Nâng tầm giá trị nông sản nhờ dán tem truy xuất nguồn gốc

Nâng tầm giá trị nông sản nhờ dán tem truy xuất nguồn gốc

Gần đây, việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa, nhất là đối với các mặt hàng nông sản có vai trò quan trọng đối với người sản xuất và doanh nghiệp, hợp tác xã.... Nông sản gắn tem truy xuất sẽ giúp minh bạch nguồn gốc sản phẩm bằng sự giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước. Trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, hiện có một số mặt hàng nông sản đã được gắn tem truy xuất nguồn gốc giúp nâng cao giá trị của sản phẩm.

Nâng tầm giá trị nông sản nhờ dán tem truy xuất nguồn gốc ảnh 1Thực hiện truy xuất nguồn gốc trên sản phẩm tiêu sữa của Hợp tác xã Nông nghiệp- Dịch vụ - Du lịch Bàu Mây, huyện Xuyên Mộc. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Điển hình như Hợp tác xã Nông nghiệp Thương mại Du lịch Bầu Mây, ấp Phú Tâm, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc có hơn 30 ha trồng tiêu đen, tiêu đỏ, tiêu không hạt…. Trung bình mỗi năm, cung cấp cho thị trường trong nước khoảng 200 tấn hạt tiêu và các sản phẩm được chế biến từ tiêu. Các sản phẩm được chế biến từ hạt tiêu Bầu Mây cũng đã xuất khẩu thành công sang nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… với giá cao từ 250.000 đồng/kg tới 15 triệu đồng/kg.

Ông Lâm Ngọc Nhâm, Giám đốc Hợp tác xã Bầu Mây cho biết, để có kết quả này, năm 2015, hợp tác xã đã bắt đầu xây dựng quy trình sản xuất theo hướng GlobalGAP. Sau 3 năm, 15 ha cây hồ tiêu của hợp tác xã đã được cấp bằng chứng nhận GlobalGAP (chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu). Đồng thời, ký kết hợp tác với Hợp tác xã Nông nghiệp Số để phát triển tem, nhãn, quy trình truy xuất nguồn gốc và quản trị thương hiệu.

Đây là bước ngoặt quan trọng để hợp tác xã xây dựng vùng nguyên liệu lớn, nâng tầm thương hiệu tiêu Bầu Mây. Trong năm 2019, Hợp tác xã Bầu Mây đã xuất khẩu hơn 100 tấn hồ tiêu sang các thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... với giá cao hơn gấp nhiều lần giá thị trường.

Ông Nhâm chia sẻ, nhờ sản xuất cây hồ tiêu theo quy trình, tiêu chuẩn, sản phẩm có dán tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng nên tiêu Bầu Mây có sức cạnh tranh, chỗ đứng nhất định trên thị trường trong nước và thế giới như hiện nay. Việc sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc đã giúp người tiêu dùng minh bạch về sản phẩm, không sợ bị làm hàng nhái, hàng giả. Từ đó sản phẩm đã có thể dễ dàng đi vào các siêu thị, xuất khẩu đi các nước trên thế giới.

Nâng tầm giá trị nông sản nhờ dán tem truy xuất nguồn gốc ảnh 2 Ông Hồ Văn Kiệt, Giám đốc Hợp tác xã bưởi da xanh Sông Xoài, đóng gói sản phẩm đã dán tem truy xuất nguồn gốc. Ảnh: Hoàng Nhị - TTXVN

Từ năm 2018, Hợp tác xã bưởi da xanh Sông Xoài, xã Sông Xoài, thị xã Phú Mỹ được sự hỗ trợ từ một doanh nghiệp đã triển khai gắn tem truy xuất nguồn gốc trên sản phẩm bưởi da xanh của hợp tác xã. Hợp tác xã cũng ổn định diện tích sản xuất bưởi theo quy trình an toàn hữu cơ.

Hiện nay, sản lượng bưởi của toàn Hợp tác xã bưởi da xanh Sông Xoài đạt khoảng 2.900 tấn/năm; trong đó, có đến 30% sản lượng bưởi đã được sản xuất theo quy trình hữu cơ nghiêm ngặt và đã được dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nhờ đó, các sản phẩm này giá bán bao giờ cũng cao hơn các giá thị trường từ 50% và không đủ cung cấp cho thị trường.

Ông Hồ Văn Kiệt, Giám đốc Hợp tác xã bưởi da xanh Sông Xoài cho biết, thời gian gần đây, với sự phát triển ồ ạt của nhiều vùng trồng bưởi đã có sự trà trộn vào sản phẩm bưởi da xanh Sông Xoài bán ra thị trường. Nhiều khách hàng sẽ nhầm lẫn ảnh hưởng lớn đến chất lượng cũng như thương hiệu của sản phẩm. Từ đó hợp tác xã quyết định triển khai việc dán tem truy xuất nguồn gốc trên sản phẩm bưởi da xanh. Những sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc là những sản phẩm được sản xuất theo quy trình an toàn, sạch, chất lượng bưởi cao, an toàn.

Bên cạnh sản phẩm tiêu Bầu Mây và bưởi da xanh Sông Xoài, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu còn có một số loại trái cây như chuối, thanh long, bưởi, tiêu, rau xanh… được các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân xây dựng quy trình canh tác sạch đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và được truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, số lượng sản phẩm thực hiện truy xuất nguồn gốc chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Do đó, từ năm 2019, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã thực hiện Đề án “Triển khai, áp dụng, quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” với mục đích tạo sự liên kết chặt chẽ trong từng khâu sản xuất, kiểm soát được chất lượng sản phẩm; tạo lòng tin của người tiêu dùng, hình thành thói quen tiêu dùng thực phẩm an toàn có địa chỉ. Đây còn là giải pháp giúp nâng cao nhận thức nhằm thay đổi hành vi của người sản xuất theo hướng minh bạch thông tin sản phẩm.

Ông Trịnh Đức Toàn, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Quản lý nông lâm thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết, truy xuất nguồn gốc là việc công khai, minh bạch về quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản của mình với người tiêu dùng. Hiện nay, có 2 hình thức truy xuất nguồn gốc điện tử được áp dụng chủ yếu là công nghệ blockchain và quét mã QR. Thông qua các ứng dụng công nghệ này, người tiêu dùng có thể quét mã bằng điện thoại thông minh. Chỉ cần một thao tác quét mã đơn giản, người tiêu dùng sẽ được cung cấp thông tin chi tiết cho mặt hàng mình mua.

Đối với người sản xuất, khi áp dụng các ứng dụng truy xuất nguồn gốc điện tử có thể cập nhật hồ sơ về sản phẩm rõ ràng, nhanh chóng, không mất nhiều thời gian cho việc ghi chép và lưu trữ nhật ký sản xuất như cách ghi chép truyền thống. Đối với người tiêu dùng có thể dễ dàng truy cập thông tin hồ sơ của sản phẩm thông qua thao tác quét mã. Bộ thông tin được cập nhật trên hồ sơ điện tử sẽ rất khó bị làm giả và sửa đổi. Đây và chìa khóa giúp người sản xuất tạo dựng được niềm tin vững chắc hơn cho người tiêu dùng.

Theo kế hoạch, năm 2020, các ngành chức năng sẽ triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với một số nhóm sản phẩm, hàng hóa theo yêu cầu quản lý nhà nước của các Bộ, cơ quan liên quan và nhu cầu của doanh nghiệp. Đến năm 2025, phấn đấu tối thiểu 20% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ sử dụng mã số, mã vạch trên địa bàn tỉnh có hệ thống truy xuất nguồn gốc; đồng thời triển khai, áp dụng các văn bản pháp luật quy định quản lý, xử lý vi phạm về truy xuất nguồn gốc và thực hiện kết nối cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia.

Ông Trịnh Đức Toàn thông tin thêm, để triển khai đề án, trong năm 2020, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện tuyên truyền, phổ biến về các hoạt động truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, phối hợp cùng Trung tâm doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển tổ chức tập huấn về công nghệ và các hình thức truy xuất nguồn gốc sản phẩm hiện nay. Sau khi triển khai các bước về tuyên truyền, Chi cục sẽ tiến hành xây dựng thí điểm truy xuất nguồn gốc một số sản phẩm trên địa bàn tỉnh.

Để phát triển có chọn lọc, hiện tỉnh đã xây dựng quy hoạch phát triển 4 loại đặc sản của tỉnh gồm: nhãn 1.200 ha, mãng cầu ta 1.000 ha, bưởi da xanh 500 ha; thanh long 300 ha. Các loại trái cây này sẽ được hỗ trợ để xây dựng thương hiệu và thực hiện đầy đủ các quy trình truy xuất nguồn gốc, từ đó nâng cao giá trị nông sản Bà Rịa-Vũng Tàu không chỉ trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu.

Hoàng Nhị

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm