Ngăn chặn bẫy “việc nhẹ, lương cao” ở Tây Nguyên (Bài cuối)

Cả làng Kloong chờ đón 5 thanh niên trở về sau khi bị lừa bán qua Campuchia. Ảnh: Hồng Điệp – TTXVN
Cả làng Kloong chờ đón 5 thanh niên trở về sau khi bị lừa bán qua Campuchia. Ảnh: Hồng Điệp – TTXVN

Bẫy “việc nhẹ, lương cao” được các đối tượng lừa đảo thực hiện thành công có một phần nguyên nhân từ nhận thức của chính các nạn nhân, khi quá tin tưởng vào lời mời chào về công việc với mức lương đáng mơ ước trên mạng xã hội. Vì vậy, nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số là giải pháp căn cơ để ngăn chặn tình trạng trên. Đồng thời, việc đào tạo nghề, tạo việc làm có thu nhập ổn định cho người lao động cũng là giải pháp lâu dài, góp phần phá vỡ bẫy “việc nhẹ, lương cao” của các đối tượng lừa đảo ở Tây Nguyên.

Bài cuối - Nâng cao nhận thức, tạo việc làm - giải pháp căn cơ

Nâng cao nhận thức, cảnh giác cho người dân

Ngay sau khi xảy ra các vụ án lừa đảo, đưa người trái phép sang Campuchia làm việc, Công an các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông đã phát đi cảnh báo về bẫy “việc nhẹ, lương cao” đến người dân trong tỉnh. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ, Công an các huyện, thành phố trên địa bàn các tỉnh tăng cường biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người.

Thượng tá Ngô Gia Cường, Trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Gia Lai cảnh báo, người dân nếu có nhu cầu tìm việc làm không nên tin vào các thông tin tuyển dụng trên mạng xã hội mà cần tìm hiểu kỹ nội dung công việc, địa chỉ cụ thể để tránh trường hợp bị lừa, bán sang Campuchia. Thượng tá Ngô Gia Cường đề nghị, hệ thống chính trị các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền đến từng người dân; đồng thời, các nhà mạng viễn thông tuyên truyền cụ thể các thủ đoạn lừa đảo đến từng số thuê bao người dân.

Ngăn chặn bẫy “việc nhẹ, lương cao” ở Tây Nguyên (Bài cuối) ảnh 1Cả làng Kloong chờ đón 5 thanh niên trở về sau khi bị lừa bán qua Campuchia. Ảnh: Hồng Điệp – TTXVN

Lực lượng Bộ đội Biên phòng các tỉnh đóng vai trò chủ chốt trong công tác tuyên truyền ở khu vực biên giới. Đại tá Lê Quốc Việt, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kon Tum cho biết, đơn vị đã chỉ đạo các đồn tiếp tục tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác, đặc biệt là thanh niên, người lao động trẻ tuổi, không để các đối tượng dụ dỗ, lôi kéo sang Campuchia làm việc trái phép.

Đại tá Trần Tiến Hải, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Gia Lai khẳng định, thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường tuyên truyền tại các Đồn Biên phòng cơ sở bằng hình ảnh trực quan, sinh động, lấy các hình ảnh thực tế từ vụ việc 7 nạn nhân tại làng Kloong, xã Ia O, huyện Ia Grai. Tuy nhiên, để nâng cao ý thức của người dân, cảnh giác với tình trạng lừa đảo việc nhẹ lương cao đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị địa phương.

Các địa phương cần chú trọng phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng. Qua đó, tạo ra sự đồng tình, ủng hộ từ người dân. Ông Y Thôn Niê, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Ea Tar, huyện Cư M’gar, tỉnh Đăk Lăk cho biết, chính quyền địa phương đã phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức tuyên truyền, vận động người dân nắm được những thủ đoạn, chiêu trò của các đối tượng lừa đảo để đề cao cảnh giác. Đặc biệt, chính quyền địa phương đã phối hợp chặt chẽ với đội ngũ trưởng buôn, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số để đẩy mạnh tuyên truyền đến bà con về thủ đoạn, chiêu trò lừa đảo tương tự. Từ đó, người dân đề cao cảnh giác và không trở thành nạn nhân của chiêu trò lừa đảo trên.

Một thành phần không thể thiếu trong quá trình tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân về bẫy “việc nhẹ, lương cao”, chính là những “nạn nhân” trở về từ nước bạn. Với người thật, việc thật, công tác tuyên truyền sẽ trở nên thuận lợi hơn. Nạn nhân P.H.N (huyện Cư M’gar, tỉnh Đăk Lăk) chia sẻ: Cũng vì nhẹ dạ, cả tin, em đã sập bẫy các đối tượng lừa đảo. Khi đến Campuchia bị ép làm việc phạm pháp, bị đánh đập, em rất sợ hãi và tìm cách để về được Việt Nam. Những bạn trẻ tuổi trong khi tìm kiếm việc làm cần cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo tương tự để trách hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Đẩy mạnh đào tạo, tìm việc làm phù hợp

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng các tỉnh Tây Nguyên, việc có nhiều người lao động rơi vào bẫy “việc nhẹ, lương cao” xuất phát từ nhu cầu tìm việc làm của người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số sau giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Mặc dù các địa phương đã có nhiều chính sách tạo việc làm cho người dân, đặc biệt là lao động nông thôn, song nhiều hoạt động, mô hình hướng nghiệp vẫn chưa đạt hiệu quả.

Ngăn chặn bẫy “việc nhẹ, lương cao” ở Tây Nguyên (Bài cuối) ảnh 2Puih Thái được lực lượng chức năng giải cứu thành công từ Campuchia. Ảnh: TTXVN phát

Tại tỉnh Gia Lai, hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã giải quyết việc làm cho 25.000 người bước vào độ tuổi lao động. Các đơn vị chuyên môn đã thẩm định hồ sơ chấp thuận cho 14 doanh nghiệp ngoài tỉnh được tuyển chọn lao động trong tỉnh đi làm việc tại doanh nghiệp trong nước và xuất khẩu lao động. Ông Trần Thanh Hải, Phó Giám đốc sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ tăng cường phối hợp với chính quyền cơ sở để đẩy mạnh tuyên truyền về các quy định tuyển dụng, sử dụng lao động. Đồng thời, tăng cường hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm để người lao động nắm bắt, tìm việc, hạn chế tình trạng tự tìm việc qua kênh không chính thống, ngăn ngừa rủi ro cho người lao động.

Ông Siu Nghiệp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai cho hay, Ủy ban nhân dân xã sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị thuộc Binh đoàn 15 đứng chân trên địa bàn tổ chức các buổi hướng nghiệp, tuyển dụng lao động vào làm việc tại các nông trường cao su, tạo công ăn việc làm ổn định cho thanh niên trong khu vực. Ngoài ra, xã sẽ phối hợp với các ban, ngành của huyện tổ chức phiên chợ việc làm và các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Tại tỉnh Đăk Nông, theo ông Hoàng Viết Nam, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, để hỗ trợ người lao động tìm việc, Sở đã liên hệ với các tỉnh, công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để kết nối cung cầu. Các bên đã khảo sát trình độ người lao động, từ đó có hướng đào tạo nghề phù hợp nhằm cung ứng cho thị trường.

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Nông, đối tượng chính cần đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề là người lao động trong độ tuổi thanh, thiếu niên, người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số ở các khu vực vùng sâu vùng xa, vùng biên giới... Việc đào tạo nghề, kết nối cung cầu lao động để các em có việc làm, thu nhập ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo, không bị rơi vào bẫy “việc nhẹ, lương cao” bên kia biên giới.

Tại tỉnh Kon Tum, năm 2022, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với các địa phương trong tỉnh giải quyết việc làm cho 6.200 lao động, chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Nguyễn Trung Thuận, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội tỉnh Kon Tum cho biết, ngay từ đầu năm, Sở đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố triển khai ngay việc hỗ trợ cho người lao động bằng nhiều hình thức như tư vấn, giới thiệu việc làm cho người dân; trong đó tập trung vào nhóm đối tượng là người dân tộc thiểu số, đặc biệt là thanh niên.

Có thể khẳng định, bẫy “việc nhẹ, lương cao” chắc chắn vẫn chưa dừng lại khi môi trường hoạt động là khá rộng trên mạng xã hội. Các giải pháp căn cơ đã được các tỉnh khu vực Tây Nguyên đưa ra, song các cơ quan chức năng cần thực hiện đồng bộ, quyết liệt, triệt để; trong đó, vai trò của cộng đồng trong việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bẫy “việc nhẹ, lương cao” cần phát huy tối đa, góp phần cảnh tỉnh những người đang có ý định xuất cảnh trái phép tìm việc làm.

Nhóm PV TTXVN tại khu vực Tây Nguyên

TTXVN

Có thể bạn quan tâm