Dùng túi giấy thay túi nilong tại các điểm mua sắm trên vịnh Hạ Long. Ảnh: Văn Đức - TTXVN |
Thế nhưng sự phát triển của hoạt động du lịch cũng gây ra tác động đến môi trường, sinh thái ở các điểm đến, nhất là tình trạng xả rác bừa bãi và ô nhiễm rác thải nhựa. Trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh du lịch và lữ hành toàn cầu do Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá, tiêu chí bảo vệ môi trường của Việt Nam đang là điểm yếu, xếp hạng 129/136 quốc gia xét về tính bền vững của môi trường. Điều này cũng phần nào ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Việt Nam, nhất là trong bối cảnh du khách toàn cầu đang ngày càng ủng hộ du lịch xanh, phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái…
Ngành du lịch đã triển khai nhiều chương trình, hành động cụ thể để góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên và từng bước cải thiện chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh về môi trường. Trong đó, ngành xây dựng bộ tiêu chí nhãn du lịch bền vững Bông sen xanh áp dụng đối với các cơ sở lưu trú du lịch tại Việt Nam; phối hợp kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường du lịch, tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội về bảo vệ môi trường du lịch…
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Công văn số 1857/BVHTTDL-TCDL về bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng túi ni lông, ống hút nhựa, cốc nhựa dùng một lần. Bộ đề nghị các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Du lịch thực hiện và chỉ đạo các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, khu du lịch, điểm du lịch triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường. Trong đó các đơn vị tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, sử dụng ống hút, cốc bằng vật liệu có nguồn gốc hữu cơ hoặc có thể dùng nhiều lần; hạn chế sử dụng túi ni lông, ống hút nhựa, cốc nhựa dùng 1 lần và các sản phẩm khó phân hủy, giảm thiểu rác thải nhựa…
Mới đây nhất, ngành du lịch đã phát động Chiến dịch bảo vệ môi trường du lịch “Go Green – Du lịch Xanh” cam kết chung tay bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên. Chiến dịch này hướng tới nâng cao tính tự giác, ý thức, trách nhiệm chung tay bảo vệ môi trường của tất cả các doanh nghiệp, người lao động trong ngành du lịch, đảm bảo tiêu chí xanh, sạch ở tất cả các điểm du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch của Việt Nam.
Trước mắt, các địa phương, cơ sở du lịch chung tay giảm thiểu có hiệu quả tình trạng xả rác, làm ô nhiễm môi trường tại các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch trên toàn quốc; hạn chế ở mức thấp nhất rác thải nhựa, đặc biệt rác thải nhựa sử dụng một lần và có biện pháp thu gom, xử lý rác thải nhựa phù hợp. Đồng thời, các cơ sở du lịch, lưu trú khuyến khích khách du lịch sử dụng và mang túi chất liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng trong khi đi du lịch…
Nhiều doanh nghiệp lữ hành, du lịch, lưu trú cũng đã chủ động bắt tay hành động nhằm cải thiện tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa, nhất là nhựa dùng một lần ngay tại đơn vị. Ví dụ như thay vì phát chai nước nhựa cho du khách nay các đơn vị đã chuyển dần sang dùng bình nước lớn, tái sử dụng chai đựng nước. Các phòng họp, khách sạn chuyển chai nước nhựa sang dùng dùng cốc, chai thuỷ tinh để dùng được nhiều lần. Nhiều cơ sở dịch vụ ăn uống đã thay thế ống hút nhựa bằng ống hút tre, inox, giấy...
Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cho biết từ ngày 1/9 tới đây, các đơn vị kinh doanh trên Vịnh Hạ Long sẽ dùng đồ bằng giấy, thủy tinh, vật liệu sinh học thân thiện với môi trường, dễ phân hủy thay cho các sản phẩm nhựa dùng một lần. Bên cạnh đó, Ban Quản lý tuyên truyền và khuyến cáo du khách hạn chế sử dụng chai nhựa, túi nylon khi đi tham quan.
Thanh Giang