Ngày 23/10, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La bế mạc Lễ hội cà phê tỉnh Sơn La lần thứ nhất năm 2023.
Lễ hội diễn ra từ ngày 20/10 - 23/10, gồm chuỗi các hoạt động, như: Gala cà phê; Hội chợ triển lãm “Cà phê Sơn La - Hội nhập và phát triển”; Hội thảo phát triển bền vững, nâng tầm giá trị cà phê Sơn La; Hội thi Nhà nông đua tài; trải nghiệm, khám phá tour du lịch cà phê; kết nối giao thương sản phẩm cà phê; khánh thành nhà máy chế biến cà phê Sơn La; khai trương dây truyền sản xuất trà Cascara...
Một trong những hoạt động quan trọng tại Lễ hội năm nay là việc khánh thành và đi vào hoạt động của Nhà máy chế biến cà phê. Nhà máy do Công ty cổ phần Chế biến cà phê Sơn La đầu tư xây dựng trên diện tích gần 4,1 ha, tại bản Thống Nhất, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn, công suất thiết kế 50.000 tấn quả tươi/năm; dây chuyền xát ướt tiết kiệm nước tuần hoàn và dây chuyền xát khô kín không phát bụi.
Với các hạng mục chính, như: Nhà xưởng chế biến, nhà kho thành phẩm, nhà lưới phơi cà phê, phòng thí nghiệm kiểm soát chất lượng, nhà điều hành khu xử lý nước thải, hệ thống bể xử lý nước thải và các công trình phụ trợ; hệ thống xử lý nước thải công suất 500 m3/ngày đêm, nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước sinh hoạt...
Đặc biệt, với quy trình công nghệ sản xuất hiện đại, đồng bộ, khép kín, tuần hoàn không phát thải gây ô nhiễm môi trường, toàn bộ vỏ cà phê và các phụ phẩm trong quá trình chế biến được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ của nhà máy phân bón Sông Lam Tây Bắc. Qua đó, giải quyết những vấn đề thách thức, bất cập trong quá trình phát triển cây cà phê của tỉnh.
Nhà máy đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm cho hơn 100 lao động, chủ yếu là người dân địa phương. Đồng thời, liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ dân thực hiện chiến lược phát triển cây cà phê bền vững. Qua đó, tạo ra các sản phẩm cà phê chất lượng cao đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, giúp nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu hàng hóa, sản phẩm, thương hiệu cà phê Arabica Sơn La trên thị trường thế giới.
Bên cạnh đó, Hội thi Nhà nông đua tài năm 2023 cũng diễn ra rất sôi nổi, hào hứng của 5 đội thi đến từ các huyện Mai Sơn, Yên Châu, Sốp Cộp, Thuận Châu và thành phố Sơn La. Với chủ đề "Sản xuất cà phê bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu", các đội tham gia 4 phần thi: Lời chào nông dân; Nghe nông dân nói: Kiến thức nhà nông và So tài nhà nông.
Đối với phần thi So tài nhà nông, tại bản Hoàng Văn Thụ, xã Hua La, thành phố Sơn La, các đội tham gia thi hái quả cà phê chín và phân loại cà phê đảm bảo chất lượng.
Ở phần thi Lời chào nông dân; Kiến thức nhà nông; Nghe nông dân nói. Các đội thi có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, đầu tư thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, cùng với hình thức sân khấu hóa, thuyết trình, hùng biện, sử dụng đạo cụ hỗ trợ, âm thanh, hình ảnh minh họa thể hiện được sự sáng tạo, đổi mới trong nội dung, hình thức tuyên truyền, qua đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính hấp dẫn của phần thi.
Ngoài ra, Gala cà phê là nơi hội tụ, giao lưu vui vẻ, ý nghĩa giữa những người pha chế cà phê và người thưởng thức. Tại Gala, các đơn vị thi trưng bày gian hàng đẹp, pha cà phê thủ công, trang trí cốc cà phê đẹp và thi vẽ tranh từ hạt, bã cà phê. Cùng với đó, các đơn vị còn tạo điều kiện cho du khách tham quan, trải nghiệm, uống thử và tự pha cho mình ly cà phê theo sở thích, du khách được tìm hiểu cách pha chế để được ly cà phê ngon nhất.
Cũng trong chuỗi các hoạt động của Lễ hội, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Sơn La đã trưng bày 122 tác phẩm ảnh chủ đề “Cà phê Sơn La - Hành trình tạo nên thương hiệu”. Các tác phẩm thể hiện tính nghệ thuật đặc sắc, phản ánh đa dạng hoạt động sản xuất, kinh doanh cà phê, hành trình và thành tựu phát triển, tiềm năng, thế mạnh của cà phê Sơn La.
Tỉnh Sơn La có diện tích trồng cà phê Arabica lớn nhất cả nước với khoảng 20.000 ha, trong đó hơn 18.000 ha được cấp chứng nhận bền vững và tương đương. Tỉnh cũng đã hình thành được một số vùng sản xuất tập trung chuyên canh, theo chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu.
Sản phẩm cà phê Sơn La đã được xuất khẩu sang thị trường 20 nước thuộc EU, Bắc Mỹ, Trung Đông và các nước ASEAN với giá tiêu thụ ổn định, nâng cao thu nhập của người trồng, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương. Cây cà phê đã trở thành cây trồng chủ lực, tạo việc làm, thu nhập cao và ổn định cho hàng chục nghìn hộ nông dân ở một số huyện, thành phố. Qua đó, góp phần cơ cấu lại sản xuất theo hướng nâng cao giá trị cà phê tại Sơn La, được người tiêu dùng trong và ngoài nước đánh giá cao.
Phát biểu tại lễ bế mạc, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công, nhấn mạnh, thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh về tập trung phát triển cà phê Sơn La bền vững, góp phần nâng tầm giá trị, khẳng định vị thế cà phê Sơn La tại thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, tôn vinh người trồng, sản xuất, chế biến và kinh doanh cà phê, động viên cộng đồng cùng chung tay vun đắp cho sự phát triển của ngành cà phê trên địa bàn tỉnh Sơn La nói riêng và Việt Nam nói chung, qua đó, góp phần ổn định đời sống và nâng cao thu nhập cho người trồng cà phê trên địa bàn.
Với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú của Lễ hội, tỉnh Sơn La mong muốn giới thiệu, quảng bá, cung cấp các thông tin cụ thể về sản phẩm cà phê Arabica Sơn La tới các doanh nghiệp, người tiêu dùng trong và ngoài nước; thu hút các doanh nghiệp đầu tư các nhà máy chế biến sâu và đa dạng các sản phẩm từ cà phê, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.
Lễ hội góp phần thúc đẩy sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông sản của tỉnh Sơn La nói chung và sản phẩm cà phê Arabica nói riêng.
Quang Quyết