Nhiều năm qua, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) luôn chú trọng thu hút đầu tư, thực hiện tốt các chính sách dân tộc. Từ chủ trương này, nhiều chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn huyện đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc. Đến nay, phần lớn người dân vùng đồng bào dân tộc có việc làm, thu nhập ổn định, đời sống ngày một được nâng cao.
Là hộ dân có đông con (5 người con), trước đây công việc không ổn định, cuộc sống rất khó khăn, đến nay gia đình bà Ha Phi So, người dân tộc Chăm, xã Xuân Hưng, Xuân Lộc, đã vươn lên trở thành hộ gia đình khá giả với mức thu nhập ổn định.
Theo bà Ha Phi So, trước đây các thành viên trong gia đình không có nghề nghiệp ổn định, chủ yếu làm thuê, nên số tiền kiếm được cũng chỉ đủ ăn. Năm 2008, ở xã Xuân Hưng có công ty về đầu tư, nên con cái đến tuổi đi làm đã xin vào công ty làm. Từ đó, gia đình có nguồn thu ổn định hàng tháng, có thể mua sắm các trang thiết bị tiện nghi trong gia đình.
Ông A Mine, Trưởng ban Nhân dân ấp 4, xã Xuân Hưng cho biết, hiện trong ấp có 678 hộ; trong đó, có 575 hộ là người dân tộc thiểu số. Trước đây, đồng bào đa số làm ruộng, săn bắt chim, ong kiếm sống qua ngày. Từ khi có công ty về thành lập trên địa bàn xã, tạo việc làm cho người lao động địa phương, nguồn thu nhập của bà con ổn định hơn, nền kinh tế dần phát triển. Hiện tại, trong làng có trên 700 nhân khẩu trong độ tuổi lao động đang làm việc tại các công ty, xí nghiệp.
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH đầu tư quốc tế Việt Đức ở Khu công nghiệp Xuân Lộc (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai). Ảnh: baodongnai.com.vn
Với đặc điểm địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều năm qua, xã Xuân Hưng đã không ngừng thực hiện chủ trương, chính sách thu hút đầu tư trên địa bàn xã nhằm tạo công ăn việc làm cho lao động trong xã, đặc biệt là người dân tộc thiểu số, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào.
Bà Trần Thị Ngọc Thúy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Xuân Hưng cho biết, hiện trên địa bàn xã có 7 đồng bào dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc Chăm và S’Tiêng chiếm phần lớn. Nhiều năm qua, chính quyền địa phương luôn hỗ trợ đồng bào dân tộc mọi mặt như an sinh xã hội, nhà tình thương, đường điện, nước sinh hoạt, tạo cơ sở việc làm cho đồng bào dân tộc, từ đó nền kinh tế từng bước được nâng lên. Để thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp vào địa bàn, địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi khi các công ty đầu tư vào như mặt bằng, cơ sở pháp lý, an ninh chính trị... Đến nay, trên địa bàn xã đã có 2 công ty đầu tư vào sản xuất, thu hút hàng ngàn lượt lao động tại địa phương.
Theo ông Trần Văn Khanh, Giám đốc điều hành sản xuất Công ty may Đồng Xuân Lộc, vì đóng chân trên địa phương có đông đồng bào dân tộc nên ngay từ những ngày đầu thành lập, ban lãnh đạo công ty luôn xác định tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút, tạo dựng việc làm cho đồng bào dân tộc. Do vậy, số lượng lao động là người dân tộc thiểu số làm việc trong công ty chiếm hơn 45%. Nắm bắt được nét văn hóa khác biệt của đồng bào dân tộc, Công ty luôn chủ động đáp ứng điều kiện của người lao động như những ngày lễ hội dân tộc, tháng ăn chay... để người lao động vừa giữ được nét văn hóa riêng của dân tộc mình vừa đảm bảo lao động sản xuất, tăng thêm thu nhập (thu nhập bình quân dao động từ 6,5 - 8 triệu đồng/người/tháng).
Ông Nguyễn Ngọc Hoàn, Phó trưởng phòng Dân tộc huyện Xuân Lộc cho biết, huyện Xuân Lộc đã có nhiều chính sách hỗ trợ, phát triển nền kinh tế trong đồng bào dân tộc như xây dựng đường giao thông nông thôn, công trình điện, trường học, trạm y tế. Trong đó, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn được đặc biệt quan tâm.
Để thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, huyện đã thực hiện nhiều đề án, hội thảo mời gọi đầu tư, tạo thuận lợi về mặt pháp lý, hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn, giúp các doanh nghiệp thuận lợi khi đầu tư, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho lao động địa phương.
Theo bà Huỳnh Thị Lành, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Xuân Lộc, những năm qua, để phát triển kinh tế cho vùng đồng bào dân tộc, Ủy ban nhân dân huyện đã tích cực thu hút đầu tư, phát triển mạng lưới các công ty, doanh nghiệp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 1 khu công nghiệp, 4 công ty may, 29 doanh nghiệp thu hút và giải quyết việc làm cho trên 30.000 lao động. Qua đó, số lao động là người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện có việc làm ổn định chiếm trên 86%.
Xuân Lộc hiện có 25 thành phần dân tộc, trong đó có 24 dân tộc thiểu số với trên 20.000 nhân khẩu, chiếm 8% dân số toàn huyện.
Lê Xuân