Từ tháng 7/2022, liên tiếp các vụ việc người lao động tại Việt Nam bị dụ dỗ xuất cảnh trái phép để làm việc ở các công ty ở Campuchia đã được lực lượng chức năng phát hiện, giải cứu hoặc hỗ trợ đưa về với gia đình. Tại khu vực Tây Nguyên, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số, người lao động trẻ tuổi, các đối tượng lừa đảo đã tìm cách móc nối, tìm kiếm “con mồi” để đưa sang nước bạn. Do “nhẹ dạ, cả tin”, nhiều nạn nhân đã nghe theo lời xúi giục, rơi vào cạm bẫy “việc nhẹ, lương cao”, gây nhiều hoang mang, lo lắng cho gia đình, người thân. Phóng viên TTXVN thực hiện chùm 3 bài viết giúp nhận diện rõ thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo, nâng cao nhận thức cho người dân, không để tái diễn tình trạng trên.
Bài 1- Vỡ mộng
Nghe theo lời dụ dỗ ngon ngọt của các đối tượng lừa đảo, nhiều nạn nhân đã sẵn sàng rời bỏ quê hương, gia đình sang Campuchia làm việc trái pháp luật với hy vọng có được mức lương “trong mơ” để cải thiện đời sống. Thế nhưng, khi bước chân vào những nơi làm việc được giới thiệu như “thiên đường”, nhiều người mới dần nhận ra đã lỡ sa chân vào cổng “địa ngục”. Không chỉ bị đánh đập tàn nhẫn khi không hoàn thành công việc được giao, các nạn nhân còn bị xem như món hàng để mua đi, bán lại kiếm lời; yêu cầu tiền chuộc nếu muốn quay trở về Việt Nam.
Từ bị hành hạ, đánh đập
Em P.H.N (sinh năm 2005, trú thôn 4, xã Ea Tar, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) sang Campuchia làm việc trái phép tại một công ty ở tỉnh Preah Sihanuok từ đầu tháng 6/2022. Công việc của em là lập các tài khoản trên mạng xã hội zalo, facebook, giả danh là nữ để tìm kiếm, kết bạn, làm quen với các đối tượng là người Việt Nam ở nước ngoài, dụ dỗ tham gia các trò chơi có nạp tiền trên mạng với mục đích lửa đảo chiếm đoạt tiền. Do không đạt yêu cầu của chủ đặt ra, em P.H.N đã bị nhốt, bỏ đói, đánh đập, chích điện tại công ty làm việc. Bị đánh đập, hành hạ tàn nhẫn nên khi được trở về Việt Nam, tay của P.H.N vẫn còn in lại những vết sẹo cháy xém - minh chứng rõ ràng nhất cho chuỗi ngày ám ảnh nơi xứ người mà em phải gánh chịu.
Rơi vào hoàn cảnh tương tự, 7 nạn nhân gồm các em: Puih Đ. (sinh năm 1998), Puih M. (sinh năm 2004), Puih J. (sinh năm 2003), Puih Ch. (sinh năm 2000), Puih G. (sinh năm 1995), Puih Th. (sinh năm 1994) và Puih Ph. (sinh năm 2006) cùng trú làng Kloong, xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể về những tháng ngày sống trong lo sợ tại Campuchia. Đầu tháng 6/2022, 7 nạn nhân rời làng Kloong vào Thành phố Hồ Chí Minh làm thuê, rồi bị các đối tượng lừa đảo sang nước bạn làm việc. Công việc của các em được giao là thao tác trên máy tính, gọi điện về Việt Nam lừa đảo người trong nước thông qua các hình thức như tuyển cộng tác viên bán hàng, kêu gọi đầu tư, lôi kéo dụ dỗ đi làm việc tại Campuchia… Tuy nhiên, do không được học hành đầy đủ, chưa tiếp cận nhiều với công nghệ thông tin, các nạn nhân đã không thực hiện được công việc theo yêu cầu. Vì vậy, các em đã bị đánh đập, bỏ đói, chích điện.
Được lực lượng chức năng đưa trở về Việt Nam vào ngày 7/7, Puih Đ. kể lại: Mọi người bị bắt làm việc trên các trang mạng xã hội, trong một căn phòng lớn khoảng hơn 100 người. Em và mọi người không được học hành, không biết làm việc trên máy vi tính nên bị đánh đập, bị bỏ đói nhiều ngày, rồi còn bị chích điện đến chết đi sống lại.
Chỉ tay vào những mảng tím bầm trên cơ thể do bị đánh, những chỗ đau nhức khi bị chích điện, Puih Ch., Puih M., Puih J. đều hoảng loạn, giọng run run kể về chuỗi ngày bị hành hạ, nhốt trong căn phòng không có nhà vệ sinh, không có nước uống, không biết tiếng nước ngoài để van xin… Khi đó, mọi người trong nhóm đều nghĩ không bao giờ được trở về quê nhà, cho đến khi được lực lượng chức năng giải cứu.
Đến bị xem như món hàng
Em Y.L (sinh năm 2006, trú làng Kei Joi, xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) là một trong những nạn nhân của các đối tượng lừa đảo sang Campuchia làm việc trái phép. Giống như những nạn nhân khác, em được yêu cầu làm việc trên máy tính, lên mạng xã hội kết bạn, lôi kéo khách hàng nạp tiền vào app game. Khi không hoàn thành công việc, Y.L đã bị bán cho 6 công ty khác nhau với mức giá tăng dần, từ 1.800 USD ở công ty đầu tiên lên 2.800 USD ở công ty thứ hai. Đến lần bị bán cuối cùng, mức giá của Y.L là 3.600 USD.
Không thể tiếp tục làm việc, Y.L xin được quay trở về Việt Nam. Khi đó, các công ty yêu cầu em gọi điện về gia đình đề nghị trả 85 triệu đồng để chuộc về. Ông A Van (bố của Y.L) cho biết, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào nông nghiệp và công đi làm thuê nên khi nhận được lời đề nghị chuộc con, ông đã chạy vạy khắp nơi để vay tiền nhưng vẫn không đủ. Vì vậy, ông đã đến trình báo với lực lượng Bộ đội Biên phòng, nhờ hỗ trợ, giúp đỡ. Đến ngày 20/8/2022, Y.L mới được trở về nhà sau khi lực lượng chức năng vào cuộc.
Không may mắn như Y.L, gia đình em B.H.H (xã Thuận Hạnh, huyện Đăk Song, tỉnh Đăk Nông) đã phải bỏ ra số tiền 67 triệu đồng để chuộc lại em từ tay các công ty sử dụng lao động trái phép tại Campuchia. H qua bên kia biên giới từ tháng 5/2022 để làm việc qua lời giới thiệu của bạn, song nhanh chóng nhận ra đây chỉ là một công ty lừa đảo. Công việc căng thẳng, điều kiện ăn ở chật chội, H đòi công ty cho em về lại Việt Nam. Các đối tượng ra điều kiện cho gia đình H phải trả đủ số tiền mới cho về. Nhận tin của con, gia đình H đã mang theo tiền, xuất cảnh trái phép để đi chuộc con.
Theo thống kê của Công an huyện Đăk Song, địa bàn huyện ghi nhận 7 lao động tuổi từ 16 - 18 bị lừa sang nước ngoài làm việc; trong đó có 4 trường hợp đã được gia đình chuộc về với số tiền từ 50 - 90 triệu đồng/trường hợp. Những trường hợp không có tiền chuộc sẽ bị trừng phạt theo kiểu “xã hội đen”.
Thượng tá Nguyễn Đức Thùy, Trưởng Công an huyện Đắk Song cho biết, trong 4 người trở về, có gia đình phải bỏ ra 67 - 80 triệu đồng để chuộc người thân. Cá biệt, có trường hợp bị đòi số tiền lên đến 120 triệu đồng.
Tương tự, nhóm 7 nạn nhân tại làng Kloong, xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai bị các công ty yêu cầu gia đình nộp số tiền chuộc từ 50 - 150 triệu đồng/người.
Việc hành hạ, đánh đập, xem các nạn nhân như một món hàng để trao đổi, mua bán, đòi tiền chuộc là vi phạm nghiêm trọng quyền con người. Với những người may mắn được giải cứu, hay được gia đình chuộc về, đây được xem như một bài học cảnh tỉnh để cảnh giác, không rơi vào “cái bẫy” tương tự do những đối tượng lừa đảo đặt ra. Thế nhưng, với những nạn nhân chưa thể thoát ra được, “địa ngục trần gian” vẫn đang bủa vây, chưa biết khi nào mới có thể trở về với quê hương, gia đình. (Còn tiếp-Bài 2: Nhận diện thủ đoạn)
Nhóm PV TTXVN khu vực Tây Nguyên