/9/2007; có tổng diện tích 1.299.795 ha (lớn nhất khu vực Đông Nam Á). Đây là hành lang xanh nối kết 3 vùng lõi gồm: Vườn Quốc gia Pù Mát, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt. Khu vực này có mức độ đa dạng sinh học cao với sự đa dạng và phong phú về loài, hệ sinh thái và nguồn gen động, thực vật. Hiện đã ghi nhận 3.627 loài thực vật thuộc 1.184 chi, 205 họ và 39 bộ, 131 họ; 480 chi với 942 loài động vật có xương sống và hơn 1.000 loài côn trùng. Tại Khu Dự trữ có nhiều loài thực vật nguy cấp, quý hiếm với 134 loài trong Sách đỏ Việt Nam 2007, 20 loài trong Danh mục cảnh báo nguy cơ suy thoái và tuyệt chủng của IUCN 2021 và nhiều loại dược liệu quý hiếm.

Trịnh Duy Hưng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm