Ngôi nhà sàn của gia đình chủ hôn lễ được bắc cầu nối với những ngôi nhà giáp ranh. Nhà qua nhà, sàn nối sàn. Cỗ cưới bày trên các mành chiếu cót, đều do đôi tay của những người thợ rèn cứng cỏi, khô ráp, pha chế xào nấu. Ngoài các món chính là rau, thịt... như các cỗ cưới khác, ở đây các mâm còn có chục trứng gà luộc, là món khai vị đón khách. Tò mò tìm hiểu nguyên do, cuối cùng tôi nhận được lời giải thích vô cùng bình dị:“Đã là trứng thì ắt sẽ nở... cầu mong cho đôi vợ chồng trẻ thôi mà!”.
Cô dâu và chú rể trong ngày cưới ở xóm Pác Rằng, xã Phúc Sen (Quảng Uyên). |
Người đến dự đám cưới, từ người cao tuổi cho đến trẻ em đều vận trên mình bộ trang phục của người Nùng An, do bà con tự làm, từ se sợi đến nhuộm chàm và khâu thêu thành quần áo. Cô dâu và chú rể sính trên mình trang phục truyền thống của dân tộc. Đi bên nhau nâng ly rượu hồng mời khách. Không cần đến những họa tiết cầu kỳ, cô dâu Nùng vẫn nổi bật bởi chiếc khăn được kết với mái tóc thật duyên dáng. Được biết, quần áo hôn lễ là kỷ vật thiêng liêng của cha mẹ làm tặng con, mong muốn con cháu lưu truyền gìn giữ, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Những người lớn tuổi trong làng cho biết, ngày cưới được lựa chọn một cách thận trọng do thầy tào, thầy mo xác định, thường là ngày có phúc cho nhà trai, có lộc cho đôi vợ chồng trẻ. Đám cưới diễn ra từ 2 - 3 ngày: Buổi chiều hôm trước tại nhà gái và buổi chiều hôm sau tại nhà trai. Hôm trước với nghi thức làm lễ đón dâu, hôm sau với nghi thức nhập gia. Thành phần đoàn đón dâu gồm: Ông mối, chú rể, phù rể cùng hai cô đón và những người mang đồ sính lễ. Từ nhà trai đi ra, các thành viên trong đoàn không được giẫm lên bậc cửa chính. Đến nhà gái, sau khi uống nước xong là thủ tục lễ trình tổ tiên. Một nghi lễ rất quan trọng trong phong tục của người Nùng An, cho dù lễ tiết ở các địa phương có phần khác nhau đôi chút. Trước khi cô gái xuất gia, theo tục lệ của người Nùng phải làm lễ “tách ma” (xuất gia) cho con gái về nhà chồng. Ông mối lại thắp hương lên bàn thờ tổ tiên để xin phép được đón dâu. Đến giờ đẹp, đoàn đưa dâu làm lễ ra cửa. Người Nùng An có tục khi đoàn đưa dâu ra khỏi bản được một quãng đường thì “Tả slưng” (ông cậu) bắt đầu khởi hành đi theo, mang theo hai bó hương để thắp trên đường đi từ nhà cháu gái đến nhà cháu rể với ý nghĩa là cầu mong các thiên thần, ma quỷ không làm trắc trở cho đoàn đưa đón dâu. Trên đường về nhà trai, đoàn đưa, đón dâu phải tuân thủ một số kiêng kỵ và nhiều nghi lễ như: khi đi qua cầu, sông, suối phải bỏ một số tiền xuống nước. Đi qua chỗ linh thiêng như miếu thờ, rừng cấm, đèo Phựt... cô dâu che ô lên đầu. Trước khi vào nhà trai, người ta làm lễ “cải sát” cho cô dâu, với ý nghĩa xua đuổi các tà ma bám theo cô trên đường về nhà chồng. Đến giờ đã định, “Tai sống” (người dẫn dâu) đưa cô dâu ra làm lễ bái tổ. Cô dâu quỳ trước bàn thờ để ông mối kính báo với tổ tiên và mong được công nhận là thành viên mới của gia đình. Nhưng đến chiều tối, cô dâu vẫn trở về nhà mình, để 3 ngày sau mới quay trở lại chính thức sinh hoạt tại gia đình chồng. Trên giường ngủ của đôi tân hôn, người ta lấy chiếc chiếu đem từ nhà cô dâu ra trải và thầy mo, bà then khấn niệm thần chú lên đó để đôi vợ chồng trẻ “không rời nhau được”. Trong buồng bao giờ cũng có ngọn đèn dầu và thắp mãi cho đến khi tự tắt mới thôi. Đây là lễ tơ hồng không thể thiếu trong đám cưới của người Nùng. Cuốn hút bởi những câu chuyện về phong tục tập quán trong lễ cưới của người Nùng An, cùng với những chén rượu vơi đầy của bà con dân tộc trong tiếng lày cỏ của đám thanh niên và những lời chúc mừng hạnh phúc. Vẫn chưa tàn cuộc, sàn nối sàn, cùng cất lên những làn điệu gắn bó từ: Sli, Nàng ới đều được các bà, các cô, các ông nối lời đối đáp; Thương nhau nước đựng sành không chảy Không thương nhau nước đựng chậu cũng trôi Yêu nhau giấy bọc lửa không cháy.... Ngày cưới của một gia đình, nhưng là ngày hội của cả bản làng nơi đây.
Báo Cao Bằng