Hộ nghèo và gia đình chính sách làm thủ tục vay vốn NHCSXH tại điểm giao dịch xã Long Bình, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: TTXVN |
Để đưa đồng vốn chính sách của Chính phủ đến tận tay người nghèo và các đối tượng chính sách trên cả nước với chi phí thấp nhất, hiệu quả cao nhất, những năm qua, NHCSXH đã xây dựng mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng đặc thù, hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Mạng lưới hoạt động của NHCSXH gồm 63 chi nhánh cấp tỉnh, 629 phòng giao dịch cấp huyện và gần 11 nghìn điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn trên cả nước. Ngoài ra, hệ thống gần 200 nghìn tổ tiết kiệm và vay vốn do các Hội đoàn thể quản lý tại các thôn xóm, bản làng, đến tận vùng sâu, vùng xa, hải đảo đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn chính sách của Nhà nước. Có thể khẳng định, NHCSXH là tổ chức tín dụng duy nhất đã xây dựng được mạng lưới giao dịch gần dân nhất, trải khắp cả nước xuống tận các xã, là điều kiện tiên quyết để xoá tình trạng xã trắng về tín dụng của Nhà nước.
Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ nông dân ở tỉnh Đắk Nông đã đầu tư tái canh cây cà phê, cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: TTXVN |
Những đóng góp của NHCSXH được thể hiện qua những con số ấn tượng về giảm nghèo, an sinh xã hội trên toàn quốc, đặc biệt là tại những khu vực trọng yếu, khó khăn nhất cả nước như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.
Tại khu vực Tây Bắc, vốn tín dụng chính sách thực hiện tại vùng trong giai đoạn 2011 - 2015 đã góp phần đáng kể đưa tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn giai đoạn 2011 - 2015 giảm từ 34,58% (cuối năm 2010) xuống còn 14,97% (năm 2015), trong đó, 45 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a giảm từ 57,52% (năm 2010) xuống còn 26% (năm 2015).
Tại khu vực Tây Nam Bộ, nguồn vốn tín dụng cũng góp phần tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2 con số xuống còn 4% - 5%.
Nhiều học sinh nghèo ở huyện Sa Pa (Lào Cai) được tiếp tục học tập nhờ nguồn vốn hỗ trợ của NHCSXH. Ảnh: TTXVN |
14 năm hoạt động với hơn 20 chương trình cho vay, đặc biệt là các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, cho vay giải quyết việc làm, cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, cho vay học sinh, sinh viên và sắp tới là cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, NHCSXH đã trở thành "cứu cánh" cho người nghèo.
Từ nguồn vốn vay của NHCSXH, nhiều hộ nghèo ở Tây Nguyên đã có thêm nguồn lực tài chính phát triển chăn nuôi mang tính hàng hóa. Ảnh: TTXVN |
Hoạt động của NHCSXH không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Theo đánh giá của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, mặc dù thành lập chưa lâu nhưng mô hình hoạt động mà NHCSXH đang triển khai có tính ưu việt, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và có quy mô lớn hơn nhiều ngân hàng chuyên về phục vụ người nghèo ở trong khu vực và trên thế giới...