Ngày 1/12, Liên minh Hợp tác xã Đồng Nai phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức Hội nghị chuyên đề “Nâng cao vai trò của phụ nữ trong xây dựng, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn Đồng Nai”.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Đỗ Phước Dũng, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Đồng Nai nhấn mạnh: Thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” và Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030" trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Liên minh Hợp tác xã đã tích cực phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh và nhất là vai trò, vị trí của phụ nữ trong xây dựng và phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ thành lập mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ quản lý. Qua đó, giúp cán bộ, hội viên, phụ nữ hiểu rõ tầm quan trọng, cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động của mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác; lựa chọn xây dựng loại hình hợp tác xã phù hợp với đặc thù, phát huy được thế mạnh của địa phương, đơn vị.
Việc tổ chức Hội nghị chuyên đề “Nâng cao vai trò của phụ nữ trong xây dựng, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Đồng Nai” cũng nhằm tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã nói chung và các hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành nói riêng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai.
Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thanh Hiền, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Đồng Nai trình bày báo cáo về “Vai trò và hoạt động của các hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành trên địa bàn tỉnh Đồng Nai”. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước với quan điểm coi kinh tế tập thể, mà nòng cốt là hợp tác xã, là một trong những thành phần kinh tế quan trọng, đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tập thể trong các ngành nghề, lĩnh vực, vùng, miền của đất nước, ưu tiên xây dựng các mô hình hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị, gắn với sản phẩm chủ lực của quốc gia, địa phương. Với phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam thời đại 4.0 “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, cùng với sự đồng hành của toàn xã hội, ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào lĩnh vực kinh tế nói chung và lĩnh vực kinh tế tập thể, hợp tác xã nói riêng.
Tính đến tháng 9 năm 2023, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 383 hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, Liên hiệp Hợp tác xã đang hoạt động với tổng vốn điều lệ trên 1.863.327 triệu đồng, thu hút hơn 47 ngàn thành viên và 7 ngàn lao động; trong đó các hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân có phụ nữ làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc chiếm khoảng 16%; phụ nữ làm Phó Giám đốc chiếm hơn 35%. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 802 tổ hợp tác với trên 28 ngàn tổ viên, hơn 50% lực lượng lao động là phụ nữ.
Bà Phí Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đồng Nai trình bày tham luận “Công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên, phụ nữ xây dựng mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý và tạo việc làm”. Trong 5 năm qua, Hội đã giúp 1.576 hộ thoát nghèo/cận nghèo theo tiêu chí đa chiều; hỗ trợ 3.253 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Thông qua sinh hoạt chi, tổ Hội và các buổi truyền thông, Hội đã tuyên truyền, vận động hội viên cố gắng lao động sản xuất, không trông chờ, ỷ lại; thực hiện tiết kiệm bằng nhiều hình thức, tạo điều kiện cho chị em vay các nguồn vốn ưu đãi, giúp đỡ nhau thoát nghèo bằng nhiều hình thức như hỗ trợ con giống, ngày công lao động...
Hoạt động của hợp tác xã, tổ hợp tác do nữ quản lý đã tạo được việc làm ổn định cho các thành viên và lao động nữ, giúp nhiều gia đình thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Nhiều hợp tác xã do nữ làm chủ đã có đóng góp lớn cho địa phương như Hợp tác xã Nông nghiệp An Hòa Hưng của chị Hoàng Thị Kim Anh (Thành phố Biên Hòa), Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Trường Phát của chị Nguyễn Thị Bích Lệ (huyện Nhơn Trạch)… Các chị là những tấm gương phụ nữ làm kinh tế giỏi tiêu biểu với tinh thần đổi mới, sáng tạo không ngừng.
Các đại biểu còn được nghe các thanh luận của các đại diện như bà Nguyễn Thị Đào (Hợp tác xã nông nghiệp nuôi ong và thương mại dịch vụ Hàng Gòn) với tham luận “Xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, sản phẩm OCOP và tạo việc làm cho lao động nữ tại địa phương”; bà Dương Thị Thúy Hằng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Quỹ tín dụng nhân dân Nhơn Trạch tham luận về “Vai trò của phụ nữ trong tuyên truyền vận động người lao động phát huy sáng kiến và tham gia xây dựng, phát triển đơn vị vững mạnh”...
Trên cơ sở các tham luận, đại diện Liên minh Hợp tác xã Đồng Nai cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và đại diện các cơ quan chức năng có liên quan đã thảo luận, trao đổi để tìm giải pháp khắc phục hạn chế trong phát triển mô hình hợp tác xã. Các đại biểu dự hội nghị cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác quản lý, điều hành, phát triển sản phẩm, tạo việc làm cho người lao động.
Nguyễn Văn Việt