Xác định công tác giảm nghèo bền vững có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống người dân, nhất là người nghèo, thời gian qua, tỉnh Sơn La đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
Để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội nhằm nâng cao mức sống và chất lượng sống cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên phạm vi toàn tỉnh.
Tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 18,66%; giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số hơn 3%; giảm tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo từ 4 - 5%; hỗ trợ phát triển các mô hình giảm nghèo trong lĩnh vực phát triển sản xuất. Đồng thời, xây dựng thí điểm các mô hình du lịch cộng đồng, khởi nghiệp/khởi sự kinh doanh góp phần tạo sinh kế, việc làm bền vững, thu nhập ổn định cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Bên cạnh đó, hỗ trợ kết nối việc làm cho khoảng 25.000 lao động; trong đó, có trên 50% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; hỗ trợ đào tạo 4.000 người lao động thuộc các huyện nghèo…
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, các cấp ủy, chính quyền huyện Quỳnh Nhai đã tập trung nhiều nguồn lực, giải pháp thiết thực nhằm khơi dậy sự sáng tạo, sức lao động của nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đời sống nhân dân ngày một nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm.
Trong phát triển chăn nuôi, trọng tâm là triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi đại gia súc và nuôi trồng thủy sản được thực huyện hiện hiệu quả. Hiện tổng đàn số gia súc của huyện đạt 534.847 con, diện tích nuôi trồng thuỷ sản 321 ha.
Trong lĩnh vực trồng trọt, các xã trên địa bàn huyện đã tích cực thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, tăng năng suất, nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích canh tác; diện tích cây lương thực có hạt đạt trên 5.270ha, diện tích cây ăn quả với hơn 1.930 ha, diện tích cây chè, cà phê...với 981 ha.
Cùng với đó, những năm gần đây, nhiều hộ dân tại một số xã trên địa bàn huyện đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng bí đao xanh, đây là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hơn nữa, sản phẩm đã được công ty, thương lái đến tận nơi thu mua, bao tiêu cho người dân.
Ông Nguyễn Quốc Hưng ở bản Khoang, xã Chiềng Khoang cho biết, cuối năm 2019 gia đình ông bắt đầu trồng cây bí đao, sau hai năm trồng, đã thu hoạch được 5 vụ. Niên vụ đầu tiên, với 1.000 m2 đã thu được 10 tấn quả, tuy nhiên giá bán chỉ được 2.000 đồng/kg, nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Nhưng từ vụ thứ 2 trở đi, diện tích cho thu hoạch tăng lên, đạt sản lượng 40 tấn quả, hơn nữa giá bán lúc cao nhất là 23.000 đồng/kg, thấp nhất cũng được 7.000 đồng/kg, gia đình ông Hưng rất phấn khởi.
Ngoài ra, huyện Quỳnh Nhai cũng đã đề ra nhiều giải pháp, chuyển tải kịp thời nguồn vốn chính sách đến các hộ nghèo và đối tượng chính sách khác. Thông qua triển khai 17 chương trình tín dụng đã có hơn 34.000 đối tượng được vay vốn; trong đó, có trên 23.597 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh; hơn 1.000 hộ nghèo là người dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất được vay vốn ưu đãi để chuyển đổi nghề, phát triển sản xuất; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 920 ngôi nhà cho hộ nghèo; trên 3.876 lượt hộ sống tại vùng khó khăn được vay vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh thương mại; hỗ trợ xây dựng và cải tạo hơn 2.800 công trình nước sạch và công trình vệ sinh môi trường nông thôn. Qua đó, góp phần nâng cao mức sống của người dân; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn tiếp cận đa chiều của huyện là 8,41%; hộ cận nghèo 11,08%.
Ông Cầm Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai cho hay, huyện Quỳnh Nhai tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của toàn dân và hệ thống chính trị thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững; kết hợp chặt chẽ chính sách giảm nghèo với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Đồng thời, đa dạng hóa nguồn vốn đảm bảo huy động đầy đủ, kịp thời; gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho người nghèo sau đào tạo nghề tìm được việc làm phù hợp. Triển khai đồng bộ công tác khuyến nông - lâm - ngư nghiệp, hướng dẫn nhân rộng mô hình phát triển sản xuất cho hộ nghèo; phấn đấu đến năm 2025 huyện Quỳnh Nhai trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Thuận Châu là huyện vùng cao của tỉnh Sơn La, có 6 dân tộc cùng sinh sống, gồm: Thái, Mông, Kinh, Khơ Mú, Kháng, La Ha. Hiện nay, diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện đã có nhiều thay đổi tích cực, nhất là ở các xã đặc biệt khó khăn, vùng cao, đời sống của người dân ngày càng nâng lên, nhiều hộ thoát nghèo, có cuộc sống ổn định và được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản. Đó là những kết quả nổi bật mà Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững đem lại cho người dân.
Hàng năm, huyện giao các chỉ tiêu giảm nghèo cụ thể đến từng địa phương để triển khai thực hiện; các ngành là thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia của huyện chủ động phối hợp, triển khai các chính sách về giảm nghèo đến các đơn vị phụ trách, các xã, thị trấn; kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo. Cùng đó, tận dụng tối đa các nguồn lực trong công cuộc giảm nghèo, như: thực hiện các mô hình khuyến nông, hướng dẫn kỹ thuật; tuyên truyền và hướng dẫn nhân dân nhận khoán bảo vệ rừng; hỗ trợ và khuyến khích người dân thực hiện các dự án trồng cây sơn tra, sa nhân, cây ăn quả...
Qua đó, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, thay đổi tập quán sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi vùng đồng bào đặc biệt khó khăn, vùng cao, dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo ở địa phương. Đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn huyện còn hơn 25%, giảm 15% so với năm 2015…
Là một trong những hộ dân đầu tiên tham gia vào mô hình trồng dứa Queen tại xã Co Mạ với diện tích 1ha, chị Bạc Thị Mến cho biết, được Nhà nước hỗ trợ về cây giống, phân bón và cán bộ nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nên cây dứa của gia đình chị cũng như các hộ dân khác phát triển rất tốt, đạt trọng lượng từ 500gam đến 1kg/quả. Hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại cây trồng khác như cây ngô, cây sắn. Với giá cả và đầu ra được bao tiêu ổn định như hiện nay, gia đình chị sẽ mở rộng trồng thêm từ 1-2ha dứa để tăng thu nhập.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu Nguyễn Xuân Hoàng cho biết, hiện nay huyện đang thực hiện lồng ghép 3 chương trình lớn, gồm: Nghị quyết 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; xây dựng nông thôn mới; mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững.
Từ đó, tập trung nguồn lực, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, các thiết chế văn hóa, hỗ trợ các mô hình phát triển kinh tế cho nhân dân ở khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai và 6 xã vùng cao, đây là nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo cao. Các chương trình, chính sách về giảm nghèo được huyện triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc phát triển sản xuất, ổn định, cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân. Người dân luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo.
Tỉnh Sơn La đang tiếp tục tập trung củng cố và phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc, thực hiện tốt chính sách xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế theo hướng bền vững, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.
Quang Quyết