Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc - Ngày hội của ý Đảng, lòng dân

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng trao tặng xe đạp cho học sinh thiểu số, học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Tri Lễ. Ảnh: Xuân Tiến- TTXVN
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng trao tặng xe đạp cho học sinh thiểu số, học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Tri Lễ. Ảnh: Xuân Tiến- TTXVN

Ngày 1/8/2003, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra Nghị quyết số 04/NQ/ĐCT-MTTW về việc tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” và quyết định lấy ngày 18/11 hàng năm làm ngày tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư nhằm tiếp tục xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới.

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc - Ngày hội của ý Đảng, lòng dân ảnh 1Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng trao tặng xe đạp cho học sinh thiểu số, học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Tri Lễ. Ảnh: Xuân Tiến- TTXVN

Hằng năm, Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở các khu dân cư trên địa bàn tỉnh được tổ chức rộng khắp và đi vào chiều sâu, trở thành nét đẹp truyền thống, đưa công tác Mặt trận về với cộng đồng dân cư. Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư thực sự trở thành Ngày hội của toàn dân, là hình thức tập hợp, biểu dương lực lượng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ngày hội của ý Đảng, lòng dân

Những ngày này, ngày hội đại đoàn kết đã được tổ chức trên khắp mọi miền của cả nước trong niềm vui hân hoan và tình yêu thương sẻ chia của các tầng lớp nhân dân. Các đồng chí lãnh đạo Đảng Nhà nước đã cùng chung vui với người dân tại các địa phương trong Ngày hội lớn.

Kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2023), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã về dự, chung vui với bà con các dân tộc thôn Xây Dựng, xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân. Gặp gỡ bà con các dân tộc thôn Xây Dựng, xã Suối Trai trong Ngày hội lớn, Chủ tịch nước nhấn mạnh, tinh thần Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Cũng nhờ tinh thần Đại đoàn kết toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã hoàn thành sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đưa non sông về một mối, đưa đất nước bước vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Nhờ Đại đoàn kết toàn dân tộc mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân bước vào sự nghiệp Đổi mới, vượt qua các khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, làm cho đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Chủ tịch nước cho rằng, bước vào giai đoạn phát triển mới, với diễn biến phức tạp của tình hình khu vực và quốc tế, lại càng cho thấy Đại đoàn kết toàn dân tộc là yếu tố quan trọng bậc nhất, là cội nguồn sức mạnh để đất nước chúng ta vững bước tiến lên.

Chủ tịch nước cùng Đoàn công tác Trung ương đã cùng tham gia các hoạt động lễ hội sôi động, đầy mầu sắc và thắm tình đoàn kết của nhân dân tại xã Suối Trai. Chủ tịch nước đề nghị nhân dân chung tay gìn giữ an ninh trật tự trong thôn, trong xã, để luôn có cuộc sống bình yên. Cùng với đó là luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, phát hiện các luận điệu xuyên tạc, kêu gọi, tuyên truyền phá hoại khối Đại đoàn kết toàn dân tộc.

Về dự và chung vui với nhân dân Khu dân cư số 10, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng khi Khu dân cư 10 đã phát huy truyền thống tốt đẹp, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau đạt được rất nhiều thành tựu quan trọng. Chủ tịch Quốc hội chúc mừng và cảm ơn bà con Khu dân cư 10 và nhân dân phường Hòa Hiệp Bắc đã luôn đồng thuận, đồng hành cùng với Thành phố chấp hành thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc triển khai thực hiện dự án cảng Liên Chiểu.

Chủ tịch Quốc hội mong bà con khu dân cư thực hiện tốt 5 đoàn kết trọng điểm trong khu dân cư, đó là: Đoàn kết tham gia phát triển kinh tế, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống và khuyến khích làm giàu chính đáng. Đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, xây dựng gia đình văn hoá, phát huy truyền thống đền ơn đáp nghĩa, tinh thần tương thân tương ái, nhất là những gia đình nghèo, khó khăn, có công với cách mạng. Đoàn kết tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tăng cường đoàn kết trong chấp hành pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Đoàn kết dân chủ và đặc biệt mong muốn bà con thực hiện tốt luật dân chủ cơ sở. Chủ tịch Quốc hội chúc nhân dân ngày càng “hòa thuận, đồng tâm hiệp lực, đoàn kết” xây dựng khu dân cư ngày càng “mười phân vẹn mười”.

Dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xóm Mỏ Gà, xã phú Thượng, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai khẳng định, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc mang lại ý nghĩa to lớn đối với các cộng đồng dân cư, trở thành nét đẹp truyền thống, tôn vinh những giá trị to lớn, bền vững của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; cụ thể hóa phương châm “hướng về cơ sở”, đưa đường lối, quan điểm của Đảng, công tác Mặt trận đến cộng đồng dân cư, đến với từng gia đình và mỗi người dân. Trong không khí vui mừng phấn khởi của Ngày hội Đại đoàn kết, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai cùng các thành viên trong Đoàn công tác và lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên gửi tặng nhiều phần quà ý nghĩa tới xóm Mỏ Gà, các cá nhân, gia đình chính sách và các em học sinh… trên địa bàn.

Về dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư khu vực 12, phường Châu Văn Liêm, thành phố Cần Thơ, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến chia sẻ: “Đại đoàn kết đã làm cho đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định và văn kiện Đại hội Đảng XIII đã chỉ rõ”. Ông Đỗ Văn Chiến cho rằng, cần phải thực hiện tốt hơn nữa chính sách an sinh xã hội, tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành nghiêm chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước. Đồng lòng chung sức xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, có kinh tế phát triển, văn minh văn hóa, an ninh an toàn, mọi nhà mọi người điều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Mỗi người cùng nhau góp công góp sức để xây dựng phường Châu Văn Liêm phát triển giàu đẹp và trên cơ sở đó, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, xây dựng đất nước ta phát triển giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc như Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII đã ban hành. Nhân Ngày hội, Bí thư Trung ương Đảng Đỗ Văn Chiến đã tặng quà Ban công tác mặt trận khu vực 12, trao 3 căn nhà Đại Đoàn kết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và 5 phần quà cho hộ gia đình chính sách tiêu biểu, hộ gia đình khó khăn trên địa bàn phường.

Trong không khí vui mừng phấn khởi của Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc với bà con thôn Cổ Miếu, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cùng lãnh đạo tỉnh đã gửi tặng nhiều phần quà tới các cụ cao niên trong thôn, các hộ gia đình chính sách tiêu biểu và bà con có hoàn cảnh khó khăn.

Ngày 16/11, người dân ở vùng “rốn lũ” Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh - nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của trận lũ cuối tháng 10/2023 đã tham gia Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong đợt mưa lũ vừa qua, địa phương đã có 2 người thiệt mạng, hàng trăm ngôi nhà cùng hoa màu của người dân bị ngập. Đến nay, công tác khắc phục hậu quả mưa lũ đã cơ bản được hoàn thành. Trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, người dân nơi đây đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ của nhiều cơ quan, đơn vị. Ông Phan Đình Hồng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Hà Linh chia sẻ, ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là dịp để nhân dân lấy lại tinh thần sau đợt lũ; là dịp để thắt chặt hơn tình làng, nghĩa xóm, cùng xây dựng khu dân cư văn minh, giàu đẹp hơn.

Tạo nền tảng cho sự ổn định và phát triển của đất nước

Sau 20 năm tổ chức, Ngày hội Đại đoàn kết mang nhiều ý nghĩa thiết thực và sâu sắc, là cầu nối vững chắc giữa Đảng, chính quyền và nhân dân ở khu dân cư. Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc là dịp để mọi người có cơ hội tìm hiểu và khám phá về truyền thống, phong tục, ngôn ngữ và nghệ thuật của các dân tộc. Các hoạt động văn hóa truyền thống như múa hát, diễn tấu nhạc cụ, trang phục truyền thống và nghệ thuật điêu khắc được trình diễn, tôn vinh và bảo tồn các giá trị văn hóa của các dân tộc. Bên cạnh đó, những hoạt động như phát quà, trao học bổng, xây dựng nhà tình thương ... đã được tổ chức để chia sẻ yêu thương và sẻ chia với những người có hoàn cảnh khó khăn.

Trong những năm qua, MTTQ Việt Nam đã góp phần quan trọng trong việc thống nhất và đoàn kết các tầng lớp nhân dân, tạo nên một mặt trận đoàn kết rộng lớn với sự tham gia của các tầng lớp và các tôn giáo khác nhau trong xã hội. Điều này đã tạo nền tảng cho sự ổn định và phát triển của đất nước.

MTTQ Việt Nam phát triển đa dạng các hình thức tổ chức, hoạt động để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài, không phân biệt thành phần giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, quá khứ nhằm động viên mọi nguồn lực góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các tổ chức, chức sắc, người theo tôn giáo và không theo tôn giáo đều đoàn kết, thống nhất trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc..., vận động các tôn giáo cùng tham gia hoạt động nhân đạo từ thiện, hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Phát huy nguồn lực kiều bào, nhất là nguồn lực trí thức trong tổng thể nguồn lực quốc gia cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Bên cạnh đó, MTTQ đã luôn quan tâm đến vấn đề xã hội, phát triển cộng đồng và trở thành một tổ chức chính trị quan trọng trong quá trình phát triển của Việt Nam.

MTTQ đã góp phần động viên Nhân dân đoàn kết, thi đua phát triển kinh tế, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất, khuyến khích làm giàu chính đáng, qua đó đã có nhiều mô hình, cách làm mới, sáng tạo, các hình thức giúp trong xóa đói giảm nghèo, giúp nhau chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mở mang ngành nghề kinh doanh dịch vụ, hỗ trợ việc làm, khởi nghiệp, vốn và các kiến thức kinh doanh.

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, Đảng Đoàn và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức tổng kết 20 năm thực hiện chủ trương ngày hội Đại Đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư; trên cơ sở đó đã ban hành Nghị quyết mới về nâng cao chất lượng, hiệu quả Ngày hội Đại Đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân trong thời gian tới. Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trân trọng đề nghị, các cấp uỷ Đảng, Chính quyền, MTTQ Việt Nam từ thành phố đến cơ sở tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục khó khăn, hạn chế. Đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động này nhằm gắn kết chặt chẽ bà con trong khu dân cư, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống và gắn Ngày hội với giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc".

Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã góp phần tôn vinh những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; nét văn hóa đặc sắc của các tầng lớp dân cư, các dân tộc trên địa bàn cả nước được bảo tồn và phát huy. Thông qua Ngày hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã khơi dậy trong các tầng lớp nhân dân tinh thần đoàn kết và truyền thống thi đua yêu nước dưới sự lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ đổi mới. Cùng với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc khơi dậy mọi nguồn lực từ mỗi con người, gia đình, mỗi cộng đồng khu dân cư, phát huy cao độ sức mạnh đoàn kết từ cơ sở để tạo nên sức mạnh chung của cả cộng đồng dân tộc, tạo động lực mạnh mẽ đưa đất nước ta phát triển vươn lên, thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu.

PV

TTXVN

Có thể bạn quan tâm