Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, trong ngày 13/7, Việt Nam ghi nhận 2.301 ca mắc mới, gồm 5 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh và 2.296 ca trong nước. Thành phố Hồ Chí Minh đang có số mắc tăng lên từng ngày với 1.797 ca. Các tỉnh đang có số mắc cao là Bình Dương 186 ca, Long An 130 ca, Đồng Tháp 31 ca...
Tính đến 18h ngày 13/7, Việt Nam có tổng cộng 32.555 ca ghi nhận trong nước và 1.945 ca nhập cảnh. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27/4 đến nay là 30.985 ca, trong đó có 6.779 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Từ ngày 27/4/2021 đến nay, cả nước đã thực hiện 4.117.627 xét nghiệm cho 10.338.948 lượt người. Tổng cộng đã thực hiện tiêm chủng 4.063.872 liều vắc xin phòng COVID-19, trong đó số người đã được tiêm 1 mũi là 3.783.505 người, số người đã được tiêm đủ 2 mũi là 280.367 người.
Đến nay, nước ta đã thực hiện tiêm chủng 4.063.872 liều vaccine phòng COVID-19. Trong đó, số người đã được tiêm 1 mũi là 3.783.505 người; số người đã được tiêm đủ 2 mũi là 280.367 người.
Cũng trong sáng 13/7, Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi công bố viện trợ thêm 1 triệu liều vaccine AstraZeneca phòng COVID-19 cho Việt Nam, nâng tổng số liều viện trợ cho Việt Nam là 3 triệu liều. Lô vaccine thứ 4 này sẽ được chuyển từ Nhật Bản về Việt Nam (sân bay Tân Sơn Nhất) vào rạng sáng 16/7.
Cuối giờ chiều 13/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long có cuộc làm việc trực tuyến với Bộ phận Thường trực đặc biệt hỗ trợ chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh và các chuyên gia để đánh giá diễn biến đợt dịch thứ 4 và thảo luận các nội dung chuyên môn về điều trị, cách ly, xét nghiệm… trên địa bàn Thành phố và một số địa phương khu vực miền Nam.
Kết quả nghiên cứu của khoảng 20.000 bệnh nhân cho thấy có gần 70% bệnh nhân không ghi nhận triệu chứng. Các trường hợp bệnh nhân có diễn biến nặng xảy ra sau 7 – 10 ngày từ khi phát hiện dương tính.
Căn cứ diễn biến của nồng độ virus và diễn biến lâm sàng, Bộ Y tế quyết định giảm thời gian điều trị và cách ly với bệnh nhân COVID-19.
Theo đó, với các trường hợp mắc COVID-19 không có triệu chứng đang được chăm sóc, điều trị tại các cơ sở y tế, sẽ xét nghiệm RT-PCR vào ngày thứ 9 và ngày thứ 10. Nếu 2 lần xét nghiệm có kết quả âm tính hoặc 2 lần xét nghiệm dương tính nhưng chỉ số nồng độ virus thấp (giá trị CT >=30), thì được xuất viện và không phải thực hiện cách ly vì khả năng lây ra cộng đồng hầu như không có. Tuy nhiên, các trường hợp này vẫn phải theo dõi, giám sát y tế tại nơi lưu trú trong 14 ngày.
Với trường hợp dương tính SARS-CoV-2 phát hiện tại cộng đồng, nếu giá trị CT>=30 thì chuyển đến cơ sở y tế và lấy mẫu xét nghiệm lần 2 sau 24h. Nếu kết quả xét nghiệm lần 2 âm tính hoặc dương tính nhưng giá trị CT>=30 thì bệnh nhân được xuất viện và thực hiện theo dõi, giám sát y tế như trên.
Bộ Y tế cũng đã tổng kết hơn 400 trường hợp tái dương sau khi ra viện và không ghi nhận trường hợp nào lây lan ra cộng đồng. Vì vậy, Bộ Y tế khuyến cáo, nếu các địa phương phát hiện trường hợp tái dương tính trong cộng đồng thì không phải thực hiện các biện pháp cách ly, xử lý ổ dịch. Các trường hợp này cần tiếp tục theo dõi y tế, nếu xuất hiện triệu chứng thì liên hệ ngay với cơ sở y tế để được chăm sóc, theo dõi.
Về vấn đề cách ly, căn cứ thực tiễn, tham khảo các khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, CDC Hoa Kỳ và trao đổi với các địa phương, Bộ Y tế quyết định giảm thời gian cách ly xuống 14 ngày với mọi hình thức cách ly (cách ly tập trung, cách ly tại nhà) cho các đối tượng là người nhập cảnh và các trường hợp F1. Tuy nhiên, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm việc quản lý, giám sát cách ly và bàn giao, theo dõi y tế sau cách ly theo quy định.
Chiều 13/7, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê cho biết, từ ngày 27/4/2021 đến nay, “làn sóng thứ tư” của dịch bệnh COVID-19 đã xuất hiện với tác động và hậu quả rất lớn, số lượng ca bệnh COVID-19 trên cả nước tăng rất nhanh trên 15.000 ca mới và sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, cùng với đó số ca tiến triển nặng, nguy kịch sẽ tăng cao.
Để đáp ứng tốt nhất công tác cấp cứu, hồi sức tích cực các ca bệnh COVID-19 nặng trên phạm vi toàn quốc trong theo nguyên tắc “4 tại chỗ”, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh yêu cầu các đơn vị khẩn trương chuẩn bị sẵn sàng thu dung, cấp cứu, hồi sức tích cực điều trị ca bệnh COVID-19 nặng.
Theo đó, đối với Sở Y tế, cần chỉ đạo bệnh viện đa khoa tỉnh rà soát, bổ sung năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực (ICU) hoặc thiết lập ngay đơn vị hồi sức tích cực (nếu chưa có) để không bị động trước diễn biến dịch.
Đơn vị hồi sức tích cực điều trị COVID-19 phải bảo đảm cách ly riêng biệt với các đơn vị khác trong bệnh viện. Có thể lựa chọn khoa truyền nhiễm của bệnh viện đa khoa tỉnh hoặc một bệnh viện khác phù hợp trên địa bàn.
Đối với tỉnh chưa có dịch hoặc số ca mắc ít cần chủ động chuẩn bị ít nhất 20 giường hồi sức tích cực. Đối với các địa phương có nguy cơ cao (nhiều khu công nghiệp, thị xã đông dân cư…) cần tăng số giường bệnh hồi sức tích cực, chủ động ứng phó trong trường hợp dịch dịch bùng phát.
Cùng với đó, các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế chuẩn bị, bố trí khu vực hồi sức tích cực tách biệt với khu hồi sức tích cực chung và các khoa, phòng khác; báo cáo về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cơ số giường ICU để sẵn sàng tiếp nhận điều trị các ca bệnh COVID-19 nặng, nguy kịch theo phân công của Bộ Y tế và hỗ trợ các địa phương khi cần thiết.
Các đơn vị chuẩn bị phương án để bảo đảm về nhân lực phục vụ, trang thiết bị y tế, danh mục thuốc điều trị, vật tư tiêu hao, trang bị phòng hộ và công tác kiểm soát lây nhiễm theo Quyết định 2626/QĐ-BYT ngày 28/5/2021 của Bộ Y tế cho đơn vị Hồi sức cấp cứu tích cực điều trị người bệnh COVID-19 nặng, đặc biệt chú ý hệ thống khí nén, ô-xy trung tâm, máy thở, camera theo dõi… , sẵn sàng điều trị ngay ca bệnh COVID-19 nặng, nguy kịch trong trường hợp được phân công.
PV